Ám ảnh
Ngồi quạt cho con đang phải nằm chiếu đèn trị vàng da trong nôi, Nguyễn Quốc Thịnh (30 tuổi, quê Hậu Giang) liên tục lấy khăn ướt lau mặt. Đó là cách Thịnh chống lại cơn buồn ngủ luôn chực chờ sau gần cả tuần thức trắng chăm vợ vừa sinh.
Dẫu mệt mỏi vì thiếu ngủ, Thịnh cũng không dám chợp mắt vì sợ con nóng, không kịp hỗ trợ khi vợ cần đến mình. Thịnh đã chu đáo, cẩn thận như thế từ lúc biết tin mình sắp được làm cha sau 5 năm hiếm muộn.
Ngày biết tin vợ mang thai, Thịnh vỡ òa hạnh phúc. Nhưng sau đó không lâu, anh sớm rơi vào những lo âu. Suốt thai kỳ, vợ anh liên tục gặp sự cố về sức khỏe khiến thời gian anh ngủ dưới gầm giường bệnh, rửa bô, giặt đồ cho vợ trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Gần đến ngày sinh nở, vợ Thịnh lại có dấu hiệu dọa sinh non. Anh càng lo lắng, căng thẳng gấp bội. Không dám để vợ ở nhà một mình, Thịnh xin cơ quan cho làm việc từ xa.
Mỗi ngày, anh đều đi chợ, nấu cơm cho vợ bầu rồi mới lao vào làm cho xong công việc được cơ quan giao phó. Có tháng, anh liên tục đưa vợ ra vào viện trong tâm trạng hoang mang.
Chỉ sau 8 tháng vợ mang thai, Thịnh gầy ốm, xuống sức thấy rõ. Nhiều lúc, anh mệt mỏi đến nỗi chỉ mong ngày vợ sinh nở đến thật nhanh.
Rồi ngày Thịnh lo sợ nhất nhưng cũng mong chờ nhất đến theo cách không hề mong muốn. Vợ Thịnh vỡ ối vào lúc tờ mờ sáng khi còn cách ngày dự sinh gần 1 tháng. Lần đầu chứng kiến cảnh vợ nằm trên vũng nước màu đỏ như máu, Thịnh luống cuống, rối bời.
Anh chỉ kịp gọi xe cứu thương rồi theo vợ vào bệnh viện. Chiếc xe lao qua đoạn hẻm đầy ổ gà, vợ Thịnh oằn mình đau đớn, mặt tái nhợt. Ngồi bên cạnh, Thịnh xót xa, lo lắng đến bật khóc.
“Đó là lần đầu tôi ngồi xe cứu thương. Tiếng còi hú, tiếng rên la đau đớn của vợ khiến tôi ám ảnh. Lo lắng, thương vợ và tủi thân vì không có người lớn bên cạnh giúp đỡ, tôi nắm chặt tay vợ rồi bật khóc”, Thịnh kể.
Đến bệnh viện, vợ vào phòng cấp cứu, Thịnh được bác sĩ yêu cầu về nhà chuẩn bị đồ dùng cần thiết để chăm vợ sinh non.
Về đến nhà, Thịnh luống cuống, vụng về đến độ lấy cái này lại quên thứ kia. Anh cứ loay hoay như thế cho đến khi nhận được dòng tin nhắn: “Bệnh viện … thông báo đến quý gia đình sản phụ… SN 1989, địa chỉ… đã sinh 1 bé gái, 2.600g lúc…” mới thở phào.
Niềm hạnh phúc dâng trào khiến lồng ngực Thịnh như vỡ tung. Anh ngồi thụp xuống ghế, ôm mặt khóc. Rồi anh cuống cuồng chất chiếc giỏ đựng đồ sơ sinh đã được chuẩn bị trước đó lên xe máy, lao đến bệnh viện.
Nước mắt tủi phận
Thế nhưng khi đến bệnh viện, Thịnh không được thấy con. Bé sinh non, vừa ra đời đã bị viêm phổi nên phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Lúc này, nỗi lo lắng lại ùa về trong tâm trí nam thanh niên.
Anh muốn hỏi nhiều thứ nhưng không dám vì thấy vợ đang rất mệt mỏi, đau đớn. Chỉ khi vợ được lên phòng sau sinh, dần tươi tỉnh, anh mới vồ vập hỏi: con có lành lặn không, có xinh không, có giống bố, mẹ không…
Dù còn mệt và đau, vợ anh cũng cố gật đầu, mỉm cười để chồng yên bụng. Nụ cười của vợ đánh tan mọi lo lắng, mệt mỏi của Thịnh. Những ngày sau đó, Thịnh hết tất tả chăm vợ sinh lại ra vào cửa phòng bệnh ngóng tin con.
Nhớ con, vợ Thịnh hết hỏi bác sĩ rồi lại sụt sùi. Thấy vợ mệt mỏi vì đau và nhớ con, Thịnh xót xa, đứng ngồi không yên. Anh liên tục an ủi, trấn an vợ dẫu trong lòng cũng nóng như lửa đốt.
Thịnh kể: “Cuối cùng, tôi cũng được đến thăm con. Đứng trước phòng chăm sóc đặc biệt, tôi nhìn quanh nhưng không biết bé nào là con của mình.
Sau khi đọc hết tên những ông bố khác, bác sĩ mới đọc đến tên tôi rồi chỉ vào em bé nằm trong chiếc nôi chỉ cách tôi một lớp cửa kính. Con ngủ im lìm, bình yên trong chiếc khăn lớn. Lúc đó, hạnh phúc trong tôi lại dâng trào”.
Mấy hôm sau, anh được đón con về phòng sau sinh. Lần đầu làm cha, Thịnh luống cuống, vụng về. Các cô điều dưỡng phải hướng dẫn, làm mẫu nhiều lần anh mới biết bế con đúng cách.
Những ngày sau đó, hạnh phúc được làm cha sau 5 năm hiếm muộn vẫn không thể giúp Thịnh giấu đi nỗi lo âu, mệt nhọc cùng những giọt nước mắt cô đơn. Không có nhà nội nhà ngoại phụ giúp, một mình Thịnh tất tả chăm vợ, chăm con tại bệnh viện.
Bé vàng da, viêm phổi nên phải tiêm thuốc và chiếu đèn liên tục. Thịnh hết bế con đi tiêm thuốc lại đưa bé về phòng chiếu đèn.
Tranh thủ những lúc con ngủ, Thịnh chạy đi mua sữa, thức ăn rồi về giặt khăn, tã, vệ sinh cho vợ… Đêm nào Thịnh cũng gần như thức trắng để pha sữa, thay tã, ru con ngủ rồi mới mở máy làm việc.
“Khổ nhất là cảnh vợ tắc sữa. Cô ấy đau nên rất ức chế. Nhìn cảnh ấy, tôi khổ tâm vô cùng. Thương vợ nhưng không biết làm sao nên nhiều lúc, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng”, Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, điều khiến Thịnh buồn tủi nhất là cảm giác cô đơn, không được sự giúp đỡ từ 2 bên gia đình. Mỗi lần nhìn xung quanh, thấy những bà bầu khác đều có mẹ chồng, mẹ đẻ đến chăm, Thịnh tủi thân cực độ. Cảm giác ấy càng tăng cao mỗi khi anh buộc phải chăm vợ, chăm con cùng một lúc.
Thế nên không ít lần Thịnh cố cắn môi khi phải một tay bế con đang quấy khóc, một tay dìu vợ vào nhà vệ sinh rửa vết thương. Anh cố vui cười, chăm vợ con thật tốt để vợ vơi đi những suy nghĩ không vui.
Thịnh tâm sự: “Với tôi, có con là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Nhưng tôi cũng có những buồn khổ riêng. Nhiều lúc tủi thân đến rơi nước mắt.
Ngoài việc phải một mình chăm vợ con, tới đây, tôi có thêm áp lực mới là phải đảm bảo kinh tế để nuôi bé thật tốt. Không còn cha mẹ, chỉ có 2 vợ chồng ở quê người, trách nhiệm của tôi càng thêm nặng nề”.
*Tên nhân vật đã được thay đổi