Ngoài mong muốn chung cho con cái lớn lên sẽ thành đạt và hạnh phúc, các phụ huynh có con trai còn kỳ vọng bé trẻ trường thành một người đàn ông bản lĩnh, là trụ cột vững chắc của gia đình. Vậy làm thế nào để đảm bảo một bé trai lớn lên sẽ thành tài và có tương lai tốt đẹp như kỳ vọng?
Thực tế không có phương pháp nuôi dạy con trai nào hiệu quả 100% hoặc chắc chắn phù hợp với mọi cậu bé nhưng dưới đây là những quy tắc, bí quyết hàng đầu được các chuyên gia đánh giá cao và khuyến khích phụ huynh nên tham khảo, áp dụng.
Giai đoạn vàng để nuôi dạy bé trai ngoan, giỏi và bản lĩnh
Bé trai cũng như bé gái, quá trình nuôi dạy chúng đòi hỏi cả một quá trình xuyên suốt kể từ khi chúng còn trong bụng mẹ cho tới lúc lớn lên và trưởng thành mà bố mẹ luôn phải sát sao, kiên trì. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà tâm lý học, phụ huynh cần phân biệt 3 giai đoạn phát triển quan trọng của các bé trai để từ đó xem xét và có phương pháp nuôi dạy hiệu quả nhất.
Giai đoạn 1: Từ sơ sinh đến 6 tuổi
Ở độ tuổi sơ sinh, trẻ em không phân biệt giới tính, chúng đều thích bố mẹ chơi cùng, ôm ấp trò chuyện và yêu thương. Tuy nhiên khi lớn hơn, các bé trai thường khám phá thế giới xung quanh thông qua các hoạt động khác nhau và từ đây cần có sự tham gia của phụ huynh để định hướng giúp trẻ.
Các bé trai cần sự dạy dỗ của cả bố mẹ và ở đây, mẹ chủ yếu đóng vai trò là một người luôn yêu thương và quan tâm. Điều này thực sự quan trọng vì một đứa trẻ cần cảm thấy tự tin và thấy mình được yêu thương. Còn vai trò của người cha là trở thành người có thẩm quyền trong mắt con trai mình, trở thành người mà đứa trẻ sẽ muốn trở thành, từ đó nó sẽ học được điều gì là tốt, điều gì là xấu và đâu là cách cư xử đúng đắn.
Ngoài ra, bắt đầu từ 2 tuổi, người mẹ cần phải thiết lập ranh giới trong mối quan hệ của mình với con trai để tránh sự phát triển lệch lạc về tâm sinh lý sau này.
Giai đoạn 2: Từ 6 đến 13 tuổi
Đây là độ tuổi mà các bé trai nhận thức rõ ràng vai trò giới tính của mình và tham gia vào các hoạt động mang tính “nam nhi”. Các nhà tâm lý học coi những điểm sau là quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con trai ở độ tuổi này:
- Đánh giá cao tính đàn ông của con trai bạn đồng thời khuyến khích sự phát triển, khả năng độc lập và cảm giác phiêu lưu.
- Hãy tôn trọng cá tính riêng của con vì một cậu bé không có một định nghĩa cụ thể nào cả. Có nhiều phong cách khác nhau để thể hiện nam tính và tất nhiên, chúng hoàn toàn có thể quan tâm đến các hoạt động nữ tính.
- Khuyến khích con trai có sở thích đa dạng, tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của con và giúp chúng đánh giá cao quyền tự do lựa chọn. Đây cũng là thời điểm phù hợp để cha mẹ dạy cho một cậu bé đối phó với những lời chỉ trích cũng như cách để cậu có thể tự bảo vệ mình mà không quá khích.
Giai đoạn 3: Từ năm 14 tuổi trở đi
Đó là giai đoạn mà cậu bé của bạn trở thành một thiếu niên. Giai đoạn này rất khó khăn vì hoạt động của nội tiết tố khiến con trai có những cảm xúc xáo trộn, hay tức giận và thậm chí hung dữ. Cách thoát khỏi tâm lý này là hướng năng lượng vào đúng mục đích.
Cụ thể, bố mẹ cần giúp con trai hiểu rằng chúng cần có trách nhiệm với hành động của bản thân và chìa khóa để dạy chúng về điều này phải chỉ dẫn cho chúng hiểu quy luật: Quyền lực, đặc quyền và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau. Khi trách nhiệm cao thì hai điều còn lại cũng vậy và ngược lại. Đồng thời, ở tuổi này bố mẹ hãy cho con một cơ hội để tạo lập bản sắc của riêng mình, trừ khi thấy con mình đi cùng với những người bạn xấu thì hãy can thiệp, còn không nên để cho trẻ tự lập.
Ngoài ra, cả cha và mẹ nên có những quy tắc trừng phạt nghiêm khắc hoặc những điều cho phép con trai mình làm, nếu không sẽ rất khó để giải quyết những rắc rối có thể phát sinh. Và quy tắc quan trọng nhất là phụ huynh hãy trở thành một hình mẫu để con noi theo chứ đừng chỉ nói lý thuyết suông. Hãy là một tấm gương tốt và bạn sẽ không gặp khó khăn gì trong việc nuôi dạy con trai mình.
Những phương pháp nuôi dạy bé trai nổi bật phụ huynh không nên bỏ qua
Bên cạnh những phương pháp nuôi dạy con cơ bản đúng và tốt cho mọi đứa trẻ, các bé trai thường được bố mẹ định hướng tới những giá trị và quy chuẩn khác để tương lai rộng mở, tươi sáng hơn. Do đó, những yếu tố dưới đây chính là điều mà ông bố bà mẹ của một cậu con trai cần nắm bắt thêm và thông hiểu để áp dụng trong quá trình nuôi dạy con.
# Để con tương tác thật nhiều với bố
Nhiều gia đình bỏ mặc con cái cho người mẹ chăm nom, giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, vì bố còn bận công việc, vì bố đi làm xa... Một nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) chứng minh, khi tương tác với bố ít nhất 2 tiếng mỗi ngày, trẻ sẽ thông minh hơn và thành công hơn. Thêm vào đó, các bé trai mạnh mẽ hơn trong tương tác xã hội khi trưởng thành so với những đứa trẻ chỉ do mẹ chăm sóc, dạy dỗ.
# Dạy con tôn trọng người khác
Hầu hết các bé trai khi còn nhỏ thường rất bướng bỉnh, luôn muốn mọi người phải chiều theo ý mình, nếu không có sự dạy dỗ kịp thời khi lớn lên rất có thể chúng sẽ trở thành người đàn ông ích kỷ, gia trưởng và bảo thủ, không quan tâm đến người khác... Vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ nên giúp con rèn luyện thói quen lắng nghe và tôn trọng ý kiến, lựa chọn của người khác. Đây cũng là cách để con bạn luôn được người khác tôn trọng và yêu quý.
# Bồi dưỡng ý thức cạnh tranh
Bạn có thể cho con tham gia các trò chơi có tính cạnh tranh như bóng đá, bóng rổ, hay luyện võ… cũng rất tốt. Qua các bộ môn đó, các cậu bé sẽ dần hiểu ra một chân lý: Nếu muốn chiến thắng, sẽ cần phải nỗ lực và dốc toàn lực cho công việc hiện tại. Nếu không vận dụng tay chân hay trí óc, sẽ không thể làm bất cứ điều gì. Qua đó bồi dưỡng năng lực phấn đấu, cạnh tranh của trẻ.
Quan trọng hơn, qua các bộ môn trên con sẽ nắm được cách để giành chiến thắng không chỉ là phải biết tấn công mà còn phải biết phòng thủ, hiểu luật và sử dụng thành thạo luật.
# Chế ngự hành vi bạo lực
Trẻ trai thường có xu hướng hung hăng, bướng bỉnh hơn trẻ gái và lớn lên chúng rất có thể sẽ trở thành kiểu đàn ông nóng nảy, bạo lực khó giữ được thiện cảm với mọi người. Để ngăn chặn điều này, cha mẹ cần chỉ cho con trai rằng mặc dù tức giận và thất vọng là những cảm xúc bình thường, con không nên thể hiện chúng, đặc biệt là bằng cách đe dọa hoặc bạo lực. Hãy giúp con tìm ra phương pháp thích hợp để xử lý những cảm giác tiêu cực đó, đặc biệt người bố hãy trở thành ví dụ về nam tính lành mạnh cho con.
# Dạy con chia sẻ việc nhà và ý thức trách nhiệm
Đã là một chàng trai, tức là phái mạnh thì nhất định phải có ý thức trách nhiệm cao. Không chỉ chịu trách nhiệm cho những việc làm của bản thân mà sau này các chàng trai còn phải có trách nhiệm lo lắng cho cuộc sống tương lai của những người thân yêu xung quanh mình. Để rèn luyện ý thức về trách nhiệm thì ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên dạy cho các bé trai làm việc nhà, là một cách chia sẻ trách nhiệm trong gia đình.
Bạn nên làm gương cho con trai bằng cách thảo luận công khai về phân công lao động trong nhà. Con trai nên sớm biết rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều cần làm việc nhà, không ai có đặc quyền. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự thiên vị và giúp trẻ có sự tự chủ, sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống trưởng thành, đồng thời có ý thức trách nhiệm với những hành động của mình.
# Dạy con phải biết cách kiềm chế cảm xúc
Một người đàn ông không biết cách kiềm chế cảm xúc thì sẽ trở thành một người bất lịch sự. Thậm chí luôn có suy nghĩ rằng cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề chính là dùng bạo lực. Từ khi còn nhỏ, nếu các bé thường xuyên phải tiếp xúc và nhìn thấy cảnh bố mẹ cãi nhau, đánh nhau thì chắc chắn chúng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì vậy, cách để dạy bé trai kiềm chế cảm xúc tốt nhất chính là phụ huynh phải hạn chế tranh cãi trước mặt con.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên bắt bé kiềm chế cảm xúc bằng cách chịu đựng và im lặng trước mọi thứ. Bởi việc này nếu để kéo dài sẽ khiến bé dễ bị tự kỷ đồng thời thường có xu hướng xử lý mọi việc bằng bạo lực nhằm giải phóng cảm xúc bị kìm nén trong lòng.
# Hãy để trẻ được thất vọng
Nếu một bé trai muốn thứ gì bố mẹ cũng sẵn sàng cung cấp không chút thắc mắc hay ngăn cản, thì khi lớn lên sẽ không có động lực để phấn đấu. Trong lòng những đứa trẻ này luôn sẵn niềm tin dù mình muốn thứ gì thì cuối cùng bố mẹ cũng đáp ứng.
Vì vậy, điều các bố mẹ nên làm là chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, bình thường trong cuộc sống, cho việc học tập của con và để con chủ động phấn đấu cho những nhu cầu không thiết yếu khác. Hãy cho con biết rằng tiền của cha mẹ là của cha mẹ, không phải tiền của con và có những hạn chế nhất định đối với nhu cầu của con.
Con trai khi ra ngoài xã hội sẽ luôn phải đối mặt với rất nhiều những cám dỗ, cơ hội và thách thức. Khi con học được cách phấn đấu để có được những thứ mình muốn thì lúc này con sẽ trở nên mạnh mẽ và dũng cảm hơn, nhạy bén và chủ động nghĩ ra cách giải quyết vấn đề.
# Dạy bé lòng dũng cảm
Lòng dũng cảm sẽ giúp cho các bé trai sau này luôn mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để đạt được những mục tiêu mà mình đề ra. Bên cạnh đó khi có lòng dũng cảm, các bé sẽ luôn sẵn sàng để chịu trách nhiệm, chấp nhận những rủi ro về hướng đi trong cuộc sống của mình. Ngay từ khi còn nhỏ, bạn có thể dạy cho bé lòng dũng cảm thông qua hình ảnh của những người làm các công việc cao cả như: lính cứu hỏa, bác sĩ, giáo viên, cảnh sát,... đồng thời giải thích ý nghĩa về việc làm của họ để giúp bé có những ước mơ, định hướng tốt đẹp trong tương lai.
Theo V.K - Vietnamnet