Ô tô nội được giảm 50% phí trước bạ: Xe cũ thất thế, 'méo mặt' chờ khách

PHẠM DUY| 21/12/2021 15:20

COVID-19 bùng nổ cùng chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12 đã dồn thị trường xe cũ vào thế bí, giao dịch ảm đạm.

2021 là một năm khó khăn với thị trường ô tô cũ, khi hứng chịu đồng loạt nhiều "cú sốc": đợt COVID-19 lần thứ tư bùng phát kéo dài khiến nhiều địa phương giãn cách kéo dài, buộc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khốn đốn; người dân giảm thu nhập, phải hạn chế chi tiêu và mới đây nhất là quy định giảm 50% phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước có hiệu lực.

Khó chồng khó

7 năm kinh doanh xe cũ nhưng chưa giai đoạn nào anh Hoàng Thọ Thịnh, một cổ đông chính của salon F1 Auto (79 Nguyễn Chánh, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại thấy khó khăn, vất vả như bây giờ. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến Hà Nội và nhiều địa phương phải giãn cách, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Thu nhập hạn chế buộc người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, kéo theo hoạt động kinh doanh ô tô cũ của anh Thịnh kém sôi động, thậm chí nhiều thời điểm "đóng băng".

Ô tô nội được giảm 50% phí trước bạ: Xe cũ thất thế, 'méo mặt' chờ khách - 1

Nhiều showroom ô tô cũ tuy giảm giá nhưng vẫn khó bán, bất chấp đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao.

Anh Thịnh cho biết, trước kia, một bộ phận khách hàng rất ưa chuộng xe cũ vì giá cả phù hợp, xe cũng được lắp đặt full nội thất, thiết bị. Bên cạnh đó, salon cũng kết hợp với một số ngân hàng hỗ trợ vay vốn lên đến 65% giá trị xe nên trong hai năm 2018-2019, trung bình mỗi tháng salon giao dịch hàng trăm xe cả mua và bán.

“Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lượng người đến xem giảm hơn 60% so với trước, lượng người mua cũng chỉ chiếm 20% người vào khảo sát so với năm 2018-2019, dù có thời điểm salon phải giảm 30-50 triệu đồng/xe để kích cầu tiêu dùng và xả hàng”, anh Thịnh chia sẻ.

Cũng rơi vào khó khăn là salon HBC Auto của anh Đỗ Ngọc Ban (310 Nguyễn Xiển, Hà Nội). Dù giá xe đã giảm xuống 15-20% nhưng lượng người mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời điểm cuối năm 2019, trung bình mỗi ngày salon này giao dịch từ 2-3 xe các loại, nhất là dòng xe sedan 4 chỗ giá từ 250 triệu đến dưới 500 triệu, nghĩa là mỗi tháng giao dịch từ 60-90 xe. Tuy nhiên, hiện nay, dù đã bước vào thời kỳ cao điểm mua sắm phục vụ đi lại dịp cuối năm và Tết nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, salon cũng chỉ giao dịch chưa đến 20 xe.

Nhiều người chuyên kinh doanh xe cũ nhận định, đây đang là thời kỳ các salon ô tô cũ rơi vào cảnh “thoi thóp” vì lượng khách hàng không nhiều. Đó là với dòng xe sedan phù hợp với khả năng của đa số khách hàng chứ chưa nói đến dòng xe trung, cao cấp giá từ 500 triệu đồng trở lên càng khó giao dịch hơn. Trong khi đó, các xe đã mua về salon hầu hết đều được vay vốn từ ngân hàng. Xe nằm trong bãi vài tháng trời vẫn phải bảo dưỡng thường xuyên, giá thuê mặt bằng kinh doanh không giảm. Lượng khách vốn hạn chế, xe nhập ít càng khiến cho các salon oto cũ trở nên ảm đạm, vắng vẻ. Để duy trì hoạt động, anh Ban đã phải dịch chuyển từ mua bán sang dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô.

Đặc biệt, anh Ban than thở: “Các salon ô tô cũ của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn khi chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% đối với xe lắp ráp trong nước có hiệu liệu từ ngày 1/12, tức là xe mới lắp ráp trong nước giảm từ 5-6% giá trị xe. Thậm chí, có khách hàng đã đặt tiền mua xe cũ nhưng khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước có hiệu lực, một số khách hàng đã hủy “kèo” mua xe. Đây là sự cạnh tranh rất khốc liệt mà các salon kinh doanh xe cũ như chúng tôi phải đối mặt. Nếu doanh nghiệp không trường vốn, phải vay vốn ngân hàng thì rất dễ phá sản”.

Khách liên tục “hủy kèo” xe cũ, tìm mua xe mới

Anh Lưu Ngọc Khánh, khách hàng ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, trước khi xe lắp ráp trong nước giảm thuế trước bạ, anh có ý định mua một chiếc xe Kia Forte sản xuất và đăng ký năm 2011 tại Việt Nam. Xe được salon trên đường Nguyễn Xiển định giá 360 triệu đồng.

Qua kiểm tra, xe còn chất lượng, một đời chủ là cán bộ viên chức, giá cũng trong khoảng chi phí cho phép nên tôi rất thích. Tuy nhiên, khi chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% có hiệu lực cộng thì tôi đã “hủy kèo” mua xe cũ để mua xe mới”, anh Khánh chia sẻ.

Ô tô nội được giảm 50% phí trước bạ: Xe cũ thất thế, 'méo mặt' chờ khách - 2

Dù khó bán nhưng xe cũ luôn phải được bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng và cả hình thức để thu hút người tiêu dùng.

Việc hủy “kèo” mua xe cũ của anh Khánh có thể được coi là sáng suốt, bởi ngay khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/12, nhiều dòng ô tô ngoại đã chủ động kích cầu với các chương trình ưu đãi khá hấp dẫn.

Anh Trần Văn Thành, tư vấn viên showroom Mitsubishi ở số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Mitsubishi đã “tung” chính sách tặng 100% phí trước bạ cho Xpander bản nhập khẩu Xpander Cross, Ertiga và XL7, mức giảm vào khoảng 60-70 triệu đồng và có thêm các quà tặng phụ kiện, bảo hiểm cho khách hàng”.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VTC News, ngay sau khi chính sách giảm 50% thuế trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/12, nhiều hãng xe hoặc showroom đã cắt gảm phần lớn chính sách khuyến mãi khác được đưa ra trước đó, thậm chí là tăng giá bán tức thì.

Điển hình phải kể đến các dòng xe Kia Sonet vừa ra mắt hồi tháng 9, 3 phiên bản Deluxe, Luxury và Premium đã tăng giá bán 5 triệu đồng kể từ 1/12. Theo đó, giá thành các phiên bản có giá từ 544-614 triệu đồng, riêng model Deluxe MT giá 499 triệu đồng không có sự thay đổi.

Anh Trần Văn Khiêm, nhân viên tư vấn Kia Mỹ Đình, số 1 Trịnh Văn Bô, Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: "Việc tăng giá bán được hãng ban hành từ ngày 4/12. Còn các chính sách hỗ trợ thì ở showroom không có, chỉ có chính sách hỗ trợ lắp đặt phụ kiện từ hãng" anh Khiêm nói.

Ô tô nội được giảm 50% phí trước bạ: Xe cũ thất thế, 'méo mặt' chờ khách - 3

Ô tô mới lắp ráp trong nước giảm 50% thuế trước bạ, xe mới nhập khẩu cũng kích cầu tiêu dùng bằng các chính sách ưu đãi đã tác động lớn đến thị trường xe cũ. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với VTC News, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, mình cũng đã trải qua việc mua và sử dụng xe cũ và cả xe mới nên có khá nhiều kinh nghiệm trong việc này.

“Về ô tô cũ, hiện vấn đề cần quan tâm là xe cũ hết hạn sử dụng được đem đi cơi nới, sửa chữa, nâng cấp và đưa đi đăng kiểm lại. Thậm chí còn thủ đoạn là đưa xe cũ sang Lào đại tu rồi đem rồi đem về sử dụng. Đây là vấn đề nghiêm trọng và rất dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do vậy cần phải thu hồi và hủy xe cũ đã hết hạn sử dụng”, ông Liên nói.

Còn đối với xe mới và chính sách giảm 50% thuế trước bạn thì trong bối cảnh chúng ta đang phải gồng mình chống dịch COVID-19, do việc tiêu thụ ô tô có khó khăn nên nhà nước có chủ trương kích cầu đối với thị trường ô tô sản xuất trong nước để hướng tới nội địa hóa là một chủ trương rất lớn, có nghiên cứu tỷ mỉ của các cơ quan chức năng, qua đó nhằm đưa giá ô tô về mức có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, với chính sách giảm 50% phí trước bạ, người được hưởng lợi nhất là các doanh nghiệp kinh doanh, showroom bán xe. Bởi họ đã "ăn theo" chính sách giảm phí trước bạ để cắt giảm hầu hết việc ưu đãi, kích cầu đối với xe lắp ráp trong nước.

PHẠM DUY
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ô tô nội được giảm 50% phí trước bạ: Xe cũ thất thế, 'méo mặt' chờ khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO