Nửa thế kỷ giữ rừng Cần Giờ - P2

09/08/2024 14:30

Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.

Duyên vợ chồng

- “Hò ơi, em ở nơi nào, xuống đây trồng đước chừng nào về quê”

- “Hò ơi, cơm sôi lửa cháy tưng bừng, em qua trồng đước một tuần về quê”

Những lúc hai vợ chồng ngồi trên thuyền đi bắt ba khía, ông Tùng hay ngân nga lại câu hò "cưa" vợ - bà Nguyễn Thị Lắng (52 tuổi).

Họ gặp nhau lần đầu năm 1984, khi chung tổ trồng rừng. Tổ gồm 50 người, được cấp 10 lít nước cho sinh hoạt và ăn uống, ở hoàn toàn trong rừng nửa tháng. Họ đào đất làm lò, mang củi khô về nhóm lửa, bắt cá dưới sông cho bữa ăn, tối thì chặt lá dừa nước phơi khô nằm thay chiếu. Tình cảm của hai người dần nảy nở.

"Đau cái lưng gần chết, nhưng vui lắm", bà Lắng nhớ lại.

Xem thêm: Nửa thế kỷ giữ rừng Cần Giờ - P1

Đám cưới trong rừng Cần Giờ của vợ chồng ông Tùng - bà Lắng năm 1994.

Sau cưới, bà Lắng chuyển hẳn vào rừng, cùng chồng xây tổ ấm. Ba người con lần lượt ra đời. Đến tuổi đi học, chúng lên bờ ở với ông bà, cuối tuần mới về phụ cha mẹ.

Hơn 20 năm đầu ở rừng, vợ chồng ông chỉ sống bằng đèn dầu vì không thể kéo điện vào. Đến năm 2001, các hộ giữ rừng mới được hỗ trợ vay mua tấm điện năng lượng mặt trời công suất 36W.

"Cái tấm năng lượng được cưng chưa từng thấy. Cháy được cái bóng đèn, hát được TV đen trắng xíu rồi xong", ông Tùng nhớ lại. Hai vợ chồng tích lũy lương giữ rừng trong vòng 4 năm mới trả xong 8 triệu - tương đương 2 cây vàng. Giờ đây, nhà ông đã có 3 tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng vẫn giữ thói quen "hà tiện điện", chỉ sử dụng 1/3 để tích điện cho mùa mưa.

anh-10.jpeg
Chân dung vợ chồng Tùng và con trai út - Duy Linh - bên sông Lòng Tàu, tháng 7/2024.
anh-11.jpeg
Ông Tùng ngồi nghỉ ngơi trong phòng khách, nơi những tấm bằng khen về công tác bảo vệ rừng treo kín tường.
anh-12.jpeg
Bà Lắng - vợ ông Tùng - trồng rau ở mảnh vườn sau nhà, sống tự cung tự cấp.

Trước khi được Nhà nước xây mới chốt bảo vệ rừng vào năm 2012, gia đình ông sống trong nhà lá, cửa không đóng kín được, phải đốt đèn dầu ăn cơm trong mùng để tránh muỗi. "Mỗi đêm thuỷ triều lên, sáng dậy thấy nước cuốn trôi mất đôi dép", bà Lắng cười, kể lại ký ức ở căn nhà cũ hơn 20 năm trước.

Sau này, chốt mới được xây, cuộc sống của hai vợ chồng ông tiện nghi hơn. Tiền khoán bảo vệ rừng cũng tăng lên, ông nhận khoảng 173 triệu đồng mỗi năm để canh giữ 150 ha rừng. Để có thêm tiền cho các con ăn học, vợ chồng ông nuôi cá thòi lòi và ốc len trên khoảng sân trước nhà.

Cuộc sống vẫn chưa đủ đầy. Mùa nắng hạn chế nước ngọt, mùa mưa lại thiếu nắng cho điện mặt trời. Sóng tivi, điện thoại lúc được lúc không. Dù hai vợ chồng chưa bao giờ có ý định rời rừng, những đứa con của ông thì không muốn quẩn quanh mãi trong vòng lặp của khuôn mặt, âm thanh, và bối cảnh quen thuộc.

"Thôi con không ở rừng nữa đâu, con lên thành phố đây", ông Tùng thuật lại lời của con trai đầu năm 2018. Sau khi học xong, anh giữ rừng được 6 năm, rồi đến Đồng Nai tìm việc mới.

Sau đó, con gái thứ hai cũng chỉ giữ rừng được 3 năm. Họ lần lượt lập gia đình ở thành phố, chỉ khi được nghỉ phép và "cần sự bình yên" mới về rừng thăm cha mẹ.

"Có thể khi già sẽ tính chuyện về rừng ở, còn trẻ thì muốn bon chen một chút ở thành phố", chị Mỹ Linh (28 tuổi), con gái của ông Tùng, chia sẻ.

Vợ chồng ông Tùng tôn trọng hai con, không ép đứa nào ở lại rừng, một phần hiểu rằng chúng đang ở độ tuổi cần biết về thế giới. Phần còn lại, ông muốn để các con đi thay cho thanh xuân của mình.

Người tiếp nối

Từ ngày lắp được wifi thay cho sóng điện thoại, vợ chồng ông có thêm phương tiện để liên lạc với các con, dù nhiều lúc mạng chập chờn. Bà Lắng rất thích ngắm ảnh cháu, cứ mong chúng về thăm. Nhưng càng lớn, những chuyến về rừng của tụi nhỏ càng ít lại.

"Hồi nhỏ xíu nó thích vào rừng lắm, giờ nhắc tới là sợ", bà kể.

