Nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt: Vì sao giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát dễ dàng như vậy?

19/04/2023 22:03
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một nữ sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh tự tử do bị đánh, ngược đãi và áp đảo tâm lý. Vụ việc này nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Vấn đề ở đây liệu có phải giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát quá dễ dàng, thể hiện sự yếu đuối, bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn, đối chọi với khó khăn trong cuộc sống?

Sau ồn ào liên quan đến việc nữ sinh lớp 10 tại trường THPT chuyên Đại học Vinh tự vẫn nghi do bạo lực học đường, nhiều người đã vào fanpage trên Facebook của nhà trường và thả “phẫn nộ” khiến fanpage đã phải tạm khóa.

Vụ việc này cũng nhận được rất nhiều sự chia sẻ trên các trang mạng. Nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó có nêu vấn đề, liệu có phải giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát quá dễ dàng, thể hiện sự yếu đuối, bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn, đối chọi với khó khăn trong cuộc sống?

Nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt: Vì sao giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát dễ dàng như vậy?-1

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà: Có nhiều đứa trẻ đang tổn thương

PV: Bà nghĩ gì trước sự việc nữ sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bị đánh, ngược đãi và áp đảo tâm lý?

Thạc sĩ Tâm lý Vũ Thu Hà: Một người có ý định tự sát vì người đó ở trong nỗi đau rất lớn, rất lâu rồi và không biết cách giải quyết thế nào với nỗi đau đấy. Khi ở trong nỗi đau ấy thì suy nghĩ tiêu cực nhiều, họ cảm thấy nhiều nỗi thất vọng, thất bại. Họ muốn chết và cái chết chính là cách chấm dứt nỗi đau. Vì vậy, khi các bạn ấy mong muốn hướng tới cái chết thì chứng tỏ vấn đề tinh thần rất kiệt quệ và kéo dài sự chịu đựng chứ không phải lúc đó chuyện mới xảy ra. Vì vậy, vấn đề bạn ấy bất ổn một thời gian kéo dài và bạn ấy không biết phải giải quyết thế nào và đã tìm đến cái chết.

Theo tôi, ở đây không chỉ là vấn đề thiếu kĩ năng giải quyết và đối diện với khó khăn nữa mà vấn đề tinh thần của bạn ấy đã không dám chia sẻ, nói ra những vấn đề của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ. Đến lúc đỉnh điểm không thể chịu đựng được thì các bạn đã hành động như vậy.

Việc tìm đến cách giải thoát cho mình là do nỗi đau về mặt tinh thần mà không được trao đổi và không được chia sẻ.

PV: Là một nhà tâm lý, bà có lời khuyên gì sau sự việc nữ sinh quyên sinh?

Thạc sĩ Vũ Thu Hà: Tôi lo ngại vì sau câu chuyện này dấy lên một làn sóng dư luận vì vậy tôi muốn chia sẻ với các cha mẹ cần lưu ý trong thời gian này vì rất có thể con của chúng ta học theo và cần có sự trao đổi thẳng thắn với con.

Hãy nhìn đơn giản là nỗi đau thì cần được chia sẻ. Khi các con được chia sẻ, thay đổi cách nhìn nhận về bản thân thì con gặp vấn đề gì cũng có thể hỗ trợ được.

Tôi nghĩ, cha mẹ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự trưởng thành của đứa trẻ; chưa kể khi đứa trẻ có vấn đề về tinh thần thì bố mẹ lại càng quan trọng hơn vì sẽ là người đồng hành với con để con vượt qua trạng thái, cảm xúc tiêu cực.

Bố mẹ cần bên con

Nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt: Vì sao giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát dễ dàng như vậy?-2

Vấn đề đặt ra là trường hợp học sinh vào con đường cùng thì gia đình, nhà trường rút ra bài học gì? Ở trường hợp này em nữ sinh đã bộc lộ mình bị cô lập, bị bạo lực. Em đã bộc lộ với cha mẹ, gia đình em đã tìm nhà trường nhưng cách ứng xử của nhà trường không kịp thời, không đúng cách.

Việc giải quyết bạo lực học đường cho học sinh là không được lơ là và vấn đề giải quyết khủng hoảng tâm lý cho học sinh là việc cần giải quyết cấp bách, không được lơ là. Nếu nhà trường không có phòng tư vấn học đường thì phải tìm chuyên gia giỏi để tư vấn cho các em.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội

PV: Có luồng ý kiến cho rằng những hành động thái quá, thậm chí điên rồ là do các bạn tuổi teen bị ảnh hưởng khi xem quá nhiều những thông tin tiêu cực tự sát, ám ảnh từ điện ảnh, mạng xã hội...bà nghĩ gì về điều này?

Thạc sĩ Vũ Thu Hà: Điều này hoàn toàn có. Trong quá trình làm việc của tôi với các trường hợp cần tư vấn, nhiều con chia sẻ đều tìm hiểu về cách tự sát và thường là chọn thời điểm của tự sát. Và các con đọc thông tin ở đâu đó rồi và có cách rồi, chỉ là khi nào các con sẽ thực hiện mà thôi. Một đứa trẻ tự sát thì chúng đã tìm hiểu thông tin về tự sát nhiều rồi. Trẻ đã biết đâu đó có thông tin tự sát và coi đó là chỗ dựa và khi đó, người tự sát là người chỉ dẫn thậm chí là thần tượng của trẻ. Anh ý giải thoát được thì tại sao mình lại không và trẻ sẽ muốn được như vậy.

Vì vậy, ngay cả khi con cũng nói về điều đó, dự cảm, chia sẻ người này, người kia tự sát thì bất kể dấu hiệu nào liên quan việc con nói về tự sát, hay nói câu “con không muốn sống nữa” thì ngay lúc đó bố mẹ cần nắm bắt thông tin của con và trò chuyện với con.

PV: Vậy xin bà cho biết những dấu hiệu nào để nhận ra con mình đang gặp phải vấn đề về tâm lý cần chia sẻ để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra?

Thạc sĩ Vũ Thu Hà: Một cách quan trọng nhất, bố mẹ phải nhận biết được con của mình qua hoạt động thường ngày. Khi các con bị đau khổ hay có vấn đề không thể giải quyết được thì các con rơi vào trạng thái mệt mỏi, không có lối thoát, đôi khi nói lời tiêu cực, không cảm thấy ý nghĩa trong học tập, thu mình, không muốn tương tác, giao tiếp, khó khăn ăn, khó khăn ngủ,… Khi có những biểu hiện đó bố mẹ cần nói chuyện với con và tìm cách hỗ trợ con. Nếu bố mẹ không biết nói chuyện với con thì bố mẹ cần sự chia sẻ với người khác, bạn bè, các chuyên gia để tìm cách tiếp cận cũng như hỗ trợ con.

PV: Xin bà nói rõ thêm cách để phụ huynh có thể chia sẻ những vấn đề của con?

Thạc sĩ Vũ Thu Hà: Tôi nghĩ đơn giản ở tuổi vị thành niên này thì bố mẹ cần có mặt hơn là cách bố mẹ phải nói. Nhiều lúc chỉ là cần ăn cùng nhau một bữa cơm, làm cùng nhau một điều gì đấy, hỏi han con thế nào, nói chuyện vô thưởng vô phạt đấy cũng là cách tương tác.

Tóm lại là bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con để có thể cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của con.

Nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt: Vì sao giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát dễ dàng như vậy?-3

TS tâm lý Trần Thành Nam: Vụ việc đã được xử lý không đến nơi, đến chốn.

Vụ việc đã được xử lý không đến nơi, đến chốn. Với các vụ bạo lực, không thể gặp kẻ bắt nạt, nói vài câu hòa giải hoặc chỉ trích trừng phạt, thậm chỉ chuyển kẻ bắt nạt đi là xong. Không phải như vậy, nhiều khi cách làm nửa vời đó chỉ làm cho kẻ bắt nạt thêm ấm ức và hành vi bắt nạt đi vào bí mật với nhiều hành vi leo thang hơn mà thôi. Nhà trường chỉ làm việc với kẻ bắt nạt cũng không giải quyết được vấn đề. Sau khi tiết lộ, nếu sự việc không được giải quyết, bạo lực vẫn tiếp diễn thì sẽ làm cho nạn nhân cảm thấy tuyệt vọng không còn lối thoát. Thấy hối hận vì mình đã nói ra sự việc cho cả gia đình, cả nhà trường mà cũng không ai có thể giúp mình. Ngược lại, tình hình của mình còn trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những suy nghĩ, diễn biến tâm lý như vậy có thể là những cú hích cuối cùng dẫn đến những lựa chọn rất cực đoan kết thúc cuộc sống của mình từ các bạn trẻ.

TS Vũ Thu Hương: Con phải là người tự chủ xử lý

Trước khi chúng ta lo xử lý, ứng phó với bạo lực học đường, cha mẹ cần giáo dục con cách sống hòa đồng với bạn bè. Con cần biết chia sẻ, cảm thông và tôn trọng bạn. Nếu con có tính cách gì xấu, khó ưa, chúng ta cần xử lý để cộng đồng chấp nhận và yêu thương con. Con có nhiều bạn bè thì cũng ít nguy cơ bị bắt nạt hơn là khi con sống cô độc, ít bạn, ít giao tiếp.

Cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con, để cho con trút hết tâm tư suy nghĩ, bực bội. Tuy nhiên, con phải là người tự chủ xử lý. Bố mẹ động viên con tìm phương án xử lý và tự mình xử lý.

Chúng ta rất cảm thông và thương các con nhưng bố mẹ rất cần dũng cảm để các con tự xử lý. Các con cần tự xử tất cả những vấn đề dù nhỏ xíu thì các con sẽ mạnh mẽ hơn. Các vấn đề kể cả các công việc nhà, các trách nhiệm cá nhân đến các khó khăn như bài tập khó, kì thi,…. mỗi lần con vượt qua được, bản lĩnh của con sẽ được nâng cao. Đến khi gặp các khó khăn như bị bắt nạt hay cô lập, con sẽ vượt qua dễ dàng hơn.

Các con sẽ đối diện với cảm giác bất an sợ sệt vì không chắc ngày hôm nay đi học, con có gặp bất trắc gì không. Với các bạn yếu đuối, cảm giác này đeo bám có thể khiến các con bị trầm cảm. Khi áp lực tâm lý quá lớn, các con sẽ khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Vì thế, hoàn toàn có thể có các câu chuyện đau lòng xảy ra.

Điều quan trọng nhất là người bị bắt nạt phải tự đối mặt và vượt qua, vậy chúng ta cần trang bị cho con cái những kĩ năng gì để có một sức khoẻ tâm lý vững vàng, để có thể phòng ngừa việc bị bạo lực học đường?

Cung cấp kiến thức để con hình thành thói quen vệ sinh sức khỏe tâm thần.

Dạy nâng cao năng lực số để quản lý hành vi bắt nạt trên không gian mạng.

Dạy kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề cho con, rà soát các ý tưởng tự hại hoặc tự sát.

Dạy kỹ năng ứng phó với bạo lực trực tiếp (bình tĩnh và tự tin, nói dừng lại, nếu đi quá giới hạn sẽ báo cáo; tự bảo vệ bản thân, tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh, ghi lại chứng cứ) và trực tuyến (không phản hồi, lưu bằng chứng; chặn, báo cáo) một cách đúng đắn.

Theo Tiền Phong

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt: Vì sao giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát dễ dàng như vậy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO