Khủng hoảng tinh thần về tin đồn thất thiệt
Những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội lan truyền video nhạy cảm về "nữ tiếp viên hàng không đi tour ngàn đô", "chị Hằng 10 phút"… kèm hình ảnh của Phan Quế Chi, 27 tuổi, tiếp viên hàng không của một hãng bay Việt Nam.
Hình ảnh cá nhân của cô còn bị phát tán trong các nhóm kín về "tuyển chân dài toàn quốc".
Trước đó, Quế Chi gây "sốt" mạng xã hội khi hóa thân chị Hằng đón Trung thu cùng hành khách trên chuyến bay Hà Nội - Đà Nẵng ngày 27/9.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Quế Chi bức xúc khi nhiều trang mạng xã hội trên các nền tảng liên tục đăng tải thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự và uy tín của cô.
Nữ tiếp viên hàng không cho biết thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng hình ảnh cá nhân của cô nhằm dụ dỗ người xem tò mò nhấp chuột vào những đường liên kết chứa video nhạy cảm.
Một số hội nhóm lừa đảo còn yêu cầu người dùng đóng tiền để xem video hoặc chia sẻ những đường liên kết chứa virus nhằm "đánh cắp" tài khoản, thông tin cá nhân.
"Những tin đồn này xuất hiện từ đầu tháng 10, khiến tôi bị khủng hoảng tinh thần, stress và mất ngủ. Mỗi ngày, tôi nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn… Cuộc sống chưa thể bình thường trở lại", Quế Chi nói.
Anh Nguyễn Quốc Đạt, công tác trong lĩnh vực truyền thông - xây dựng thương hiệu, đã hỗ trợ Quế Chi làm việc với các trang, hội nhóm đưa tin sai sự thật. Một vài trang Fanapage với lượng theo dõi lớn sau đó đã xóa video liên quan đến nữ tiếp viên hàng không.
"Tôi cung cấp các dữ liệu sai sự thật, hậu quả và các chế tài xử phạt. Với những trường hợp bất chấp, tôi can thiệp bằng một số kĩ thuật digital (kỹ thuật số)", anh Đạt nói.
Theo anh, các video "rác" như thế này trên mạng xã hội đã thu hút hàng triệu lượt xem, phủ rộng lượng tiếp cận.
Các đối tượng thường lừa đảo theo ba hình thức. Một là, cắt ghép ảnh, video "hot girl" để bêu xấu, "câu" lượt xem bằng cách tạo đường liên kết độc, sau đó tung lên hội nhóm. Khi người dùng nhấp chuột vào đường liên kết đó, sẽ bị mã độc tấn công gây mất dữ liệu, mất các tài khoản mạng xã hội.
Hai là, đối tượng "hack" tài khoản Facebook các nghệ sĩ, người nổi tiếng, kêu gọi từ thiện giả, mượn tiền.
Ba là, phục vụ cho mục đích hãm hại bằng các video kích thích tò mò của dư luận (như trường hợp của Quế Chi) gây ảnh hưởng công việc và cuộc sống của nạn nhân.
"Chỉ có chế tài, hình phạt nghiêm khắc mới ngăn chặn được các đối tượng này", anh Đạt cho hay.
Gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết lợi dụng sự phát triển của công nghệ, nhiều đối tượng dùng hình ảnh cá nhân của người khác để gán ghép, dụ dỗ người dùng mạng xã hội xem các nội dung nhạy cảm. Các đối tượng thường sử dụng nhiều hình thức và chiêu trò khác nhau.
"Điều này không những làm xấu hình ảnh cá nhân, vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội, mà đặc biệt còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, đời sống của nạn nhân", ông Tiền nói.
Theo luật sư, khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Nếu sử dụng hình ảnh của người khác chưa được sự cho phép nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín; làm ảnh hưởng đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân, thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 10-20 triệu đồng.
Đối tượng thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt cao nhất là 5 năm tù.
Trong trường hợp người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự.
Khi có bằng chứng cho thấy hình ảnh cá nhân bị xâm phạm, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo kèm chứng cứ (số điện thoại, thông tin, hình ảnh…) đến cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ.
"Nạn nhân cũng có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, buộc chủ thể vi phạm hoặc các các nhân, tổ chức có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại (nếu có)", ông Tiền cho hay.
Luật sư khuyến cáo mỗi cá nhân khi đăng tải bất cứ thông tin, hình ảnh nào lên mạng xã hội, cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt những người có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội.
"Mạng xã hội là ảo, nhưng trách nhiệm pháp lý là thật. Mỗi cá nhân hãy học cách sử dụng mạng xã hội một cách thông thái, văn minh và hiệu quả", ông Tiền nói.
Sau sự cố, Quế Chi cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tố cáo những người xúc phạm cô trên mạng xã hội.
"Không riêng tôi mà bất kỳ ai đều có khả năng bị xâm phạm và bôi nhọ hình ảnh. Tôi mong muốn giảm thiểu và ngăn chặn các nạn nhân bị xúc phạm vô căn cứ", Quế Chi nói