13.jpg
Chốt bảo vệ rừng cũng là tổ ấm của gia đình ông Tùng, được xây từ năm 2012.
14.jpg
Căn bếp sau nhà hỏng hơn tháng nay, bà Lắng dùng những cành đước bị gãy đổ vào mùa mưa để nhóm lửa nấu cơm.
15.jpg
Hoạt động giải trí duy nhất của gia đình ông Tùng mỗi tối là xem TV rồi đi ngủ.

Vợ chồng ông Tùng cả đời ở rừng "sống riết thành quen". Nhưng Bà Hồng - mẹ ông Tùng nhiều lúc nghĩ lại, bà tiếc thay cho đứa con đã thừa hưởng trọn vẹn tình yêu rừng của bà.

"Tuổi già về rừng ở được, tuổi trẻ thì mất thanh xuân. Như thằng Tùng, ở rừng mãi chẳng đi đâu", bà Hồng nói.

Từ khi bà về hưu và giao khoán rừng cho ông Tùng năm 2011, hai mẹ con ít gặp hơn bởi ông bám chốt 24/7. Lúc nào ông cũng lo nếu rời đi lâu, có chuyện sẽ không kịp xử lý. Những lúc bà Hồng nhớ rừng, ông chạy vỏ lãi lên xã Tam Thôn Hiệp - cách nhà gần 10 km, rước mẹ về rừng chơi, ôn lại chuyện cũ, cập nhật tình hình của cánh rừng họ từng chăm sóc.

Gia đình ông Tùng trong đám cưới của Mỹ Linh - con gái thứ hai.

Gia đình ông Tùng trong đám cưới của Mỹ Linh - con gái thứ hai.

Bà Đinh Thị Hồng (75 tuổi), thế hệ đầu tiên trồng và giữ rừng Cần Giờ.

Bà Đinh Thị Hồng (75 tuổi), thế hệ đầu tiên trồng và giữ rừng Cần Giờ.

Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ Cao Huy Bình kể, thế hệ đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ khu rừng đã tự tay gieo trồng, nên họ truyền tình yêu ấy cho con cái để tiếp tục giữ rừng. Nhưng sau lứa của ông Tùng, những người trẻ hầu hết có xu hướng muốn ra thành phố. Ông Bình lo ngại cuộc sống thiếu tiện nghi sẽ khiến lớp trẻ bỏ rừng.

"Giờ có nguy cơ thiếu thế hệ thứ ba giữ rừng. Năm mười năm sau, tôi nghĩ việc giữ rừng sẽ rất khó khăn", ông lo lắng.

Hơn 6 năm nữa, ông Tùng sẽ tới tuổi hưu. Ông đã tính giao lại hợp đồng khoán cho Duy Linh (20 tuổi), giống như mẹ đã giao rừng cho ông trước đó.

Từ nhỏ, cậu con trai út mắc hội chứng chậm phát triển trí tuệ, ảnh hưởng đến việc học, khó hòa nhập với bạn bè. Hết cấp một, ông Tùng đón con về lại rừng ở với ba mẹ. Từ đấy, thấy Linh dường như khoẻ hơn, ông nghĩ rằng con cũng giống mình, hợp sống với hơi rừng hơn hơi phố.

Ông từng bước truyền nghề cho con. Thỉnh thoảng, cậu cùng cha tham gia các chuyến tuần tra để làm quen với công việc, học thêm về rừng.

Phút ngẫu hứng của ông Tùng bên cây guitar, từng là vật bất ly thân trong mỗi chuyến đi rừng.

Phút ngẫu hứng của ông Tùng bên cây guitar, từng là "vật bất ly thân" trong mỗi chuyến đi rừng.

Duy Linh - thế hệ thứ ba - trong căn phòng ngủ của gia đình, chờ cha đi tuần tra về.

Duy Linh - thế hệ thứ ba - trong căn phòng ngủ của gia đình, chờ cha đi tuần tra về.

Buổi chiều rảnh, ông Tùng thường lấy cây đàn cũ, chỉ còn 5 dây, chơi theo quán tính một điệu cải lương không tên. Cây đàn nhắc ông về thời trẻ, về những đêm văn nghệ, trăng soi sáng rừng.

Mỗi lần nghe tiếng đàn của cha, Duy Linh lại dừng mọi việc, lắng nghe như nuốt từng giai điệu. Dạo gần đây, cậu đã bắt đầu xin cha chỉ học đàn, nhưng vẫn chưa thể gảy được một điệu nhạc hoàn chỉnh. Cả hai cha con đều không giỏi nói. Ngoài chuyện về rừng, âm nhạc là cách họ giao tiếp, bầu bạn.

Nhìn Duy Linh, ông Tùng thấy thời trẻ của mình hiện lên ở một hình hài mới, như mầm đước đang đâm chồi sau mưa.

"Sau này cha mẹ về hưu, bây ráng giữ cái nghề truyền thống của nhà mình, đừng để thui chột", ông Tùng tâm sự với Linh về mong ước của mình, tin rằng khu rừng sẽ bao bọc con như đã bảo vệ ông cả cuộc đời.

Ông Tùng trong chuyến tuần tra rừng tại khu 6B, tháng 7/2024.

Ông Tùng trong chuyến tuần tra rừng tại khu 6B, tháng 7/2024.

Nội dung và Ảnh: Phùng Tiên
Video flycam: Thành Nguyễn
Thiết kế: Đăng Hiếu - Thanh Hạ

Theo vnexpress.net
https://vnexpress.net/doi-giu-rung-can-gio-4777103.html?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
Copy Link
https://vnexpress.net/doi-giu-rung-can-gio-4777103.html?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nửa thế kỷ giữ rừng Cần Giờ - P2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO