Những ngày cuối tháng 3, dưới cái nắng trưa khô khốc, gần 60 chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân (CAND) là người dân tộc thiểu số đang cùng đồng đội tích cực tập luyện tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Nam TPHCM (tại tỉnh Long An).
Môi trường huấn luyện chuyên nghiệp, khắc nghiệt nhưng những người lính trẻ ấy luôn chăm chỉ tập luyện và nhận thấy việc khoác lên mình chiếc áo CAND là một niềm tự hào, vinh dự.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, em Thạch Thị Hồng Ngân (23 tuổi, quê Trà Vinh, dân tộc Khmer) chia sẻ, thời gian đầu huấn luyện, Ngân gặp một số khó khăn và bỡ ngỡ về thời gian sinh hoạt, thời tiết tại đơn vị, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Đồng thời, việc phát âm chưa chuẩn tiếng Việt cũng là rào cản.
Hiểu được tâm lý, chỉ huy đơn vị đã thường xuyên gặp gỡ, động viên, phân công cán bộ và chiến sĩ kèm cặp, hỗ trợ nên đã giúp Ngân tự tin và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. "Lúc đầu em có buồn nhưng nhờ sự động viên của các thầy và đồng đội, em vượt qua mọi trở ngại và nhanh chóng hòa nhập với mọi người", Ngân tươi cười, chia sẻ.
Tương tự, Lâm Hoàng Kha (23 tuổi, quê Cà Mau, dân tộc Khmer) cho biết, nhờ nhận được sự quan tâm, động viên từ chỉ huy đơn vị, đồng đội nên Kha đã hòa nhập với sinh hoạt, văn hóa của tập thể rất nhanh và yên tâm tập luyện.
"Nhận thức rõ nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc, em muốn trở thành chiến sĩ CAND để bảo vệ bình yên và hạnh phúc cho mọi người. Dù có đôi lúc nhớ nhà nhưng em tự nhủ phải vượt qua để luyện tập có kết quả tốt, đem lại sự tự hào cho gia đình", Kha nói.
Thượng tá Võ Văn Nhu, Tiểu đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TPHCM cho biết, đơn vị tiếp nhận nhiều tân binh là những chiến sĩ dân tộc thiểu số ở miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ nên có sự khác biệt nhất định về phong tục, tập quán.
"Người dân tộc Khmer và Mường chăm chỉ, rèn luyện tích cực nhưng đôi lúc còn chưa quen nhiều thứ nên mình phải làm công tác tư tưởng để các em an tâm học tập và phân công cán bộ kèm cặp những chiến sĩ còn yếu. Qua đó, các chiến sĩ đều đã nêu cao tinh thần học tập, chịu khó, chịu khổ, đến nay đều theo kịp và lực lượng đồng đều", Thượng tá Võ Văn Nhu cho biết.
Thực hiện kế hoạch xét tuyển và huấn luyện năm 2023, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã phối hợp công an các địa phương tuyển chọn được hơn 15.200 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND. Trong đó, có khoảng 12.000 chiến sĩ thuộc công an các địa phương và hơn 3.200 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ.
Bộ Tư lệnh CSCĐ đã giao cho 13 đầu mối trực thuộc tiếp nhận, quản lý và huấn luyện. Riêng Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TPHCM được giao tiếp nhận, quản lý và huấn luyện 829 công dân, thời gian huấn luyện 3 tháng.
Trong thời gian này, chiến sĩ mới sẽ được truyền đạt, rèn luyện các kiến thức, nội dung cơ bản về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ năng chiến đấu và sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, công tác PCCC&CNCH.