Nuôi con thời Covid-19: Hãy tìm “khoảng lặng” cho riêng mình

Kim Dung| 29/01/2022 07:33

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã quyết định cho phép trẻ em học trực tuyến.

Nhiều phụ huynh mệt mỏi khi vừa phải làm việc, vừa dạy con học. Ảnh minh họaNhiều phụ huynh mệt mỏi khi vừa phải làm việc, vừa dạy con học. Ảnh minh họa

Song, việc trẻ học trực tuyến dài ngày đã khiến tâm lý nhiều phụ huynh mệt mỏi. Khi đó, các cha mẹ có thể dành thời gian nghỉ ngơi và làm điều mình thích.

Giãi bày cảm xúc

Giống như nhiều phụ huynh khác, “hot mom” với nickname Hằng Túi cũng phải kèm cặp con học online. Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng. Bởi, trẻ nhỏ vốn có bản tính hiếu động. Trong khi đó, ở nhà, có quá nhiều yếu tố xung quanh gây xao nhãng như tivi, iPad, điện thoại. Vì vậy, tình trạng trẻ mất tập trung là điều “thường ngày”.

Cậu bé Sóc nhà Hằng Túi cũng rơi vào tình trạng này khi thường xuyên để “tâm hồn treo ngược cành cây” mỗi lúc học trực tuyến. Chia sẻ trên mạng xã hội, hot mom “tố” con: “Không chịu được, học bài mà đeo tai nghe mắt nhìn ra cửa sổ”. Không chỉ vậy, nhóc tỳ nhà Hằng Túi còn không chịu ngồi yên học mà thường xuyên xin mẹ đi vệ sinh, rửa tay, uống nước...

Chia sẻ của Hằng Túi khiến nhiều phụ huynh “dở khóc dở cười” và bày tỏ sự đồng cảm. Bởi, đây cũng là tình cảnh chung mà nhiều gia đình đang đối mặt. Không ít bà mẹ sau đó đã tranh thủ vào “tố” con: “Nhà mình cũng chung cảnh ngộ đây”; “Con nhà em cũng thế. Em giục học, con bảo: Mẹ cứ từ từ xem nào. Sao cứ phải vội vàng như thế”; “Tất cả đều vậy đấy mẹ Hằng ạ. Mình mệt 1 cô giáo còn mệt 10 ý”...

Bên cạnh những bà mẹ “đau đầu” khi vừa làm việc vừa trông con, không ít phụ huynh thường xuyên lo lắng khi để trẻ ở nhà. Từ khi trẻ học trực tuyến, chị Phương Mai (Ba Đình - Hà Nội) phải để hai con ở nhà trông nhau. Do vẫn phải đi làm, vợ chồng chị không còn cách nào khác ngoài lắp camera trong nhà để quan sát các con.

“Cháu lớn nhà tôi năm nay học lớp 4, còn cháu nhỏ 5 tuổi. Vì cháu lớn là con gái nên khá khéo léo trong việc chăm em. Hằng ngày, tôi dậy sớm chuẩn bị bữa sáng và trưa cho các con. Sau đó, hai cháu sẽ tự chơi và học. Nhiều khi xem camera, thấy con bị ngã hoặc cãi nhau, tôi vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, đang trong giờ làm việc, tôi đành “lực bất tòng tâm””, nữ phụ huynh tâm sự.

Có thể nói, trong đại dịch, phụ huynh cũng là những người chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Họ cùng lúc đối mặt với áp lực “cơm áo gạo tiền”, vừa phải xoay xở chăm con khi trẻ học ở nhà.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam, đây là quãng thời gian khá mệt mỏi đối với các phụ huynh. Do đó, điều quan trọng là hãy chăm sóc bản thân để có sức khỏe hỗ trợ trẻ.

“Bạn không đơn độc. Hàng triệu người khác cũng có những nỗi sợ như chúng ta. Hãy tìm một người để nói chuyện và giãi bày cảm xúc của mình. Lắng nghe họ. Tránh xa những phương tiện truyền thông với các thông tin khiến bạn hoảng loạn”, cơ quan này nhấn mạnh.

“Tạm nghỉ” với con

UNICEF Việt Nam khuyến khích, các cha mẹ hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Khi các con đã ngủ, phụ huynh có thể làm gì đó vui vẻ hoặc khiến bản thân thư giãn. Đồng thời, các cha mẹ hãy lên danh sách những hoạt động lành mạnh bản thân thích. Theo UNICEF Việt Nam, trẻ sẽ tìm đến cha mẹ khi cần sự giúp đỡ và trấn an. Do đó, cha mẹ hãy lắng nghe trẻ khi con chia sẻ suy nghĩ. Đồng cảm với tâm tư và an ủi trẻ.

UNICEF Việt Nam gợi ý, phụ huynh có thể thực hiện hoạt động thư giãn trong một phút mỗi khi cảm thấy căng thẳng hay lo lắng. Trước hết, hãy chọn một tư thế ngồi thoải mái, chân trên sàn nhà, tay đặt lên đùi. Nhắm mắt lại nếu cảm thấy thoải mái. Sau đó, suy nghĩ, cảm nhận cơ thể.

Các cha mẹ hãy tự hỏi: “Mình đang nghĩ gì?”. Sau đó, cảm nhận suy nghĩ của chính mình. Suy nghĩ đó tiêu cực hay tích cực? Tiếp tục cảm nhận cảm xúc của chính mình. Cảm xúc đang vui hay không? Cảm nhận cơ thể của chính mình. Cơ thể có đau hay căng thẳng ở đâu không?

Tiếp theo, phụ huynh hãy tập trung vào hơi thở. Lắng nghe hơi thở khi hít vào và thở ra. Các phụ huynh có thể để tay lên bụng và cảm nhận bụng nâng lên hạ xuống theo từng nhịp thở.

Sau đó, hãy nói với bản thân: “Dù đó là gì đi chăng nữa, mình vẫn ổn” và lắng nghe hơi thở thêm một lúc. Các phụ huynh hãy cảm nhận toàn bộ cơ thể của chính mình. Lắng nghe những âm thanh trong phòng và nghĩ: “Mình có cảm thấy gì khác biệt không?”.

“Khi sẵn sàng, hãy mở mắt ra. Hãy cởi mở và lắng nghe những gì con nói. Con sẽ tìm đến bạn khi cần sự giúp đỡ và trấn an. Hãy lắng nghe khi con đang chia sẻ suy nghĩ của mình. Đồng cảm với tâm tư và an ủi con. Việc tạm nghỉ một chút cũng rất hữu ích khi con đang làm bạn bực bội hay làm điều gì sai trái.

Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn. Thậm chí hít thở sâu hay cảm nhận sàn nhà dưới chân bạn cũng tạo nên sự khác biệt. Bạn cũng có thể tạm nghỉ một chút với con mình!”, UNICEF Việt Nam cho biết.

Trong khi đó, theo bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi ở nhà cùng con, cha mẹ cần sử dụng các hình khối trực quan để thiết kế không gian làm việc. Hãy thiết kế một không gian riêng để làm việc và sử dụng không gian đó thường xuyên cho mục đích làm việc. Đồng thời, cha mẹ cần tạo thói quen để trẻ biết rằng, khi ngồi ở vị trí đó, cha mẹ đang làm việc và không được làm phiền.

Phụ huynh đồng thời được khuyến khích nói chuyện với con để tạo ra một thời gian biểu hằng ngày và hằng tuần. Hãy cho trẻ cơ hội chọn một số hoạt động chúng thích và độc lập hơn.

Nếu nghĩ các kế hoạch làm việc bị gián đoạn hoặc thay đổi, các phụ huynh hãy báo cho đồng nghiệp biết để được hỗ trợ. Trong trường hợp cảm thấy khó khăn, phụ huynh cũng có thể tìm đến sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nuôi con thời Covid-19: Hãy tìm “khoảng lặng” cho riêng mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO