Ngành ô tô Việt Nam muốn phát triển, cần “người đỡ đầu”

23/05/2020 07:30

Các chuyên gia cho rằng, ngành ô tô Việt Nam muốn phát triển cần có những chính sách tốt đóng vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp nội.

Nhìn thành công của nước bạn để kiên định mục tiêu bảo hộ

Thực tế cho thấy, nền công nghiệp ô tô của một quốc gia muốn phát triển cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ. Sứ mệnh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thế nên, nếu Việt Nam không có rào cản thuế để bảo vệ cũng như nuôi dưỡng phát triển, rất khó để ô tô nội địa phát triển. Chúng ta hãy nhìn ngay sang nước “láng giềng” Malaysia xem họ “bảo hộ” cho ngành ô tô trong nước như thế nào.

“Người đỡ đầu ngành công nghiệp ôtô” là từ mà báo chí Malaysia hay nói về vị thủ tướng của mình, ông Mahathir Mohamad. Vị thủ tướng này được biết đến với tên gọi Tiến sĩ M, người đã đưa ra ý tưởng xây dựng thương hiệu ôtô nội địa Malaysia với tên gọi Proton, và sau đó đã rất thành công.

Tổng thống Malaysia và ngành ô tô
“Người đỡ đầu ngành công nghiệp ôtô” là từ mà báo chí Malaysia hay nói về vị thủ tướng của mình, ông Mahathir Mohamad

Dự án xe Proton đã đưa Malaysia từ một nước nông nghiệp trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á. Đây cũng là quốc gia duy nhất tại khu vực ASEAN có các thương hiệu ôtô nội địa cạnh tranh sòng phẳng với những hãng xe toàn cầu.

Vậy họ làm cách nào? Để hiện thực hóa giấc mơ ô tô, Chính phủ Malaysia đã tung ra hàng hoạt chính sách mang tính chất giống “bà đỡ” để tạo dựng thương hiệu nội địa.

Theo đó, từ khi bắt đầu sản xuất, Proton được áp dụng chính sách thuế ưu đãi do chính phủ đưa ra nhằm áp đảo các đối thủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Chẳng hạn, Proton chỉ phải trả 13% thuế nhập khẩu linh kiện, chủ yếu là động cơ và bộ truyền động từ Nhật Bản, trong khi các công ty nước ngoài tại Malaysia phải trả 42%.

Chính phủ Malaysia kiểm soát phần lớn nhà máy lắp ráp Proton, chỉ cho phép 17% thuộc sở hữu của Mitsubishi Group (Nhật Bản). Chính phủ nắm giữ 42,7% cổ phần của Proton và được bảo hộ về mặt tài chính. Sự bảo vệ của chính phủ và hàng rào thuế quan được coi chính là công cụ bảo vệ nền công nghiệp ôtô của Malaysia.

Do được miễn thuế nhập khẩu linh kiện CKD, Proton bán rẻ hơn 20-30% so với những chiếc xe tương tự được sản xuất bởi các nhà lắp ráp khác trong nước. Vào những năm 1990, Proton trở thành chiếc xe chiếm ưu thế tuyệt đối ở Malaysia. Hãng xe nội địa Malaysia nhanh chóng tăng trưởng và chiếm thị phần lớn. Năm 1994, mẫu sedan Saga của Proton chiếm tới 74% doanh số bán xe tại Malaysia.

Ngành công nghiệp ô tô Malaysia
Ông Mahathir Mohamad đưa ra ý tưởng xây dựng thương hiệu ôtô nội địa Malaysia bằng việc hỗ trợ các chính sách

Song song với đó, Chính phủ nước này cũng nhanh chóng mở rộng mạng lưới đường sá và cao tốc, giúp việc đi lại bằng ôtô trở nên dễ dàng hơn. Đây cũng là một phần lý do khiến nhiều người Malaysia có nhu cầu mua xe.

Thành công của Proton được đánh giá như một niềm tự hào của người Malaysia. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chính phủ bảo hộ, miễn thuế, có cơ chế ưu đãi cho Proton giống như “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Chính phủ có thể giảm nguồn thu thuế trực tiếp, nhưng gián tiếp làm phát triển công nghiệp, đặc biệt là hơn 1.000 nhà cung cấp cho Proton, đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu người dân.

Lý giải sự thành công trong việc phát triển ôtô nội địa của Thái Lan, Malaysia và nhiều nước khác, các chuyên gia cho rằng điểm cốt yếu nằm ở chính sách. Do vậy, để xây dựng thương hiệu ôtô nội địa của Việt Nam, việc đầu tiên là cần có một chính sách tốt, mang tính chất “bà đỡ”. Từ đó, ngành này sẽ phát triển lan tỏa đến các ngành khác trong nền kinh tế.

Ai đóng vai trò “bà đỡ” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?

Kể từ năm 2017 đến nay, Chính phủ liên tục có các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước, trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Bộ Công Thương. Vị “Tổng tư lệnh” ngành Công Thương chỉ đạo theo phương châm “bám sát, nói ít, làm nhiều”.

Bộ Công Thương và ngành ô tô
Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt kiến nghị gỡ khó cho ngành ô tô

Nói về giải pháp chính trong phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, định hướng tới đây là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng. Trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao (động cơ - hộp số - bộ truyền động) để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ và đã làm việc với các doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam, qua đó sẽ xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2020; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng: điều chỉnh các chính sách về thuế, thị trường, hình thành hệ thống nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất ô tô trong nước để cắt giảm chi phí, hạ giá thành, cải tiến chất lượng; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Bộ Công Thương và ngành ô tô
Bộ Công Thương phản ứng rất nhanh trước những “biến cố” ảnh hưởng đến ngành ô tô

Không chỉ “bám sát” các mục tiêu dài hạn, Bộ Công Thương cũng phản ứng rất nhanh trước những “biến cố” ảnh hưởng đến ngành ô tô. Vừa qua, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam lần lượt tạm dừng hoạt động để phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn vì đại dịch, Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt kiến nghị. Trong đó, riêng đối với ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, Bộ Công thương kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế VAT đến hết quý I/2021.

Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Bộ Công Thương kiến nghị sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ôtô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ôtô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang hội nhập sâu rộng trong khu vực, với hàng rào thuế quan gần như được gỡ bỏ hoàn toàn, nên ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) để giữ vững được thị trường.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại VinFast... góp phần gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.

Ngành ô tô Việt Nam
Ngành ô tô trong nước cần tận dụng tốt sự hỗ trợ từ chính sách

Ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước); đề xuất bổ sung dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó có dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, vào đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư.

Nếu tận dụng tốt được sự “đỡ đầu” của Chính phủ, của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sớm “hiện thực hoá giấc mơ ô tô” của người Việt.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngành ô tô Việt Nam muốn phát triển, cần “người đỡ đầu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO