Nghỉ việc ở nhà làm nội trợ là một quyết định đầy rủi ro, thậm chí có người còn cho rằng trở thành một bà nội trợ đảm đang còn khó hơn trở thành một nhân viên xuất sắc. Bởi họ không có thời gian nghỉ phép, phải làm việc 24/24 giờ, một năm có 365 ngày cũng không có lấy một ngày nghỉ.
Đặc biệt nếu bà nội trợ đó không có nguồn thu nhập nào, phải phụ thuộc kinh tế vào người chồng thì cuộc sống sẽ càng khó khăn. Thế nhưng, vẫn có một số người phụ nữ đã hi sinh sự nghiệp của mình để lui về làm một bà nội trợ toàn thời gian, để rồi sau cùng lại chuốc lấy khổ đau.
Chị Vương và anh Lưu sống ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã kết hôn với nhau nhiều năm và có với nhau một cô con gái. Sau khi sinh con, anh Lưu yêu cầu vợ ở nhà chăm lo cho gia đình, tập trung nuôi dạy con cái, còn kinh tế sẽ do mình anh gánh vác. Dù không muốn nhưng dưới sự thúc ép của chồng, chị Vương đành chấp nhận.
Kể từ đó, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do chị Vương gánh vác, cả đêm thức trông con vất vả anh Lưu cũng không bao giờ động tay giúp đỡ vợ. Dần dần, chị Vương cảm thấy ngột ngạt, bí bách trong cuộc hôn nhân này. Bởi chị tuy vất vả vun vén cho gia đình nhưng không hề được chồng công nhận, thậm chí anh còn liên tục chửi mắng, trách chị tiêu xài hoang phí.
Mỗi lần ngửa tay xin tiền chồng, chị luôn bị chồng mắng: “Cô tưởng cứ ra đường là nhặt được tiền à? Cô tiêu tiền tiết kiệm đi một chút đi”. Đã vậy, người chồng còn thường xuyên bêu rếu, ca cẩm với người ngoài rằng vợ ở nhà “ăn bám”, suốt ngày nhàn rỗi không làm gì nên cả nhà đều phải trông cậy vào anh.
Đau khổ vì bị chồng coi thường, khi con lớn hơn chị Vương quyết định kiếm việc để đi làm lại. Thế nhưng vì nghỉ việc ở nhà quá lâu nên chị không thể tìm được công việc như ý muốn.
Còn anh Lưu, khi biết vợ ra ngoài kiếm việc làm thì anh vô cùng tức giận. Anh cảm thấy vợ làm như vậy sẽ làm mất mặt chồng, mọi người sẽ nghĩ anh không thể nuôi nổi gia đình nên vợ mới phải đi làm. Chính vì vậy, anh kiên quyết bắt vợ ở nhà.
Thời gian qua đi, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng tích tụ nhiều hơn. Thậm chí trong lúc tức giận, anh Lưu còn đánh vợ. Quá sức chịu đựng, chị Vương đã đệ đơn ly hôn, nhưng chồng không đồng ý.
Bố mẹ chồng còn quá quắt hơn, biết con dâu đòi ly hôn thì kéo nhau tới nhà thông gia mắng chửi bố mẹ chị Vương không biết dạy con. Vì bố mẹ, vì con cái, cuối cùng chị Vương đành nhẫn nhịn tiếp tục chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc này.
Tuy nhiên chị thực sự không cam lòng, cuối cùng chọn phương pháp cực đoan – đó chính là trò chuyện với những người đàn ông khác để trả thù chồng. Nhưng giấy sao gói được lửa, hành động của chị Vương nhanh chóng bị chồng phát hiện. Anh ta âm thầm thu thập chứng cứ vợ nhắn tin trò chuyện với nhiều người đàn ông khác để chì chiết, mắng mỏ vợ nhưng không đề nghị ly hôn.
Không lâu sau, anh ta phát hiện vợ ngoại tình với một người đàn ông nên từ đây hai người mới quyết định ly hôn. Tài sản chung không có nhiều, nhưng hai vợ chồng lại tranh chấp về quyền nuôi con.
Anh Lưu cho rằng vợ ngoại tình, đạo đức của vợ có vấn đề, không có lợi cho sự trưởng thành của đứa trẻ. Hơn nữa, chị Vương luôn ở nhà nội trợ, không có nguồn tài chính nên không thể cung cấp cho con điều kiện sống và giáo dục tốt.
Về phía chị Vương, chị cho biết con gái do chị một tay nuôi nấng từ nhỏ nên rất phụ thuộc vào mẹ. Mặc dù chồng gánh vác mọi chi tiêu trong nhà nhưng anh lại ít khi quan tâm đến sự trưởng thành và học hành của con, thậm chí còn không biết con học những lớp nào. Không chỉ vậy, anh còn có xu hướng bạo lực gia đình, nếu con gái sống với anh sẽ không có lợi cho con.
Ai cũng có cái lý riêng của mình, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của hai bên, tòa án phán quyết anh Lưu được quyền nuôi con và chị Vương phải chu cấp tiền nuôi con hàng tháng cho chồng. Trên thực tế, dù ai nuôi con thì người chịu tổn thương nhiều nhất vẫn là đứa trẻ mà thôi.
Câu chuyện hôn nhân của chị Vương khiến nhiều người vừa giận vừa thương. Họ thương vì chị bị chồng xúc phạm, thiếu tôn trọng suốt một thời gian dài. Họ trách chị đã thiếu quyết đoán vì không ly hôn sớm hơn, họ trách chị không nên vì bất cứ lý do nào mà ngoại tình.
Thật ra, đối với các bà nội trợ, điều khó khăn nhất không phải là sự cô đơn vô tận và công việc nhà tẻ nhạt, mà là sự cống hiến của họ không được chồng tôn trọng. Là một người phụ nữ thông minh, không nên hi sinh tất thảy cho chồng và gia đình, chỉ khi tự tin độc lập về tài chính, bạn mới có thể làm chủ cuộc đời của chính mình mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Theo Báo PNTĐ