Sau khi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) quét qua, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng trong 2 ngày qua đã gây ra lũ lụt cho các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc. Nhiều khu vực bị ngập úng nghiêm trọng gây thiệt hại cả về người và tài sản. Đặc biệt từ đêm qua, nước sông Hồng lên cao dẫn tới nguy cơ ngập lụt cho Hà Nội.
Trước tình trạng này, hàng loạt xe ô tô bị chìm trong nước do ngập lụt là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là các xe đỗ ở các bãi gửi vùng trũng. Vì vậy, nếu xe đã mua bao hiểm, các chủ xe cần hiểu rõ về quy trình, thủ tục bồi thường của các công ty bảo hiểm đối với sự cố ô tô bị ngập nước để tránh xảy ra những trục trặc, thiệt thòi có thể xảy ra.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Đoàn Văn Nhất - chuyên viên tư vấn bảo hiểm PVI cho biết: "Mưa bão, ngập lụt là những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên gây ra nên đây là một trong những trường hợp nằm trong phạm vi được bồi thường bảo hiểm. Nếu đã mua loại hình bảo hiểm vật chất ô tô, chủ xe hoàn toàn có thể yên tâm sẽ được đơn vị bảo hiểm đền bù thiệt hại."
Theo anh Nhất, khi xảy ra sự cố bất khả kháng này, các chủ xe cần thực hiện đúng các bước theo quy trình của giải quyết vụ việc bảo hiểm để có thể được thuận lợi nhận bồi thường từ đơn vị bảo hiểm.
Khi xe ô tô bị ngập nước do mưa bão, điều đầu tiên của quy trình bảo hiểm là phải gọi lên số tổng đài chăm sóc khách hàng của đơn vị bảo hiểm để thông báo tai nạn. Đây là quy định bắt buộc các chủ xe phải tuân theo để đảm bảo được hưởng toàn bộ quyền lợi nếu không muốn bị phạt chế tài từ 10-50% tổng chi phí sửa chữa.
Bước thứ hai, chụp lại hình ảnh hiện trường trong trường hợp đơn vị bảo hiểm chưa thể cử giám định viên xuống hiện trường để xác nhận thiệt hại.
Bước thứ ba, gọi xe cứu hộ để đưa xe đến nơi sửa chữa. Do đây là trường hợp tai nạn không thể tự đưa xe đến nơi sửa nên mọi chi phí vận chuyển sẽ cho bên bảo hiểm chịu trách nhiệm.
Lưu ý, các chủ xe không nổ máy tránh tình trạng bị thủy kích, khi đó nếu hợp đồng bảo hiểm vật chất ô tô không có thêm điều khoản bổ sung về bảo hiểm thủy kích, đơn vị bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường.
Bước thứ tư, các kết quả về phương án khắc phục phải được ghi trong biên bản giám định có chữ ký của giám định viên và đại diện của đơn vị bảo hiểm mới được coi là có hiệu lực.
Bước cuối cùng, sau khi xe được sửa chữa xong, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, đơn vị bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ chi phí sửa chữa cho chủ xe.
Ngoài ra, anh Nhất cũng chia sẻ thêm chủ xe nên đưa xe đến những gara sửa chữa thuộc hệ thống liên kết với đơn vị bảo hiểm để việc thanh toán được nhanh chóng, thường trong vòng 2 ngày làm việc. Khách hàng chỉ cần ký biên bản nghiệm thu và nhận xe.
Còn nếu chủ xe muốn đưa xe đến gara không nằm trong hệ thống liên kết, chủ xe sẽ phải tạm ứng trước các chi phí sửa chữa, sau đó đơn vị bảo hiểm sẽ căn cứ vào số tiền chủ xe đã tạm ứng để bồi thường. Thời gian để chủ xe nhận được số tiền bồi thường sẽ lâu hơn.
Anh Nhất cho hay nhiều chủ xe không có thói quen tìm hiểu và đọc kỹ các nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm nên khi xảy ra vụ việc thường lúng túng. Thay vì gọi lên số tổng đài chăm sóc trực 24/7, chủ xe sẽ có phản xạ là gọi cho người bán bảo hiểm. Khi không liên lạc được, hoặc nếu không được tư vấn đầy đủ kỹ lưỡng, chủ xe thường dễ nóng giận, có thể hiểu sai quy trình, thủ tục và dễ xảy ra những tranh cãi không cần thiết.
Đây là vướng mắc xảy ra phổ biến đối với những chủ xe không tìm hiểu kỹ về bảo hiểm. Vì vậy, để có thể hoàn thành các thủ tục bồi thường bảo hiểm ô tô một các nhanh chóng và thuận lợi nhất, chủ xe cần phối hợp chặt chẽ và tuân thủ với các quy định mà công ty bảo hiểm đề ra.
Ngược lại, các nhân viên bán bảo hiểm cũng cần nâng cao trách nhiệm hỗ trợ khách hàng của mình để tránh những khiếu kiện không cần thiết xảy ra.