Các địa phương thuộc tỉnh Kon Tum đồng loạt lập đoàn liên ngành, kiểm tra công tác quản lý, xây dựng các trạm cân nông sản.
Qua kiểm tra, huyện Sa Thầy phát hiện 12 trạm cân nông sản xây dựng trái phép. Nhiều trạm cân bất chấp quy định, xây dựng trên đất nông nghiệp và hoạt động trong thời gian dài.
Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, cho biết: "Xã có tất cả 4 trạm cân nông sản nhưng chỉ có 1 trạm cân có phép. Thời gian qua, xã đã vận động 1 trạm cân xây trái phép tháo dỡ; 1 trạm cân dừng hoạt động và trạm cân còn lại đang xin tạm dừng để tháo dỡ theo quy định.".
Tại xã Ya Tăng, 1 trạm cân xây dựng trái phép, hoạt động hơn 2 năm nay. Chính quyền xã mới nhắc nhở, lập biên bản vi phạm.
"Trạm cân này xây dựng trái phép ở vị trí hẻo lánh, ít người qua lại. Ngay khi phát hiện sự việc, UBND xã đã lập biên bản và báo cáo lên UBND huyện để có hướng xử lý. Trước mắt, xã yêu cầu trạm cân dừng hoạt động đến khi bổ sung thủ tục đầy đủ theo quy định.", bà Y Phìn, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, cho hay.
Mật độ các trạm cân nông sản dày đặc khiến tuyến đường liên xã, tỉnh lộ, dẫn đến các xã Ya Tăng, Ya Xiêr, Ia Ly (huyện Sa Thầy) bị hư hỏng nặng. Mỗi ngày có đến cả trăm chuyến xe chất đầy nông sản giày xéo tuyến đường. Vào giờ cao điểm, xe quá khổ lưu thông dày đặc, người dân không có lối đi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Văn Hào, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Sa Thầy, nói: "Chúng tôi đã vận động tháo dỡ 2 trạm cân nông sản xây dựng trên đất nông nghiệp. Còn các trạm cân chưa đủ thủ tục theo quy định, đoàn đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng.
"Qua làm việc, các trạm cân cam kết tạm dừng trong 60 ngày để hoàn thành các thủ tục pháp lý. Nếu các trạm cân này không hoàn thành, huyện sẽ kiến nghị tháo dỡ, trả lại nguyên hiện trạng. Đoàn đã giao cho UBND các xã giám sát, nếu các trạm cân vi phạm, không tạm dừng sẽ buộc cưỡng chế, tháo dỡ.", ông Hào cho biết.
Tại TP Kon Tum, thành phố đã vận động tháo dỡ 7 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp, lập biên bản kiểm tra cam kết dừng hoạt động 1 trường hợp.
UBND huyện Đăk Glei xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trạm cân thu mua nông sản trên địa bàn huyện vì vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Kon Tum có 140 trạm cân thu mua nông sản, trong đó có 30 trạm cân của tổ chức, doanh nghiệp và 110 trạm cân của hộ gia đình, cá nhân.
Về xây dựng, trên địa bàn có 83/140 trạm không phù hợp quy hoạch, 43/140 trạm xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng.
Về đất đai, có 104 trạm không phù hợp mục đích sử dụng đất và 71 trạm không phù hợp quy hoạch đấu nối giao thông.
Các trạm cân thu mua nông sản của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động theo mùa vụ, không thường xuyên, đa số có quy mô nhỏ lẻ, lắp đặt tạm thời trong khuôn viên đất nhà vườn, nương rẫy ở nông thôn, khu vực không có quy hoạch xây dựng được phê duyệt; không phù hợp quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất; không phù hợp quy hoạch đấu nối giao thông.
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các huyện, thành phố tạm dừng hoạt động đối với tất cả các trạm cân thu mua nông sản của tổ chức, hộ gia đình cá nhân khi chưa đủ các điều kiện hoạt động theo quy định.