Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ

09/03/2023 08:52

Cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất trở thành một phần cuộc đời cựu binh Mỹ Peter Mathews, cũng là hiện thân của thanh xuân tươi đẹp, sống lý tưởng của người lính giải phóng năm xưa.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ

Ông Peter Mathews nắm chặt đôi tay bà Cao Thị Nồng - em gái liệt sỹ Cao Văn Tuất trong giây phút trao lại cuốn nhật ký. Cuốn nhật ký trở thành một phần cuộc đời ông, cũng là hiện thân của thanh xuân tràn lý tưởng chiến đấu vì tổ quốc của người lính giải phóng.

Kỷ vật của người lính giải phóng lưu lạc nửa thế kỷ, qua nửa vòng trái đất

Sau 56 năm, cuối cùng, cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất (quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở về với gia đình, vào sáng 5/3/2023. Sự trở về của cuốn nhật ký - kỷ vật duy nhất của người lính giải phóng, không chỉ là niềm an ủi đối với thân nhân, mà đã thực sự giúp cởi bỏ gánh nặng đè trĩu trong lòng người cựu binh phía bên kia chiến tuyến.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 1

Những trang viết thể hiện lý tưởng sống của người chiến sỹ cách mạng Cao Văn Tuất.

Đáp chuyến bay dài từ Mỹ đến TPHCM, ông Peter Mathews (77 tuổi) và vợ tiếp tục phải bay một chặng nữa để ra TP Vinh (Nghệ An), rồi ngồi ô tô vào Hà Tĩnh. Chuyến bay trở lại Việt Nam lần đầu tiên, kể từ thời điểm ông rời Việt Nam, tính ra đã 56 năm. Lần này trở lại, ông thực hiện một nhiệm vụ khác với thời điểm sang Việt Nam ngày ấy: Trong hành trang của ông là cuốn nhật ký của người lính giải phóng.

Tháng 11/1967, Peter Mathews - khi đó là xạ thủ súng máy, thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ, cùng đơn vị được lệnh yểm trợ cho quân đội Mỹ tại Đắc Tô (tỉnh Kon Tum), nơi quân giải phóng đã bày bố các trận đánh để tiêu diệt, tiêu hao sinh lực đối phương, nhằm nắm thế chủ động trên chiến trường quan trọng này.

Ngày 11/11/1967, tại cao điểm Đồi 724 - một trong những vị trí giao tranh ác liệt giữa hai bên, Peter Mathews lấy được cuốn sổ ở một trong những chiếc ba lô quân giải phóng bỏ lại. "Không có thi thể nào được phát hiện ở đây. Tôi không biết chủ nhân cuốn sổ còn sống hay đã chết", Peter Mathews nhớ lại. Đúng 30 ngày sau, Peter Mathews rời khỏi Việt Nam, khi thời gian quân dịch kết thúc, mang theo cuốn nhật ký của người lính giải phóng - cuốn sổ mà theo ông "không có giá trị thông tin về quân sự" nhưng là "một tác phẩm nghệ thuật" với rất nhiều hình vẽ và bài thơ tuyệt đẹp.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 2

Ông Peter Mathews cảm thấy choáng ngợp mỗi khi lần giở những trang viết của người lính giải phóng.

Cũng như nhiều người lính Mỹ trở về sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Peter Mathews bị ám ảnh, dằn vặt và cố gắng quên nó đi bằng cách bỏ tất cả kỷ vật từ Việt Nam vào một chiếc hộp, bao gồm cả cuốn nhật ký của người lính giải phóng. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, "hội chứng Việt Nam" vẫn luôn ám ảnh ông. Người cựu binh Mỹ vẫn cảm thấy choáng ngợp mỗi khi giở cuốn sổ với những bài thơ, bản nhạc và những bức vẽ sống động. Ông muốn trả nó về với người chủ đích thực hay người thân của họ.

Với sự hỗ trợ của một số người, Peter Mathews đã đăng tải thông tin cuốn sổ lên mạng xã hội để tìm cách đưa trả về Việt Nam. Và thật bất ngờ, chỉ trong vòng 3 ngày, thông tin về cuốn nhật ký và mong mỏi của cựu binh Mỹ đã được lan tỏa đến Việt Nam. Đúng 5 ngày sau, thông tin chính xác về chủ nhân cuốn sổ đã được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xác định. Người lính Cao Xuân Tuất trong cuốn nhật ký chính là Cao Văn Tuất, quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Giây phút tiếp nhận thông tin về chủ nhân của cuốn nhật ký, người cựu binh Mỹ đã khóc.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Việt Nam, Peter Mathew kết nối được với người thân của chủ nhân cuốn nhật ký. Người lính giải phóng ấy không may mắn như ông, anh đã hi sinh vào ngày 10/12/1967...

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 3

"Cuốn nhật ký cũng đã trở thành một phần cuộc đời tôi...".

Và ngày 4/3/2023, ông đã vượt một chặng đường rất dài, để mang cuốn nhật ký ấy về với thân nhân của người lính giải phóng Cao Văn Tuất. Sáng 5/3, với sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền Hà Tĩnh, ông Peter Mathews đã có mặt tại nhà ông Hà Huy Mỳ - cháu ngoại, hiện đang thờ phụng liệt sỹ Cao Văn Tuất.

Hai người đã gặp nhau qua những cuộc gọi video trước đó nhưng ông Peter Mathews có vẻ căng thẳng khi bước xuống xe. Nét mặt ông chỉ giãn ra, một nụ cười nhẹ nhõm thoáng trên gương mặt khi ông Mỳ bước ra, bắt tay chào đón vợ chồng ông.

Cựu binh Mỹ và vợ đứng trước bàn thờ, nghe người phiên dịch giải thích về những người đang được thờ cúng ở đây, bao gồm liệt sỹ Cao Văn Tuất. Ông thắp nén hương nhận từ tay ông Mỳ lên bàn thờ, khuôn mặt thành kính. Ông và vợ mang từ nước Mỹ xa xôi tới 2 quả cầu thủy tinh, bên trong là bông hồng khô, trịnh trọng dâng lên ban thờ.

"Tôi và vợ tôi cảm nhận rằng, cuốn nhật ký của ông Tuất, dù ông đã hy sinh, sẽ còn tồn tại mãi mãi, như sự vĩnh cữu của bông hồng kia", ông nói. Ông trò chuyện với gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất, nắm bàn tay xương xẩu của bà Cao Thị Diếu - cái tên đã xuất hiện trong cuốn sổ. "Tôi có thể quay lại đây lần nữa không", cựu binh Mỹ hỏi. "Bất kỳ lúc nào ông muốn", ông Mỳ đáp lời.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 4

Cựu binh Mỹ - Peter Mathews trân trọng trao tận tay bà Cao Thị Nồng cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất.

Người cựu binh Mỹ cao lớn đã cúi người xuống, để lắng nghe bà Cao Thị Nồng - em gái liệt sỹ Cao Văn Tuất, nói gì đó trong buổi tiếp nhận kỷ vật diễn ra ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã Kỳ Xuân, trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Sau khi trân trọng trao cuốn sổ của liệt sỹ Cao Văn Tuất, ông Peter Mathews nắm đôi bàn tay gầy guộc của bà Nồng thật lâu. Cuốn sổ ấy đã là một phần cuộc đời ông và là cả một thanh xuân tươi đẹp, tràn lý tưởng sống và chiến đấu vì tổ quốc của người lĩnh giải phóng Cao Văn Tuất.

"Việc trao trả cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất cho gia đình anh, với tôi là sứ mệnh và trách nhiệm. Tôi hy vọng sự có mặt của tôi ngày hôm nay sẽ một phần nào đó xoa dịu nỗi đau và mất mát của gia đình. Trước khi sang Việt Nam, tôi không chuẩn bị cho sự đón tiếp như thế này. Tôi không thể tưởng tượng được mọi người quan tâm đến câu chuyện như vậy. Tôi cảm thấy biết ơn vì tất cả những gì đã diễn ra trong buổi lễ trao trả, nó xứng đáng từng phút giây", người cựu binh Mỹ nói.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 5

Món quà đặc biệt vợ chồng ông Peter Mathews mang từ Mỹ sang, tặng gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất. Những giá trị mà cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất sẽ vĩnh cửu như những bông hồng trong quả cầu thủy tinh trên.

Tại đây, ông Peter Mathews đã gặp gỡ, trò chuyện với một số cựu chiến binh Việt Nam. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và không còn dấu hiệu gì thể hiện rằng, họ từng là những người ở hai bên chiến tuyến. "Chúng ta đã ở đây, quên đi quá khứ đau thương, cùng nhau hướng về phía trước và tôn trọng lẫn nhau. Tôi mong rằng, việc trả nhật ký góp một phần vào nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi không có nhiều thông tin về các cựu binh Mỹ đang giữ những kỷ vật của người lính Việt Nam trong cuộc chiến, nhưng nếu biết, tôi sẽ thuyết phục họ trả lại giống như những gì tôi đã làm với gia đình ông Cao Văn Tuất", cựu binh Peter Mathews chia sẻ sau đó.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Ngọc Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến địa phương khẩn trương rà soát, xác minh. "Từ những manh mối đầu tiên, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của nhiều cơ quan liên quan, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi xác định tên người chiến sỹ Cao Xuân Tuất xuất hiện trong cuốn nhật ký chính là liệt sỹ Cao Văn Tuất, quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo kết quả xác minh ra Trung ương và phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức buổi lễ tiếp nhận kỷ vật của liệt sỹ Cao Văn Tuất". Ông Châu cũng hi vọng, thông qua cuốn nhật ký, sẽ có những manh mối quan trọng để sớm tìm thấy phần mộ liệt sỹ Cao Văn Tuất.

Quên quá khứ đau thương, cùng hướng về phía trước

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 6

Cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất được gia đình bảo quản trong chiếc tủ kính để tiếp tục lưu giữ.

Sau khi hoàn tất thủ tục tiếp nhận kỷ vật của người cậu, ông Hà Huy Mỳ cẩn thận đặt cuốn nhật ký vào một chiếc hộp kính, trịnh trọng đặt lên bàn thờ. Đây là kỷ vật duy nhất của liệt sỹ Cao Văn Tuất - người con trai độc nhất trong một gia đình nghèo ven biển Hà Tĩnh. Năm 1966, người thanh niên Cao Văn Tuất rời quê hương, chiến đấu vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến cuối năm 1967, gia đình không còn nhận được tin tức gì về anh.

"Vẫn biết trong chiến tranh, không thể tránh khỏi hi sinh, mất mát nhưng ông bà tôi vẫn hi vọng cậu còn sống. Mãi đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử, mới biết cậu hi sinh từ 5 năm trước. Bà tôi ngất xỉu, sau đó yếu dần...", ông Mỳ hồi tưởng.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 7

Cái nắm tay thấu hiểu, sẻ chia giữa ông Hà Huy Mỳ và cựu binh Mỹ - Peter Mathews.

Thời điểm nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Cao Văn Tuất cũng là thời điểm Mỹ thực hiện các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Làng quê Kỳ Xuân không thể bình yên với những trận bom dội xuống bất kể ngày đêm. Bằng một cách thần kỳ nào đấy, cậu bé Mỳ thoát khỏi quả bom rơi trúng căn hầm, nơi nhiều người đang trú ẩn... Lớn lên, tiếp nối truyền thống gia đình, ông Mỳ gia nhập quân đội, giúp nước bạn Campuchia tránh khỏi họa diệt chủng Khơ-me-đỏ. Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến nỗi đau của bà, của mẹ, chứng kiến những cái chết của đồng đội, trong tâm trí người cựu chiến binh này vẫn nhức nhối một nỗi đau dai dẳng, khó khỏa lấp về người cậu của mình.

"Cậu tôi hi sinh khi còn quá trẻ, còn chưa kịp có gia đình", giọng ông trầm xuống.

Những kỷ vật ít ỏi của liệt sỹ Cao Văn Tuất mất dần sau những trận bão nơi vùng quê "đầu sóng, ngọn gió", bởi vậy, thông tin về cuốn nhật ký từ đất nước Mỹ xa xôi thực sự khiến ông Mỳ cũng như người thân sửng sốt và vui mừng.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 8

Ông Peter Mathews trò chuyện với bà Cao Thị Diếu, chị gái liệt sỹ Cao Văn Tuất. Tên bà Diếu cũng đã được đề cập trong cuốn nhật ký.

"Lúc đầu, nghe thông tin về cuốn sổ, tôi không dám tin, không dám hi vọng đó là của cậu mình. Tôi còn nhớ tối ngày 1/2, lúc đó khoảng 21h, ông Nguyễn Văn Tân (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh - pv) gọi điện, hỏi tôi về những cái tên có trong cuốn sổ mà người lính Mỹ đang giữ. Đó là tên ông ngoại tôi, tên bà ngoại và tên mẹ tôi. Như vậy, chắc chắn đây là sổ tay của cậu tôi rồi. Tôi mừng quá, khóc luôn. Tôi đưa hình ảnh cuốn sổ của cậu cho mẹ tôi, bà bị tai biến lâu rồi, lúc nhớ, lúc quên. Nghe nhắc tới cậu, bà như sực tỉnh, hỏi: "Có thật hay không? Cậu Tuất khi mô (lúc nào - pv) về?", ông Mỳ kể tiếp.

"Ông có oán trách những người lính Mỹ đã gây nên nỗi đau thương, mất mát cho gia đình mình không" - tôi hỏi. "Không, tôi không còn oán trách họ nữa - ông Mỳ trả lời ngay lập tức - Tôi cũng là một người lính, tôi hiểu, giữa trận chiến, người lính không có lựa chọn nào khác, mình không bắn họ thì họ sẽ bắn mình. Chiến tranh là điều không nên xảy ra, dù thực tế nó đã xảy ra, và mỗi người lính, dù bước vào cuộc chiến bằng cách này hay cách khác thì họ đều gánh vác trên vai những nhiệm vụ riêng. Chúng ta không lãng quên quá khứ, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần tha thứ cho nhau, bắt tay nhau để chung sống hòa bình, cùng hướng về cuộc sống hạnh phúc. Cá nhân tôi cảm ơn ông Peter Mathews vì ông đã gìn giữ cuốn sổ - kỷ vật cuối cùng và duy nhất của cậu tôi - liệt sỹ Cao Văn Tuất và trao lại cho gia đình", ông Mỳ tâm sự.

Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ - 9

Thân nhân liệt sĩ, cựu binh Peter Mathews và đại diện lãnh đạo địa phương cùng dâng hương, viếng các liệt sĩ tại đài tưởng niệm liệt sĩ xã Kỳ Xuân. Trên bia Tổ Quốc ghi công, người cựu binh nhận ra tên liệt sỹ Cao Văn Tuất.

Cuốn nhật ký không chỉ là kỷ vật duy nhất của liệt sỹ Cao Văn Tuất, mà còn có ý nghĩa đặc biệt, là niềm tự hào của gia đình. Trước mắt, cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất được gia đình ông Hà Huy Mỳ lưu giữ, bảo quản. Ông hi vọng rằng, cuốn nhật ký sẽ cung cấp được nhưng manh mối quan trọng để có thể tìm thấy phần mộ và sớm đưa hài cốt liệt sỹ Cao Văn Tuất trở về với quê hương, gia đình.

"Những nỗ lực trao trả kỷ vật như cuốn nhật ký Cao Văn Tuất thực sự mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là sự hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước, hay trong lòng mỗi dân tộc, mà còn là sự hàn gắn những nỗi đau trong lòng mỗi cá nhân, trong lòng mỗi gia đình...

Chúng ta đều mong rằng, những hoạt động trao trả kỷ vật như vậy sẽ tiếp tục được thúc đẩy, góp phần xoa dịu nỗi đau từ hai phía trong suốt hơn nửa thế kỷ đã qua, hàn gắn vết thương chiến tranh để từ đó khép lại quá khứ và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn".

Ông Phạm Quang Vinh

Nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ.  

Hoàng Lam - Đức Hoàng - Dương Nguyên - Xuân Sinh 

09/03/2023

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/an-sinh/nua-the-ky-luu-lac-o-my-va-cuoc-tro-ve-than-toc-cua-nhat-ky-liet-sy-20230307153312581.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/an-sinh/nua-the-ky-luu-lac-o-my-va-cuoc-tro-ve-than-toc-cua-nhat-ky-liet-sy-20230307153312581.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nửa thế kỷ lưu lạc ở Mỹ và cuộc trở về thần tốc của nhật ký liệt sỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO