Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều khi cha mẹ bị cảm xúc lấn át mà nói những lời khó nghe với trẻ. Điều này không chỉ có thể xúc phạm một đứa trẻ, mà còn làm cho trẻ mặc cảm và không thích cha mẹ.
Tiến sĩ Meg Meeker, bác sĩ nhi khoa, tác giả của 6 cuốn sách về nuôi dạy con cho rằng, ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng để giao tiếp với một đứa trẻ là điều tối quan trọng. Vì vậy, hãy cố gắng tiếp cận mọi thứ theo quan điểm của một đứa trẻ.
Theo Meeker, một trong những câu phổ biến nhất mà các bậc cha mẹ nói với con cái là: “Con khiến bố/mẹ phát điên”. Nhưng, nói như vậy với một đứa trẻ, chúng có thể gây ra những hậu quả nặng nề nhất. Đứa trẻ sẽ hiểu rằng bố mẹ thực sự không yêu mình.
Có một câu nói khác có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng thực chất cũng không khác gì câu trên: “Mẹ yêu con, nhưng bây giờ mẹ không thích con”. Đừng quên rằng trẻ con học được thế nào là tình yêu và lòng tự trọng từ chính cha mẹ mình.
Tiến sĩ Meeker nói: “Tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ không nhận ra ảnh hưởng của hành vi của họ đối với con cái. Trẻ em sẽ học theo những hành vi này. Nếu cha mẹ la hét thì đứa trẻ cũng sẽ có thói quen la hét. Nếu cha mẹ thường xuyên chỉ trích một đứa trẻ thì đứa trẻ bắt đầu phê bình bản thân mình trước tiên, và sau đó là mọi người xung quanh. Cha mẹ nên nhớ rằng họ là người định hình và hướng dẫn con cái".
Làm thế nào bạn có thể nói với con mình về cảm xúc của bạn hoặc yêu cầu con điều gì đó theo cách có lợi chứ không có hại?
Một số cách xử lý hợp lý trong những tình huống hay gặp nhất giữa cha mẹ và con cái:
Đừng hét
Đứa trẻ có thể không nhận thức được rằng mình đang nói lớn. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên quát con và ra lệnh “Đừng hét!”. Có thể thay thế bằng cụm từ: “Hãy nói nhỏ hơn một chút”. Nếu bạn thêm lý do cho yêu cầu của mình (ví dụ, “vì mẹ bị đau đầu”), bạn sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.
Đừng sờ vào
Bạn nói câu này khi muốn bảo vệ đồ đạc cá nhân khỏi sự xâm phạm của trẻ em hoặc để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của một vật nguy hiểm. Vì vậy, nếu bạn đưa ra sự cấm đoán, trẻ sẽ thắc mắc: “Tại sao mẹ được sờ vào còn con thì không?”.
Nếu đây là một nỗ lực để ngăn trẻ bị bỏng trên bàn ủi nóng, thì nó cũng sẽ không có kết quả. Giả sử lần này em bé sợ hãi trước âm thanh lớn của giọng nói của bạn, bỏ tay ra. Nhưng điều này sẽ không ngăn chặn được những trường hợp như vậy trong tương lai, vì đối với trẻ em, bàn ủi là một vật thể, không quan trọng là lạnh hay nóng.
Tốt hơn hết là bạn nên tự loại bỏ những đồ vật nguy hiểm, đóng ổ cắm. Sau 4-5 tuổi, bạn nên giải thích cặn kẽ cho trẻ những điều trẻ không nên làm để tránh hậu quả xấu.
Đừng chạy
Yêu cầu này có thể khiến đứa trẻ bối rối, vì nó nhìn thấy những đứa trẻ khác chạy xung quanh ngoài đường, và không hiểu tại sao nó không thể cư xử như vậy ở nhà.
Nếu bạn bình tĩnh giải thích cho con hiểu lý do tại sao bạn không muốn đứa trẻ cư xử theo cách này, đứa trẻ sẽ lắng nghe bạn. Cụm từ “hãy nhẹ nhàng khi ở trong nhà” sẽ truyền đạt bản chất của yêu cầu của bạn tốt hơn nhiều.
Đừng nói dối
Bản thân cụm từ “đừng nói dối” nghe có vẻ đe dọa, phải không? Hơn nữa, nó thực tế là vô dụng. Nếu một đứa trẻ không muốn nói sự thật với cha mẹ thì rõ ràng là chúng có lý do của riêng mình cho điều này, điều này đáng để những người lớn khôn ngoan hơn lưu tâm.
Nếu trẻ biết rằng chúng sẽ bị trừng phạt vì những gì chúng đã làm, liệu chúng có muốn trung thực không? Hãy thử bắt đầu cuộc trò chuyện như sau: “Bố/mẹ muốn hỏi con về điều này... Con có thể không trả lời ngay lập tức, nhưng hãy suy nghĩ, chúng ta có thể tin tưởng lẫn nhau”.
Cũng cần nhớ rằng con cái luôn tập trung vào tấm gương của cha mẹ. Nếu các thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình thường xuyên thực hiện “những lời nói dối nhỏ”, tại sao một đứa trẻ phải nói sự thật?
Đừng làm bẩn
Một đứa trẻ đến một độ tuổi nhất định không thấy sự khác biệt giữa quần áo sạch và bẩn. Trẻ luôn thích thú tập trung làm việc mình thích mà không cần quan tâm điều đó có làm bẩn quần áo hay không.
Nếu bạn bình tĩnh giải thích mọi chuyện cho trẻ hiểu thì lần sau trẻ sẽ cố gắng rất nhiều để không làm mẹ buồn lòng.
Thay vì la mắng vì tội làm bẩn, hãy cố gắng tập trung sự chú ý của trẻ vào mặt tích cực của vấn đề: “Sạch sẽ là đẹp. Lần sau con hãy cẩn thận hơn nhé”.
Đừng chúi mũi vào việc của người khác
Một đứa trẻ có thể bị xúc phạm rất nhiều nếu phải nghe câu nói này. Nếu bạn và chồng đang có một cuộc trò chuyện quan trọng và bọn trẻ xen vào bởi nhiều lý do khác nhau, hãy tìm việc khác để con làm.
Đừng ăn nhiều kẹo
Trẻ không hiểu rằng nếu ăn nhiều đồ ngọt sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Ngọt là ngon, và do đó rất khó để dừng lại. Cố gắng thương lượng với trẻ theo một cách khác: “Nếu con ăn hết kẹo cùng một lúc, thì ngày mai sẽ chẳng còn gì cả. Chúng ta có nên chia nó thành nhiều phần nhỏ không?".
Đừng khóc
Nếu trẻ khó chịu hoặc không thoải mái về điều gì đó, hãy cho trẻ cơ hội để nói với bạn về điều đó. Cố gắng chú ý đến những gì đang làm phiền lòng đứa trẻ và đề nghị giải quyết việc này cùng nhau.
Hạ Thảo (theo Gazeta)