.Kinh tế: Đây chính là là mối quan tâm lớn nhất của các cử tri Mỹ trong lần bầu cử giữa kỳ này, theo kênh CNBC.
Kinh tế Mỹ trong hai năm đầu dưới sự lãnh đạo của ông Biden có nhiều khởi sắc với tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức 3,5% (bằng lúc trước đại dịch COVID-19) và tăng trưởng GDP đạt 5,7% trong năm 2021 (mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1984), theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ. Điều này một phần nhờ vào việc nền kinh tế Mỹ hoạt động bình thường trở lại sau thời gian đóng cửa vì đại dịch.
Tuy nhiên, càng gần đến bầu cử giữa kỳ, những con số về lạm phát, giá tiêu dùng, giá nhiên liệu lại đang không ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân chủ.
Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13-10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 loại trừ mặt hàng năng lượng và lương thực ở Mỹ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Theo CNBC, mặc dù mức thu nhập theo giờ ở Mỹ tăng 5% trong tháng 9 so với năm trước nhưng vẫn chưa đủ để theo kịp mức lạm phát.
Giáo sư Stephen Ansolabehere, chuyên gia về bầu cử và chính trị tại Đại học Harvard nói với CNBC rằng thay đổi về thu nhập cá nhân là một trong những yếu tố dự đoán kết quả bầu cử đáng tin cậy nhất.
Ông nói: “Mặc dù thu nhập đang tăng lên, nhưng xét về mặt thực tế thì lạm phát đang kéo nó xuống. Điều này tác động tiêu cực đến đảng Dân chủ”.
Thêm vào đó, các cử tri và giới chuyên gia không cảm thấy lạc quan về khả năng chống lại tình trạng suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế của hãng Bloomberg gần đây dự đoán xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 100%. Và chưa đến 1/3 số cử tri kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện trong năm tới, theo một cuộc thăm dò của CNBC.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một cuộc vận động cử tri ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico ngày 3-11. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
. Chia rẻ nội bộ: Thời điểm ông Biden đắc cử trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, giới chuyên gia đã nhận định rằng ông sẽ phải đối mặt với một nước Mỹ phân cực nhất mọi thời đại. Đó là: niềm tin của người dân với chính phủ sụt giảm do số ca tử vong do COVID-19 cao khủng khiếp, chia rẽ đảng phái sâu sắc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa đơn cực phát triển dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump làm sâu sắc thêm những rạn nứt hiện có...
Tổng thống Biden nhận thức rõ những vấn đề này. Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20-1-2021, ông nói: “Tôi biết nói về sự thống nhất đối với một số người có thể giống như một điều viển vông. Tôi biết đang tồn tại những thế lực chia rẽ sâu sắc chúng ta”, và ông kêu gọi “đưa nước Mỹ xích lại gần nhau”.
Tuy nhiên, tờ The Telegraph nhận định rằng có lẽ sau hơn một năm cầm quyền, Tổng thống Biden đã “lãng quên” “lời cam kết long trọng về thống nhất đất nước” khi những chia rẽ không được hàn gắn mà càng trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, cuộc khảo sát toàn quốc ngày 2-11 của Reuters/Ipsos cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Biden là 40%, một con số được đánh giá là khá thấp và khiến nhiều người dự đoán về một kết quả không mấy tích cực cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Sự chia rẽ đảng phái vẫn tiếp tục đe dọa nền dân chủ Mỹ. Trước thềm bầu cử giữa kỳ, một số đảng viên Cộng hòa cho biết sẽ không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử nếu họ thất bại. Việc này khiến Tổng thống Biden ngày 2-11 phải lên tiếng cảnh báo về một “con đường dẫn đến hỗn loạn” đối với nước Mỹ.
Phát biểu tại nhà ga Union Station ở thủ đô Washington D.C. vào ngày 2-11, ông nói: “Điều này chưa từng có tiền lệ và là bất hợp pháp. Bạn không thể yêu đất nước của mình chỉ khi bạn giành chiến thắng”.
Tờ The Washington Post đánh giá thông điệp trên của ông Biden là “chưa từng có đối với một tổng thống. Đó là lời cầu xin người Mỹ chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ”.
.Về đối ngoại: Tổng thống Biden được đánh giá cao bởi nỗ lực khôi phục vị thế toàn cầu của Mỹ sau thời gian “bế quan” do chính sách “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump.
Với định hướng “nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ”, ông Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập nhiều hiệp ước và tổ chức quốc tế.
Ông cũng đã củng cố và hiện đại hóa quan hệ với các đồng minh, đối tác truyền thống của Mỹ đồng thời thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, thái độ của Mỹ với Trung Quốc dưới thời ông Biden cũng cởi mở hơn so với thời của người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, ngoại giao vẫn là vấn đề khiến ông Biden phải đau đầu.
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8-2021 của Tổng thống Biden vấp phải nhiều tranh cãi, làm lung lay niềm tin của người dân trong nước cũng như các đồng minh với chính quyền của ông.
Nhiều người đánh giá cuộc xung đột Nga-Ukraine chính là cơ hội thứ hai để Tổng thống Biden chứng tỏ với người dân Mỹ và các đồng minh, đối tác về các cam kết của Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Biden bắt đầu “lo lắng” về cam kết của Mỹ với Ukraine do sự ủng hộ của đảng Cộng hòa với khoản viện trợ của Washington cho Kiev bắt đầu suy giảm.
Ở châu Á, sau nhiều tháng im ắng, CHDCND Triều Tiên gần đây khuấy động tình hình bằng hàng loạt vụ phóng tên lửa, khiến Mỹ và các đồng minh trong khu vực phải liên tục tìm cách “răn đe”. Nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng không đạt kết quả, những lời đồn đoán gần đây về việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine đã làm xấu thêm quan hệ Washington-Tehran.
Gần đây, quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Saudi Arabia cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) mà Saudi Arabia đứng đầu.
Nhìn chung, hai năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden chứng kiến cả những điểm sáng lẫn những khó khăn. Khi cuộc bầu cử giữa kỳ đã cận kề, nhiều người quan tâm về viễn cảnh hai năm tại vị còn lại của ông nếu đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội.