Cuối tuần qua, Nga đã thành công trong việc kiểm soát thành phố chủ chốt ở Lugansk, Lysychansk. Theo các chuyên gia, việc Moscow đạt được bước tiến này cho thấy nỗ lực của họ trong việc phối hợp lực lượng và lên kế hoạch tác chiến trong suốt thời gian qua.
Daily Beast cho rằng, chiến thắng của Nga ở Lysychansk có thể đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến dịch quân sự đã kéo dài hơn 4 tháng qua ở Ukraine.
Giới quan sát nhận định, thành công của Nga không phải là may mắn. Sau khi họ gặp phải thách thức từ sự phản công dữ dội của Ukraine trong giai đoạn đầu chiến sự, họ đã có những sự thay đổi trong việc thực thi kế hoạch tác chiến trên khắp các đơn vị.
Với lợi thế hiện có, các chuyên gia nhận định, Nga có thể sẽ mở rộng đà tiến của lực lượng này tới các mục tiêu khác trên Ukraine.
Theo các chuyên gia, hướng đi dễ đoán nhất của Nga chính là họ sẽ tiếp tục kế hoạch kiểm soát hoàn toàn khu vực Donbass như mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2, mà mục tiêu rõ ràng là vùng Donetsk.
"Nước cờ" tiếp theo của Nga?
Các chuyên gia nhận định, Nga có thể đang đặt ra mục tiêu kiểm soát Sloviansk và Kramatorsk ở Donetsk, như kịch bản Lysychansk và Severodonetsk ở Lugansk.
Tuy nhiên, Nga cũng sẽ đối mặt với thách thức nhất định khi mục tiêu mới của họ nằm xa khu vực biên giới hơn - yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề di chuyển và hậu cần.
Ngoài Donbass, Nga được cho là sẽ tiếp tục duy trì việc phong tỏa khu vực Biển Đen ở Nam Ukraine, dù các vụ phản công của Ukraine với cường độ ngày càng cao tại khu vực này đang khiến Moscow gặp thách thức nhất định.
Việc kiểm soát được Nam Ukraine sẽ giúp Nga lập được hành lang an toàn nối giữa đất liền nước này với bán đảo Crimea qua miền Đông. Đây là lợi thế chiến lược mà Nga có thể đang theo đuổi và sẽ tập trung trong giai đoạn kế tiếp.
Mặt khác, Nga có thể nhằm mục tiêu vào Kharkov, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine. Nếu Nga cô lập thành công khu vực này, họ có thể sẽ buộc Ukraine phải lựa chọn giữa việc dồn lực lượng bảo vệ Kharkov, hoặc tập trung xuống khu vực miền Nam Ukraine. Đây là một lựa chọn rất khó khăn và sẽ đặt Kiev vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, một yếu tố khác đang được Nga để mắt tới là sự chia rẽ trong nội bộ phương Tây liên quan tới sách lược đối phó với Nga.
Các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Nga từ bỏ chiến dịch quân sự trong thời gian qua đang gây hiệu ứng ngược cho phương Tây. Giá năng lượng, lạm phát, lương thực đều tăng mạnh làm dấy lên câu hỏi, trong cuộc chiến ngày càng kéo dài, liệu phương Tây có đủ kiên nhẫn để đối đầu với Nga tới cùng hay không?
Việc đối phó với cường quốc hạt nhân như Nga khiến Mỹ và NATO cũng trở nên thận trọng chiến lược trong việc đưa vũ khí hạng nặng tới Ukraine. Diễn biến này tiếp tục gây ra bất lợi cho phía Kiev.
Câu hỏi đặt ra là, khi nào một cuộc thương lượng mới diễn ra để đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột hơn 4 tháng qua. Tất cả các bên bao gồm Ukraine, Nga đều bị tổn thương vì chiến sự và giới hạn nào sẽ có thể khiến họ phải nhượng bộ trong đàm phán.
Một điều chắc chắn là cả Nga và Ukraine đều đang kiếm tìm lợi thế rõ rệt trên chiến trường để đạt được vị thế tốt hơn nếu đàm phán diễn ra. Nhưng liệu Ukraine có sẵn sàng nhượng bộ về mặt lãnh thổ theo như ý Nga để chiến sự khép lại hay không? Đó là câu hỏi chưa thể giải đáp vào lúc này.