Nữ sinh gốc Việt 12 tuổi vào đại học hàng đầu thế giới

Minh Thái (t/h)| 27/03/2022 11:40

Ở tuổi 12, nữ sinh gốc Việt Alisa Pham đã trở thành sinh viên chuyên ngành kép của Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand. Thành tích này của Alisa vượt kỷ lục mà chị gái em lập nên cách đây hai năm.

Những ngày qua, tin tức về Alisa Phạm được tờ NZ Herald, tờ báo có lượt phát hành lớn nhất New Zealand, đăng tải đã tạo nên cơn sốt không chỉ ở New Zealand mà còn ở Việt Nam.

Theo thông tin trên tờ báo này, ở tuổi 12, Alisa Pham là sinh viên nhỏ tuổi nhất Đại học Công nghệ Auckland (AUT) - trường nằm trong top 1% các đại học toàn cầu.

Theo xếp hạng 2022 của THE (tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng bậc nhất thế giới), AUT nằm trong nhóm 201-250 trường tốt nhất thế giới và đứng thứ hai ở New Zealand.

Bé Alisa Pham. Ảnh: NZ Herald
Bé Alisa Pham. Ảnh: NZ Herald

Thành tích của Alisa vượt kỷ lục mà Vicky Ngo Ngoc, chị của Alisa, lập nên cách đây hai năm. Vicky Ngo Ngoc trở thành sinh viên đại học này khi mới 13 tuổi - trẻ nhất trường thời điểm đó. Vicky tốt nghiệp chương trình toán ứng dụng của AUT ở tuổi 15 và đang theo đuổi tiến sĩ ngành khoa học dữ liệu.

Alison Sykora, người phát ngôn của AUT, cho biết: "Alisa là sinh viên nhỏ tuổi nhất tới nay của chúng tôi".

Trên tờ NZ Herald, Alisa cho biết được truyền cảm hứng rất nhiều từ chị gái Vicky. Giống chị, em cũng ứng tuyển vào AUT. Mặc dù không được chấp nhận vào ngành luật, em trúng tuyển cử nhân nghiên cứu truyền thông với chuyên ngành kép về xây dựng thương hiệu kỹ thuật số và thương hiệu sáng tạo. Với Alisa, được vào học ngành này là một may mắn.

Em cũng được Văn phòng Tuyển sinh của Đại học Stanford phỏng vấn với tư cách ứng viên năm nhất tiềm năng.

Năm 2017, Alisa cùng mẹ và chị gái Vicky từ Việt Nam sang New Zealand. Em học lớp bốn tại trường St Thomas, hoàn thành chương trình trung học trong 10 tháng và vào học tại Selwyn College năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Alisa chia sẻ về hành trình học vượt cấp của mình trong bối cảnh diễn ra dịch COVID-19. Theo lời cô bé, đầu tháng 2/2021, em học lớp 9 tại Trường Selwyn College. Muốn "nhảy cóc" để thi tốt nghiệp cấp III (NCEA) và vào đại học, điều kiện cần là tích lũy 10 tín chỉ môn toán trình độ lớp 11, 10 tín chỉ môn văn học trình độ lớp 12 và ít nhất 60 tín chỉ cho 3 môn muốn xét tuyển đại học.

Tháng 6/2021, Alisa đã đủ 10 tín chỉ toán và 10 tín chỉ văn học. Khi chuẩn bị tiếp tục ôn 3 môn xét đại học, thành phố Auckland nơi cô bé ở giãn cách xã hội kéo dài hơn 100 ngày từ tháng 8 đến giữa tháng 11/2021.

"Theo quy định, các bài thi "nhảy cóc" buộc phải được thực hiện ở trường và dưới sự giám sát của giám thị. Vì vậy trong 3 tháng này, mình cật lực học và ôn tập cho 60 tín chỉ thuộc 3 môn xét tuyển đại học - gồm kế toán, kinh tế học và công nghệ số - nhưng không thể dự thi.

Lịch thi tốt nghiệp cấp III ở New Zealand đã đến gần, thường diễn ra vào tháng 11 hằng năm. Hơn 10 lần, mình nhận được các email của thầy cô cảnh báo kế hoạch học vượt của mình sẽ không khả thi trong năm 2021.

May cho mình, vào tháng 11/2021, các trường tại Auckland trở lại dạy trực tiếp. Mình gấp rút cho đủ 60 tín chỉ, mỗi tuần trung bình sẽ thi 6 bài. Đây là áp lực khá lớn vì thông thường học sinh ở New Zealand sẽ dành 2 năm lớp 12 và 13 để tích lũy 60 tín chỉ này.

Thêm một may mắn nữa là vì dịch COVID-19 nên New Zealand dời lịch thi tốt nghiệp cấp III sang tháng 12, do vậy mình kịp hoàn tất những điều kiện cần và đủ chuẩn dự thi tốt nghiệp NCEA.

Cuối tháng 1/2022, mình nhận được thư đồng ý nhập học của 5 đại học ở New Zealand, bao gồm ĐH Canterbury, ĐH Waikato, ĐH Massey, Học viện Công nghệ Unitec và ĐH Công nghệ Auckland", Alisa kể.

Trong suốt thời gian giãn cách, không thể đến trường, Alisa học online chương trình lớp 9 từ 9h sáng đến 3h chiều. Để "nhảy cóc", cô bé phải tự học. Mỗi ngày từ 5h sáng đến trước khi lớp học online bắt đầu, Alisa dành ra 4 tiếng tự mày mò các nội dung học vượt.

"Thầy" của mình khi đó là Google Scholar (nền tảng tìm kiếm các tài liệu học thuật của Google - PV). Mình tra cứu tất cả những gì liên quan đến bài học. Mình tải về các dạng đề đã ra, tìm thêm các bài tập mới.

Một số bài giảng có sẵn trên các kênh như YouTube, mình cũng lên đó học thêm. Chỗ nào khó quá, mình sẽ hỏi chị Vicky nhưng lúc đấy chị đang ôn thi tốt nghiệp đại học nên cũng khá căng thẳng.

Mẹ mình từng nói rằng nếu muốn làm chủ việc học, không phụ thuộc tiến độ vào bất cứ ai, mình phải biết cách học trên Google Scholar. Hồi mới sang New Zealand, mình rất thích vẽ nhưng không có điều kiện đến lớp học.

Mình lên mạng tự học vẽ từ manga đến cách thiết kế giày, quầy áo thời trang… Có lẽ giai đoạn ấy đã rèn kỹ năng học những gì mình muốn trên nền tảng số", Alisa cho biết.

Có trí thông minh vượt trội nhưng Alisa vẫn còn là một đứa trẻ. Cô bé thú nhận mình "lười biếng": "Buổi sáng, chị Vicky thường thức dậy trước, mình ngủ nướng thêm một xíu. Thỉnh thoảng mình cũng trốn rửa bát, quét nhà hay lén chơi điện tử. Mình cũng hay… cắn móng tay và rất thích vẽ nên thỉnh thoảng lấy bút vẽ lên cánh tay, đầu gối cho vui".

Trong cuộc phỏng vấn, Alisa cũng nhắc lại một chuyện vui, đó là có lần em được thưởng 50 đôla New Zealand vào dịp Noel. Alisa muốn mua một món đồ trị giá 17 đôla Mỹ, em thức 3 đêm liền đọc các dự báo tài chính từ Cục Dự trữ FED, Ngân hàng Trung ương New Zealand… xem tỉ giá sẽ biến động ra sao để quyết định mua lúc nào có lợi nhất.

"Mất nhiều công sức nhưng cuối cùng mình thấy chỉ tiết kiệm nhiều lắm được 50 cent, nên không tính nữa mà đi mua luôn", Alisa kể.

Dưới sự hướng dẫn của mẹ, Alisa đồng sáng lập một tổ chức phi chính phủ có tên gọi The House of Wisdom vào năm 2020, chuyên cung cấp các lớp học tiếng Anh trực tuyến, đào tạo kỹ năng mềm và đưa lời khuyên đầu tư.

"Alisa đang điều hành các chương trình trực tuyến, đưa lời khuyên cho các em nhỏ ở Việt Nam và gần đây tham gia như một diễn giả hỗ trợ các bạn mất cha mẹ do Covid-19", mẹ của Alisa nói trên NZ Herald.

Trong bức thư giới thiệu của TS Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, gửi Bộ Di trú New Zealand vào ngày 25/11/2021 có viết: "Vicky Ngô và Alisa Phạm đang là tấm gương truyền cảm hứng, tạo nên một động lực học tập cho hàng ngàn học sinh tại Việt Nam".

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/nu-sinh-goc-viet-12-tuoi-vao-dai-hoc-hang-dau-the-gioi-165425.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/nu-sinh-goc-viet-12-tuoi-vao-dai-hoc-hang-dau-the-gioi-165425.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh gốc Việt 12 tuổi vào đại học hàng đầu thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO