Đây là danh sách xếp hạng được đưa ra bởi nhóm nhà khoa học của GS John P.A.Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ), xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus. Bảng xếp hạng được Nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố, chọn ra nhóm các nhà khoa học thuộc top 100 người dẫn đầu, top 10.000 và 100.000 người có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất (trên tổng số 200.409 nhà khoa học trong cơ sở dữ liệu).
“Nhiều người nhìn cuộc sống hiện tại nói cuộc đời tôi bằng phẳng và toàn màu hồng mà không biết để có được điều đó, tôi từng trải qua giai đoạn bị tụt lại phía sau. Nước mắt rơi không ít rồi tự nhủ lòng mình phải nỗ lực 200%”, nữ tiến sỹ 34 tuổi đang là Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture năm thứ 2 - nói.
TS Lê Thái Hà.
Nỗ lực không ngừng
Năm 2006, sau khi giành học bổng toàn phần từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Lê Thái Hà hào hứng khi lần đầu tiên được ra nước ngoài. Nhưng, mọi thứ không “màu hồng” như chị nghĩ. Những ngày đầu, chị chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường rồi về phòng. Khó khăn lớn nhất là vượt qua nỗi nhớ nhà. Chị khóc nhiều, liên tục gọi điện và viết thư gửi về gia đình.
Học ngành Kinh tế, nhưng kiến thức về lĩnh vực kinh tế của chị chỉ dừng ở những bản tin truyền hình xem cùng bố mẹ ở nhà, trong khi nhiều bạn đã học về kinh tế từ thời THPT. Vốn tiếng Anh kém, chỉ nghe hiểu được một phần bài giảng trên lớp khiến chị gặp không ít khó khăn.
Học kỳ đầu tiên ở bậc đại học kết thúc với kết quả không như kỳ vọng. Nữ sinh gốc Hà Nội bắt đầu lên kế hoạch chạy đua, mục tiêu lọt vào tốp học sinh hàng đầu của lớp ở các học kỳ tiếp theo. Trong khi bạn bè đăng ký khoảng 5 môn học mỗi kỳ, thì chị học 6 - 7 môn.
Từ năm thứ ba đại học, nhờ thành tích xuất sắc, Thái Hà được tham gia chương trình URECA (chương trình nghiên cứu dành cho sinh viên trong top 5% của khóa). Chị có thêm kinh nghiệm và thuận lợi hơn các bạn cùng khóa ở bậc sau đại học.
Theo quy định của trường, sinh viên khoa Kinh tế phải làm khóa luận theo nhóm ba người. Nhưng với mong muốn chủ động và tiết kiệm thời gian, Thái Hà viết đơn xin làm khóa luận một mình vì đã học gần hết tín chỉ, đạt điểm số cao và có kinh nghiệm viết nghiên cứu.
Hoàn thành chương trình đại học sau ba năm rưỡi, lọt top 5% sinh viên xuất sắc của Đại học Công nghệ Nanyang, 8x tiếp tục nhận được học bổng toàn phần bốn năm học thẳng lên bậc tiến sỹ và là người trẻ nhất trong nhóm nghiên cứu sinh. Chị chọn lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường, vì môi trường là thứ tác động đến con người hàng ngày.
Thành tích học tập xuất sắc, kinh nghiệm 2 năm nghiên cứu khoa học, nhưng khi học tiến sỹ, chị bỗng thấy hụt hẫng. Ở đại học, khi đăng ký môn tự chọn, chị chọn ngoại ngữ thay vì các môn cao cấp liên quan đến Toán và Kinh tế lượng. Vì thế, khi bỏ qua bậc thạc sĩ, chị thấy bản thân thiếu hụt nhiều kiến thức nền liên quan đến hai môn học này.
Chị hoang mang trong 2 tuần đầu tiên học Toán kinh tế, Kinh tế lượng ở mức độ khó và nghĩ không biết có thể hoàn thành chương trình đúng hạn không. Từng học chuyên Toán nhiều năm, nhiều lần góp mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi và giành giải thưởng, nên chị không hài lòng về bản thân. Cô gái trẻ cũng lo lắng khi nghĩ tới sự kỳ vọng của gia đình, những lời chúc mừng khi biết chị được học vượt lên bậc tiến sỹ.
Hà quyết định "đóng cửa" để đọc sách, quyết tâm bổ sung kiến thức bị hổng. Gần nửa tháng sau đó, chị gần như không liên hệ với gia đình. "Tôi nghĩ không thể bỏ cuộc như thế được. Tôi vẫn tin nếu cố gắng thì sẽ làm được", chị nói.
Nhờ quen với cường độ và áp lực học trường chuyên từ thời phổ thông, chị có được sự tập trung cao độ, "nhồi" được khối lượng lớn kiến thức vào đầu. Nút thắt tâm lý thực sự được tháo gỡ trong một lần thầy giáo môn Toán kinh tế chia sẻ vấn đề đang bị tắc trong nghiên cứu với học viên. Cô học trò thử sức và tìm ra nghiệm đúng. Từ đó, chị không còn sợ môn của thầy nữa. Thầy giáo càng quý và tin tưởng chị.
Thái Hà bắt đầu tìm đọc những bài nghiên cứu hay, đi nghe những buổi chia sẻ của các giáo sư. Ngay năm đầu làm tiến sỹ, chị mong muốn được viết các bài báo khoa học dù GS Gu QingYang - người trực tiếp hướng dẫn chưa kỳ vọng nhiều. Sau khi gửi bài tới hội nghị kinh tế lớn nhất Singapore (Singapore Economic Review Conference) và được mời trình bày, cô gái Việt khiến thầy hướng dẫn tự hào và bắt đầu được các giáo sư khác trong trường chú ý.
Sang năm thứ hai, với điểm số cao nhất khóa cùng hai bài báo khoa học được chấp nhận đăng (với vai trò là tác giả chính), chị sẵn sàng để tốt nghiệp. "Biết tôi bảo vệ luận án tốt nghiệp sớm, chỉ sau hai năm, lại về lĩnh vực Kinh tế năng lượng, bạn bè rất ngạc nhiên vì ở trường chưa có tiền lệ này", Thái Hà nói và cho biết đây là lĩnh vực mới trong kinh tế, đặc biệt ở thời điểm chị học tiến sỹ.
Không chỉ gây bất ngờ về thời gian hoàn thành khoa học, luận án của Thái Hà được đánh giá cao, điểm số cao nhất khóa 4.92/5 - kỳ tích chưa từng xảy ra ở Đại học Công nghệ Nanyang. Khi đó, chị mới 24 tuổi.
"Tôi cảm thấy bản thân được sinh ra để làm nghiên cứu. Tôi làm mà không thấy chán. Cũng có lúc mệt mỏi nhưng khi bài nghiên cứu được chấp nhận, cảm giác rất sung sướng, không còn nghĩ gì đến khó khăn trước đó nữa", Thái Hà chia sẻ.
TS Lê Thái Hà.
Niềm vui khi nghiên cứu khoa học
Quyết định về Việt Nam sau khi nhận bằng tiến sỹ (năm 2013), Thái Hà bắt đầu giảng dạy tại Đại học RMIT, sau đó là Đại học Fulbright, đồng thời, chị còn làm nghiên cứu. Tháng 4/2022, Thái Hà nhận nhiệm vụ quản lý tại VinFuture. Dù môi trường, đặc thù công việc thay đổi hoàn toàn từ giảng dạy sang điều hành, nhưng chị vẫn luôn cố gắng dành thời gian cho nghiên cứu khoa học. Chị coi việc nghiên cứu là cách để thư giãn, giải tỏa những áp lực trong công việc và cuộc sống.
Đằng sau những bài báo công bố xuất bản thành công là rất nhiều bài chị gửi đi bị từ chối, thất bại. Thông thường, tỷ lệ bài được chấp thuận bởi các tạp chí khoa học uy tín nằm trong danh mục ISI chỉ trên dưới 10%. Chị định nghĩa công thức thành công trong nghiên cứu khoa học của mình là nhờ sự chăm chỉ và cần mẫn theo đuổi đam mê.
Chị còn hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên thạc sỹ và hỗ trợ họ trong các cơ hội học bổng, đi học tiếp. Chứng kiến họ thành công, chị hạnh phúc như thành công của chính mình.
Niềm vui của nữ tiến sỹ là những lúc rảnh rỗi được ở bên chồng và cô con gái 5 tuổi, tự đi chợ mua đồ chế biến món ăn cho con hay đi thăm bố mẹ hai bên, đi du lịch.
Câu nói của Benjamin Franklin, chính trị gia kiêm nhà khoa học nổi tiếng: "Let all your things have their places; let each part of your business have its time" (Tạm dịch: Sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc theo thời gian dành riêng) là phương châm sống của nữ tiến sỹ trẻ. Chị quan niệm, nếu biết sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc hợp lý thì có thể làm được nhiều việc và vẫn có cuộc sống cân bằng.
Là đồng tác giả một số nghiên cứu với TS Lê Thái Hà, GS Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Australia) nói, TS Lê Thái Hà là một trong những đại diện xuất sắc nhất của làn sóng mới với các nhà kinh tế trẻ và có năng lực ở Việt Nam. GS Bình ấn tượng về sự vượt trội của Lê Thái Hà khi chị có khả năng nghiên cứu nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Ông cũng ngưỡng mộ sự kiên trì, quyết tâm nghiên cứu và sự thân thiện của nữ tiến sỹ.
TS Lê Thái Hà có hơn 70 bài báo nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng. Tất cả các bài báo nghiên cứu khoa học của chị đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*.
Chị cũng là đồng chủ biên của một xuất bản sách độc lập và tham gia 9 công trình sách với tư cách là đồng tác giả của các chương do các nhà xuất bản uy tín trong giới nghiên cứu học thuật ấn hành.
Bảng xếp hạng của dự án Nghiên cứu kinh tế RePEC công bố tháng 6/2021 xếp hạng Lê Thái Hà đứng thứ 3 về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay.