Cá chết nổi dày đặc dưới hồ Sông Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tình hình hạn hán kéo dài khiến mực nước ở hồ giảm sâu, có nơi nước cạn trơ đáy khiến các loại cá trong hồ chết hàng loạt.
Một người đàn ông đang vớt những con cá chết nổi trắng trên mặt hồ về nhà chế biến lại thành thức ăn cho đàn cá nuôi. Các loại cá chết chủ yếu là: Cá tra, cá chép, rô phi, cá mè, cá trắm...
Nhân viên Đội quản lý nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây làm việc xuyên đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để vớt số cá chết ở hồ Sông Mây.
Thượng úy Lê Minh Tấn, Quản lý Đội nuôi trồng thủy sản, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, đơn vị được giao nhiệm vụ nuôi thủy sản trên hồ Sông Mây cho biết: "Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do sửa chữa đập và nạo vét đáy hồ Sông Mây, đơn vị thi công cải tạo hồ xả nước về hạ nguồn, khiến hồ trơ đáy, cùng với tình trạng nắng nóng kéo dài làm cho mực nước trong hồ xuống thấp, cá thiếu oxy dẫn đến chết hàng loạt".
Theo Thượng úy Tấn, đơn vị thiệt hại gần 200 tấn cá, hiện tại 100% lực lượng Đội quản lý nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây xử lý cá chết, tập trung vớt lên xe để chở đi, xử lý mùi hôi gây ảnh hưởng đến người dân.
Hàng trăm tấn cá nuôi tự nhiên chết nổi trắng mặt hồ, bao quanh các nhà bè nằm trong lòng hồ Sông Mây.
Những ngày qua, tổ nuôi trồng thủy sản của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng số lượng cá chết quá lớn nên làm không kịp.
Để thu gom số cá chết, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, lực lượng Đội quản lý nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây làm việc ngày đêm.
Nắng nóng kéo dài khiến mực nước hồ Sông Mây xuống thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt.
Xác cá phơi xương nằm dày đặc trên mặt đất khô cằn, nứt nẻ.
Nắng nóng kéo dài, hồ Sông Mây cạn trơ đáy, diện tích mặt nước giảm từ 196ha hiện chỉ còn khoảng 2ha. Độ sâu mực nước thấp (nơi sâu nhất khoảng 1m nước), số lượng cá trong hồ chết gần hết.
"Cá chết nhiều nhất trong khoảng 2 tuần nay, nước cạn hết rồi cá sống sao nổi. Năm nay, hạn hán kéo dài, mọi năm đến mùa khô, tôi vẫn tắm và sinh hoạt bằng nước tại hồ này, năm nay mỗi khi đi tắm phải lội bộ ra tận đường lớn gần 500m để tắm nhờ", ông Nguyễn Sơn Hòa (68 tuổi) nói.
Hồ Sông Mây có diện tích hơn 300ha, là hồ chứa nước tưới tiêu cho khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nhưng hiện tại đã cạn trơ đáy, đất dưới lòng hồ khô cằn, nứt nẻ.
Việc cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối khiến ruồi bu đầy các nhà dân ở xã Bình Minh và xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Người dân ở đây lo lắng mùi thối từ cá chết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt gia đình gặp nhiều bất tiện.
"Dịp lễ 30/4 và 1/5 con cháu tôi không đứa nào dám về nhà chơi vì mùi hôi thối từ cá chết bốc lên nồng nặc. Tôi và vợ đã chịu đựng mùi thối này hơn 10 ngày. Tiết trời nắng nóng, mùi hôi tanh từ cá chết càng nghiêm trọng hơn", ông Trần Văn Nghĩa (62 tuổi, người dân ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) nói.