Khi biết có sự việc về kẻ quấy rối, cô giáo dạy lớp chị Ngô Minh (quê ở Tây Ninh) khi đó đã nói với học trò: "Nếu gặp tình huống này, các em hãy hét thật to cho mọi người biết, hãy phản ứng quyết liệt. Người xấu luôn sợ bị tố cáo. Có cô ở đây, các em không phải sợ".
Hôm đó, khi cô nữ sinh đang đạp xe tà tà đi học, kẻ biến thái chạy ngang, đưa tay động chạm ngực cô.
"Ngay lập tức mình làm theo lời cô giáo, mình gào rất to, hắn ta hoảng sợ bỏ chạy. Mình đạp xe bám theo, dĩ nhiên không đạp quá nhanh và tiếp tục gào "tên biến thái các cô chú ơi!". Hắn chạy trối chết luôn", chị Minh nhớ lại.
Cô học trò kể với cô, cô khen giỏi, khen làm đúng, khen làm tốt. Chị có cảm giác cô chính là chỗ dựa để học trò yên tâm chứ ngày đó, phụ huynh gần như chưa biết cách hướng dẫn con em về phòng vệ trước kẻ quấy rối tình dục.
Thêm một lần khác, bị quấy rối bởi bạn của anh trai, M cũng đã gào ầm ĩ lên, hắn ta phải vội vàng chạy khỏi nhà cô.
Lời dặn dò của cô giáo mang đến cho mình một sức mạnh từ bên trong. Ai đụng tới chị với dụng ý xấu, chị sẽ gào lên ngay. Với chị, rất hiệu quả!
Chị Minh kể thêm, có nhiều bạn gái bị quấy rối khóc và kể lại sự việc nên chị cũng lường trước việc mình có thể bất ngờ ú ớ khi rơi vào tình huống bị quấy rối, không gào được, không kêu được.
Bởi vậy, chị chuