Ô nhiễm ánh sáng đe dọa quan hệ cổ xưa giữa con người và bầu trời đêm

(TTXVN/Vietnam+)| 21/03/2023 12:03

Ngày 20/3, các nhà thiên văn học cảnh báo tình trạng ô nhiễm ánh sáng do số lượng vệ tinh quay quanh Trái Đất gia tăng đang gây ra "mối đe dọa chưa từng có trên toàn cầu đối với tự nhiên."

O nhiem anh sang de doa quan he co xua giua con nguoi va bau troi dem hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Forbes)

Ngày 20/3, các nhà thiên văn học cảnh báo tình trạng ô nhiễm ánh sáng do số lượng vệ tinh quay quanh Trái Đất gia tăng đang gây ra "mối đe dọa chưa từng có trên toàn cầu đối với tự nhiên."

Trong loạt bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Astronomy, các nhà thiên văn học quốc tế cho biết số lượng vệ tinh trên quỹ đạo thấp của Trái Đất đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2019 khi công ty SpaceX của Mỹ tiến hành vụ phóng "chùm vệ tinh" quy mô lớn lần đầu tiên gồm hàng nghìn vệ tinh.

Một loạt chùm vệ tinh Internet mới cũng đã được lên kế hoạch sớm phóng lên quỹ đạo, "chất" thêm hàng nghìn vệ tinh lên khu vực vốn đã dày đặc vệ tinh, cách Trái Đất chưa đến 2.000km này.

Các nhà thiên văn cũng chỉ ra thực tế mỗi vệ tinh mới xuất hiện trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, nguy cơ va chạm với một vật thể khác quay quanh Trái Đất càng gia tăng, dẫn đến nhiều mảnh vỡ hơn.

Điều này có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền, theo đó các vụ va chạm liên tiếp xảy ra, tạo thành các mảnh vỡ nhỏ hơn nữa, bổ sung vào đám mây "rác vũ trụ" đang phản chiếu ánh sáng trở lại Trái Đất.

Các nhà thiên văn cảnh báo tình trạng ô nhiễm ánh sáng gia tăng đe dọa hoạt động thiên văn.

Trong một nghiên cứu, các nhà thiên văn cho biết lần đầu tiên họ đã xác định được tác động về mặt tài chính và khoa học của tình trạng bầu trời đêm sáng hơn đối với hoạt động của một đài thiên văn lớn.

Cụ thể, qua mô phỏng, các nhà thiên văn xác định đối với đài thiên văn Vera Rubin đang được xây dựng tại Chile, phần tối nhất của bầu trời đêm trong thập niên tới sẽ sáng hơn 7,5% so với hiện nay, đồng nghĩa số lượng sao mà Vera Rubin có thể quan sát được sẽ giảm 7,5%.

Điều này khiến quá trình khảo sát của đài thiên văn này phải kéo dài thêm gần 1 năm, gây tốn kém 21,8 triệu USD.

Ông John Barentine, đồng tác giả nghiên cứu, làm việc tại công ty tư vấn Dark Sky (Mỹ) còn cảnh báo một hậu quả khác chưa thể tính toán được do bầu trời đêm sáng hơn - đó là những hiện tượng thiên văn mà nhân loại không bao giờ quan sát được.

Theo ông, ô nhiễm ánh sáng gia tăng để lại hậu quả nghiêm trọng hơn những gì con người có thể hình dung.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo bầu trời đêm sáng hơn không chỉ ảnh hưởng đến các quan sát thiên văn mà còn đe dọa "mối quan hệ cổ xưa giữa con người và bầu trời đêm."

Nhà thiên văn Aparna Venkatesan tại Đại học San Francisco nhấn mạnh "vũ trụ là di sản và tổ tiên chung của con người, kết nối con người thông qua khoa học, nghệ thuật, những chuyện kể và những truyền thống văn hóa - và giờ đây vũ trụ đang gặp nguy hiểm."

Trước thực trạng trên, nhóm các nhà thiên văn học tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy kêu gọi giới khoa học "ngăn chặn cuộc tấn công" vào bầu trời đêm, thông qua việc hạn chế phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất.

Các nhà thiên văn học cảnh báo việc mất đi tính tự nhiên vốn có của bầu trời đêm trên toàn thế giới sẽ trở thành mối đe dọa toàn cầu chưa từng thấy đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên, cũng như đe dọa các lợi ích kinh tế trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

  • Lịch sử ra đời và phát triển của những chiếc răng giả
    Thời xa xưa con người đã bắt đầu nghiên cứu và tìm tòi những vật có thể thay thế cho răng bị mất để việc ăn nhai trở nên tốt hơn.
  • Lịch sử du nhập cây cà phê vào Việt Nam
    Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những trở mình mạnh mẽ, thoát khỏi các định chế bao cấp, trở thành một trong những cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhất (sau lúa gạo), đưa nước ta lên vị trí thứ 2 của bản đồ cà phê thế giới.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm ánh sáng đe dọa quan hệ cổ xưa giữa con người và bầu trời đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO