Hà Nội cùng một số địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều người lao động buộc phải làm online hoặc tạm nghỉ việc, thời gian ở nhà nhiều hơn. Để hạn chế ra chợ hay ra đường mua thực phẩm, nhiều bà nội trợ đã chia sẻ cho nhau cách làm bánh mỳ đơn giản, tạo nguồn thực phẩm sẵn, sạch cho cả gia đình, vừa tiện lợi mà lại tiết kiệm.
Hai tuần trước, chị Phạm Thị Trang ở Gia Lâm, Hà Nội, khi đi siêu thị mua thực phẩm thiết yếu, nhìn thấy túi bột mì nên chị nghĩ ngay tới chuyện tự mày mò làm thử bánh mì ở nhà xem sao.
Chị Trang cho biết, trước đây khi chưa học làm bánh mì, chị thấy rất khó và phức tạp. Tuy nhiên khi thử vài lần, chị thấy làm bánh mỳ rất dễ. Chưa kể, nguyên liệu làm loại bánh này đơn giản, dễ mua, dễ tìm và không hề tốn kém.
Nhiều chị em đua nhau làm bánh mỳ để tiết kiệm tiền ăn. |
“Thực tế, nguyên liệu để làm bánh mì vỏ giòn kiểu Việt Nam không cần nhiều, chỉ cần bột, nước lã, muối, đường, men nở. Trong đó, bột mì số 13 hay 11 và men nở có thể mua tại các cửa hàng bán đồ khô ở chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị hoặc đặt mua từ các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh.
Còn men dùng nhãn đỏ hay nhãn vàng đều được, chỉ cần chú ý mua men chứ không phải bột nở hay muối nở. Còn dấm hay chanh có cho cũng được, không có không sao. Các thứ khác như trứng, sữa, mật ong... đều không cần thiết”, chị Trang cho hay.
Bà nội trợ này chia sẻ, để làm bánh mì, chị mua một túi bột mì số 13 với giá 25.000 đồng/kg. Sau đó, tranh thủ thời gian đang ở nhà giãn cách, chị nhồi và ủ bột. Khi đủ thời gian ủ, chị sẽ tạo hình bánh rồi ủ lần hai xong mới bắt đầu nướng bánh.
“Các công đoạn nhồi và ủ bột hai lần, tạo hình bánh mì khá đơn giản. Chỉ cần làm đúng theo như sách hướng dẫn là được. Làm bánh mì quan trọng nhất là khâu nướng bánh. Bởi muốn vỏ giòn, khi nướng phải có nhiều hơi nước và nhiệt phải cao. Như nhà mình dùng lò nướng Trung Quốc, nhiệt chỉ đến được 230oC và tụt rất nhiều khi mở cửa lò. Mình phải làm nóng lò trước khoảng 45-60 phút rồi mới đưa bánh vào", chị nói.
Những chiếc bánh mì không khác gì nhà hàng |
Làm bánh mỳ rất dễ dàng. |
Ngoài ra, nên giảm bới lượng nước sôi đổ vào khay nướng. Đặc biệt, cần phải nướng ở nhiệt cao trong thời gian đầu, khi bánh cứng và bắt đàu ngả vàng mới hạ nhiệt nướng cho vỏ giòn”, chị Trang tiết lộ bí quyết nướng bánh.
Để có những mẻ bánh mì nướng tại gia thơm ngon chẳng kém ngoài hàng, bà nội trợ này lưu ý: “Khi bánh nướng xong để nguội là phải cho vào túi luôn. Tuyệt đối không để bên ngoài quá lâu vì không khí tác động sẽ khiến bánh khô nhanh”.
Chị Trang nhẩm tính, 1 kg bột mì chị làm được 15-17 cái bánh mì, loại giá 5.000 đồng/chiếc đang bán trên thị trường. Tính ra, nếu nhà có 4 người sẽ ăn đủ trong 4 bữa sáng. Khi ăn, chỉ cần kẹp bánh với trứng, xúc xích, thịt ba chỉ nướng hoặc chấm sữa đặc có đường là đã có bữa sáng chất lượng, giá thành quá rẻ so với mua bên ngoài.
“Cứ một tuần mình làm một mẻ bánh mì để cả nhà ăn dần trong 4-5 ngày. Khi ăn, chỉ cần làm nóng lại trong lò hay nồi chiên không dầu, nhiệt 180 độ C khoảng 3-4 phút hoặc đến khi vỏ bánh giòn là được”, chị Trang nói.
Bánh mỳ ăn thay cơm trong mùa dịch vừa đổi món dễ ăn cho cả gia đình. |
Cũng là một bà nội trợ vụng về, trước dịch Covid-19 chị Lê Thị Yến ở Hà Đông, chẳng biết làm bất cứ một món bánh nào. Nhưng từ khi thất nghiệp ở nhà, chị Yến tập tành tự làm giá đỗ, tự muối dưa, cà và làm cả bánh mì cho mọi người ăn.
“Đang giãn cách nên mình hạn chế ra ngoài. Hơn nữa, các hàng bán đồ ăn sáng cũng không mở cửa nên buộc mình phải tự nấu nướng. Hôm trước con trai nói chán bún, phở, xôi và thèm bánh mì mà không biết mua ở đâu, mình lên mạng tra Google và vào các hội nhóm dạy làm bánh để xin công thức, tự làm. Được nhiều chị em chỉ bảo tận tình, chẳng ngờ mình thành công ngay từ mẻ bánh đầu tiên”, chị Yến khoe.
Sau mỗi lần làm bánh mì, chị thường để trong túi giấy và dùng được khoảng 4-5 bữa. Bánh ăn thay cơm trong mùa dịch, vừa đổi món dễ ăn cho cả gia đình. Hơn nữa, nguyên liệu làm bánh cũng dễ mua và không hề bị tăng giá như các thực phẩm khác.
“Có những hôm mình làm tới 30 chiếc để biếu hàng xóm xung quanh. Nhà nào cũng rất thích vì giữa mùa dịch vẫn có bánh giòn nóng hổi để ăn, niềm vui như được nhân lên”, chị Yến phấn khởi nói.
Thảo Nguyên