Ở huyện Lang Chánh, người dân gọi ông Hà Khắc Sâm là “vua” cá tầm. Ông bảo, thành công với mô hình nuôi cá tầm với ông như một cái duyên. Trước đó, ông từng trải qua nhiều nghề và còn có một thời gian đi lao động ở nước ngoài.
Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa mời Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) về khảo sát địa chất, dòng nước để đưa loài cá này về nuôi.
Qua khảo sát, các cơ quan chức năng xác định, tại Thanh Hóa chỉ có một điểm nuôi cá tầm, cá hồi phù hợp, đó là dòng suối Tá, thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.
Lúc bấy giờ, ông Sâm mới từ nước ngoài trở về. Ông mạnh dạn nhận dự án nuôi cá này, mặc dù ông chưa biết gì về nó.
“Lúc được lựa chọn giao dự án, bản thân tôi lo nhiều hơn mừng. Một phần do tôi chưa có kinh nghiệm, phần khác đây là dự án chưa được triển khai rộng, là dự án đầu tiên của tỉnh nên không biết phải bắt đầu tư đâu”, ông Sâm kể lại.
Đỉnh Pù Rinh thuộc dãy núi Chí Linh, là khu rừng nguyên sinh. Để thực hiện được dự án, việc đầu tiên ông Sâm phải mở đường vào suối Tá. Sau đó, ông đi khắp các trại nuôi cá hồi tại Sa Pa để học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá.
Năm 2010, ông đầu tư hơn 400 triệu để thực hiện nuôi cá. Ban đầu, ông Sâm xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300m2, thả hơn 6.000 con cá giống. Sau 9 tháng, khi lứa cá của ông được xuất bán thì bị một trận lũ cuốn trôi cả các bể. Năm đó, ông mất trắng.
Không bỏ cuộc, năm 2012, ông Sâm mạnh dạn vay thêm 1 tỷ đồng để xây dựng thêm 6 bể cá nuôi và 5 bể cá giống. Ông thả 4.000 con cá hồi và hơn 10.000 con cá tầm.
Đến cuối năm 2014, số cá tầm, cá hồi được bán hết cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thu về trên 2 tỷ đồng.
Đến nay, bình quân mỗi năm, ông Sâm xuất khoảng 8-9 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 400.000 đồng/kg cá hồi, 250.000 đồng/kg cá tầm, mỗi năm đem về cho ông doanh thu gần 3 tỷ đồng. Theo ông Sâm, trung bình mỗi ngày ông bán được vài con cá đến vài chục con, thu về tiền triệu.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang, đánh giá, những năm qua, mô hình nuôi cá nước lạnh của gia đình ông Sâm rất hiệu quả. Huyện Lang Chánh cũng chọn đây là một mô hình kinh tế điển hình và thời gian tới sẽ nhân rộng. Ngoài ra, mô hình của gia đình ông Sâm còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.