Nuôi dạy trẻ có đạo đức, nhiệm vụ không đơn giản

Kim Dung| 14/12/2021 10:10

GD&TĐ - Đối với không ít phụ huynh, sự thành công của trẻ không phải là ưu tiên số 1. Thực tế, họ quan tâm nhiều hơn đến việc con mình là đứa trẻ tốt bụng, nhân ái và có ích cho xã hội.

Dạy trẻ quan tâm đến người khác không phải là một nhiệm vụ đơn giản.Dạy trẻ quan tâm đến người khác không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

Nhiệm vụ không đơn giản

Ông Adam Grant - Giáo sư quản lý và tâm lý học tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) - chia sẻ, các cuộc khảo sát ở Mỹ đã chỉ ra rằng, những phụ huynh châu Âu, châu Á, gốc Tây Ban Nha và châu Phi đều coi trọng việc chăm sóc con hơn là thành tích.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nhưng việc dạy trẻ quan tâm đến người khác không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Trong một nghiên cứu của Israel trên gần 600 gia đình, những phụ huynh coi trọng lòng tốt và lòng trắc ẩn thường thất bại trong việc nuôi dạy những đứa trẻ biết chia sẻ giá trị đó.

“Trong thập kỷ qua, tôi đã nghiên cứu sự thành công đáng ngạc nhiên của những người thường xuyên giúp đỡ người khác mà không có bất kỳ ràng buộc nào. Là cha của hai cô con gái và một cậu con trai, tôi ngày càng tò mò về việc những xu hướng này phát triển như thế nào”, ông Grant chia sẻ.

Nhiều nghiên cứu về các cặp song sinh cho thấy, khoảng 1/4 đến hơn 1/2 xu hướng chia sẻ và chăm sóc đều được di truyền. Đến 2 tuổi, trẻ em trải qua một số cảm xúc đạo đức được kích hoạt bởi đúng và sai. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự quan tâm là hành vi đúng đắn, khen ngợi sẽ có hiệu quả hơn phần thưởng. Phần thưởng có nguy cơ khiến trẻ trở nên tử tế chỉ khi được tặng quà. Trong khi đó, lời khen ngợi thể hiện rằng, về bản chất, sự chia sẻ là đáng giá.

Nhiều phụ huynh tin rằng, điều quan trọng là phải khen ngợi hành vi, thay vì khen trẻ. Song, đó có phải là cách tiếp cận đúng? Giáo sư Grant dẫn chứng, trong một thí nghiệm, hai nhà nghiên cứu Joan E. Grusec và Erica Redler đã điều tra xem điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta khen ngợi hành vi hào phóng so với tính cách hào phóng. Sau khi những đứa trẻ 7 và 8 tuổi giành được nhiều viên bi và tặng một trong số đó cho trẻ em nghèo, người thử nghiệm nhận xét: “Ồ, bạn đã chia sẻ khá nhiều”.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời khen khác nhau. Một số trẻ được khen ngợi vì hành động. Trong khi số khác được ca ngợi tính cách đằng sau hành động. Khi có nhiều cơ hội để chia sẻ, những đứa trẻ đã rộng lượng hơn sau khi chúng được khen ngợi về tính cách.

Theo Giáo sư Grant, nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà tâm lý học Christopher J. Bryan đã phát hiện, đối với các hành vi đạo đức, việc sử dụng danh từ sẽ hiệu quả hơn động từ. Để trẻ từ 3 đến 6 tuổi giúp đỡ việc gì đó, thay vì kêu gọi chúng “giúp đỡ”, khuyến khích chúng “trở thành một người giúp đỡ” sẽ hiệu quả hơn từ 22 - 29%.

Ngoài ra, hành vi gian lận cũng giảm một nửa khi những người tham gia được thông báo “Vui lòng đừng là kẻ gian lận”, thay vì “Vui lòng không gian lận”. Khi hành động phản ánh tính cách, mọi người thường nghiêng nhiều hơn về những lựa chọn đạo đức và hào phóng. Theo thời gian, điều đó có thể trở thành một phần của mỗi người.


Dùng hành động giáo dục con sẽ hiệu quả hơn thay vì chỉ lời nói.

Dạy con về cảm giác tội lỗi

“Nếu muốn con mình quan tâm đến người khác, chúng ta cần dạy chúng cảm thấy tội lỗi hơn là xấu hổ khi trẻ cư xử sai. Trong một bài đánh giá nghiên cứu về cảm xúc và sự phát triển đạo đức, nhà tâm lý học Nancy Eisenberg cho rằng, sự xấu hổ ở trẻ xuất hiện khi cha mẹ tức giận, rút lại tình yêu thương hoặc cố gắng khẳng định quyền lực thông qua những lời đe dọa trừng phạt. Khi đó, trẻ có thể bắt đầu tin rằng, chúng là người xấu. Lo sợ ảnh hưởng này, một số cha mẹ không thực hiện kỷ luật với trẻ. Điều đó có thể cản trở sự phát triển của các chuẩn mực đạo đức bền vững”, ông Grant nhận định.

Theo Giáo sư Grant, phản ứng hiệu quả nhất đối với hành vi xấu của trẻ là bày tỏ sự thất vọng. Ông dẫn chứng, theo các đánh giá của Giáo sư Eisenberg và David R. Shaffer, cha mẹ có cách nuôi con hợp lý sẽ bày tỏ sự thất vọng và giải thích tại sao hành vi của trẻ là sai.

Đồng thời, nêu ra hành vi đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào và cách có thể khắc phục tình hình. Điều này cho phép trẻ phát triển các tiêu chuẩn để đánh giá hành động của chúng. Trẻ cũng sẽ có sự đồng cảm và trách nhiệm đối với người khác, cũng như ý thức về đạo đức.

“Việc chỉ trích hành vi xấu và khen ngợi tính cách tốt có tác dụng mạnh mẽ. Nuôi dạy một đứa trẻ rộng lượng sẽ bao gồm nhiều việc hơn là chờ đợi cơ hội để phản ứng lại những hành động của con. Là cha mẹ, chúng ta muốn chủ động truyền đạt các giá trị của mình cho con. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta làm điều này sai cách”, Giáo sư Grant chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết, trong một thí nghiệm, nhà tâm lý học J. Philippe Rushton đã trao phần thưởng cho 140 trẻ em ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở khi giành chiến thắng trong một trò chơi. Người chiến thắng có thể giữ lại toàn bộ hoặc tặng một số quà cho trẻ em nghèo.

Trẻ sẽ được chứng kiến cách giáo viên cư xử ích kỷ hoặc hào phóng. Trẻ đồng thời được giảng về sự chia sẻ và hào phóng. Kết quả cho thấy, ảnh hưởng của người lớn là vô cùng đáng kể. Khi người lớn cư xử ích kỷ, trẻ em cũng làm theo. Điều đó chứng tỏ, hành động có tác dụng mạnh mẽ hơn lời nói.

“Mọi người thường tin rằng, tính cách sẽ tạo ra hành động. Tuy nhiên, khi nói đến việc giáo dục những đứa trẻ có đạo đức, chúng ta cần nhớ rằng, hành động cũng hình thành nên tính cách. Như nhà tâm lý học Karl Weick đã hỏi: ‘Làm sao tôi có thể biết mình là ai cho đến khi nhìn thấy những gì mình làm? Làm thế nào tôi có thể biết những gì tôi coi trọng cho đến khi nhìn thấy nơi mình bước đến?’”, Giáo sư Grant chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nuoi-day-tre-co-dao-duc-nhiem-vu-khong-don-gian-cJDLv9hnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nuoi-day-tre-co-dao-duc-nhiem-vu-khong-don-gian-cJDLv9hnR.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nuôi dạy trẻ có đạo đức, nhiệm vụ không đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO