Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: 'Em không dám đến trường nữa'

07/12/2020 10:09

Sau mọi chuyện diễn ra, em không dám đến trường nữa. Em tìm đến cái chết vì muốn thay đổi suy nghĩ của thầy cô, không muốn ba mẹ phiền lòng'.

Liên quan đến sự việc em NTNY, học sinh trường THPT Vĩnh Xương, An Giang nghi uống thuốc tự tử, để lại thư nêu lý do tìm đến cái chết vì bị cô giáo “bạo lực tinh thần”, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) đang tiếp nhận điều trị cho em.

Sốc khi bị nêu tên dưới cờ

Hiện tại, em Y. được chăm sóc tại Khoa Nội tổng hợp của BV với tình trạng sức khỏe ổn định. Ngồi trên giường bệnh, sắc mặt của Y. khá nhợt nhạt. Y. khẳng định mình cố tình uống thuốc tự tử để giải thoát áp lực bị “bạo lực tinh thần”.

Y. kể em là học sinh giỏi suốt 9 năm liền. Lên lớp 10, ban đầu em học lớp giỏi nhưng sau đó do em bị bệnh hen suyễn, sức khỏe yếu nên gia đình xin chuyển xuống lớp trung bình.

Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: 'Em không dám đến trường nữa'
Em NTNY (trái) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Vào trước thời điểm 20-11, nhà trường tổ chức lớp học phụ đạo, yêu cầu các học sinh đăng ký học các môn. Vì lý do sức khỏe nên Y. chỉ đăng ký môn Anh Văn trong 6 môn và có nói rõ với giáo viên chủ nhiệm.

Tuy nhiên, đến khi đi đóng tiền học thì cô thủ quỹ tỏ thái độ khó chịu, nói rằng phải học tất cả các môn và báo lên ban giám hiệu giải quyết. Cùng ngày, cô chủ nhiệm cũng gọi em đến nói chuyện riêng. “Cô nói em học một môn hay học hết đi nữa cũng phải đóng tiền”, Y. kể.

Sau đó, theo Y., cô giáo chủ nhiệm thỉnh thoảng lên lớp nói dạng ám chỉ có một bạn trong lớp gây ảnh hưởng mất đoàn kết và Phó Hiệu trưởng hay kêu em lại hoặc vào phòng nói chuyện.

Y. đã về nhà nói với ba mẹ để lên làm việc với thầy hiệu trưởng. “Sau khi trình bày lý do, thầy yêu cầu phải viết bản cam kết cuối năm em phải là học sinh giỏi, không được học sinh khá hay trung bình”, Y. kể lại.

Sau đó, một hôm gia đình bận việc, không có ai đưa đi học, em phải chạy xe phân khối lớn đến trường. Cô biết chuyện, gặp và bắt em viết tự kiểm về việc chạy xe quá phân khối.

“Trong thời gian em viết kiểm điểm, cô luôn đi xung quanh, cằn nhằn và nói : “Gần tới 20-11, em tặng tôi món quà bất ngờ, để tôi bị nói này kia”. Khi đó, em giải thích: “Chuyện học phụ đạo gia đình đã vào làm việc với hiệu trưởng. Thế nhưng cô chủ nhiệm cho rằng gia đình gặp hiệu trưởng chứ không gặp cô”, Y. kể.

“Thứ 2 tuần rồi, em phải đi khám bệnh nên không đến trường. Khi về nhà, thấy nhiều bạn nhắn tin và gọi điện nói em bị nêu tên dưới cờ với nội dung phản ánh sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên; phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động 4 tuần (tờ thông báo kiểm điểm sau này giảm còn 2 tuần-PV)”.

Ghi âm vì cô giáo hay lớn tiếng?

Về vấn đề ghi âm giáo viên, Y. thừa nhận mình có dùng điện thoại để ghi âm. Bởi nhiều lần nói chuyện với em, các cô thường lớn tiếng nhưng khi tiếp xúc với gia đình, thái độ lại thay đổi như tất cả những chuyện cô làm vì thương học sinh. Do đó, dù đúng dù sai em đều phải xin lỗi. Vì thế, em muốn ghi âm lại về cho ba mẹ nghe để làm bằng chứng.

Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: 'Em không dám đến trường nữa'
Thông báo về việc vi phạm của em Y. của trường THPT Vĩnh Xương.

Đến ngày thứ 3, khi Y. đi học lại thì cô hiệu phó chất vấn tại sao không viết tự kiểm nhưng thực sự Y. cũng hoang mang không biết mình vi phạm ở điểm nào và các cô giáo cũng không chỉ cụ thể các lỗi sai cho Y.

“Em hỏi cô không biết vi phạm ở đâu, em sai ở đâu cô chỉ em biết. Lúc đó, phó hiệu trưởng nói lại, em ghi âm giáo viên là em không sai hay gì, cô la lớn, cuối cùng cô đứng dậy và đi về luôn”, Y. thuật lại.

Đến cuối tuần, vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm, Y. được giáo viên chủ nhiệm phát tờ thông báo kỷ luật, trong đó có nêu nội dung Y. sai khi ghi âm giáo viên, phản ánh với gia đình sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu nhầm trong quan hệ nhà trường và gia đình. Đồng thời, thông báo cũng nêu gia đình em Y. nhận ra lỗi của con mình nhưng em Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình.

Y. cho biết, cô giáo còn yêu cầu em viết bản tự kiểm để giờ chào cờ đọc trước toàn trường.

"Thứ 2 đi học, em rất sợ, em không biết lúc nào bị các cô gọi tên. Em sợ sẽ phải đọc tự kiểm và nhận sai trước trường. Do quá sợ hãi nên em vào nhà vệ sinh. Khi đó, bệnh hen suyễn tái phát, em đã uống một viên thuốc để lấy lại bình tĩnh.

Thế nhưng, em lại suy nghĩ, giờ mọi người đều biết chuyện. Gia đình cũng vì em phiền lòng. Bản thân em suốt ngày bị các cô gọi lên nói chuyện. Em đã uống hết cả vỉ thuốc với ý nghĩ như một sự giải thoát. Em muốn dùng cái chết để thay đổi suy nghĩ của thầy cô về mình”, Y. chia sẻ.

"Sau sự việc này, không biết thầy cô có thay đổi cách nhìn về em không nhưng em không dám trở lại trường. Bởi em sợ cảm giác bước vào phòng riêng, ở lại cuối giờ học đối diện với các cô", Y. thổn thức.

Chị Lê Thị Ngọc Mai, chị gái ruột, người đang chăm sóc bé Y. tại BV bày tỏ: “Từ sự việc học phụ đạo, về nhà bé tâm sự thường bị cô gọi nói chuyện. Nhiều hôm bé không ngủ được. Nó lấy những chiếc bút màu ra vẽ trên giấy nhưng không rõ hình thù gì nên tôi lo lắm.

Chưa kể, bé còn bị nhắc nhở về chuyện áo dài mỏng dù trước đó vấn đề này không bị đề cập. Đến khi bé biết mình bị nêu tên trước cờ thì vô cùng sốc. Tôi và gia đình đã có ý định chuyển lớp cho bé và trấn an cố gắng học nhưng chưa kịp thì có thông báo kỷ luật, đọc tên bé ở trường làm cho bé trong thời gian ngắn chịu nhiều sự đả kích nên nghĩ quẩn”, chị Mai kể.

Mấy ngày qua, khi điều trị tại bệnh viện, bé Y. cũng tiếp tục không ngủ được và được các bác sĩ hỗ trợ về tâm lý. “Sau sự việc này, gia đình tôi có lẽ sẽ chuyển trường cho bé. Hy vọng, nhà trường và thầy cô sẽ hiểu đúng về mọi việc và không bao giờ chèn ép học sinh”, chị Mai mong muốn.

Tạm đình chỉ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường

Sở GD&ĐT An Giang nhận định trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót. Cụ thể, trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành. Hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành.

Ngoài ra, biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.

Xuất phát từ những hạn chế, sai phạm của nhà trường như đã nêu trên, Sở GD&ĐT quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày thứ Hai, 7-12)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: 'Em không dám đến trường nữa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO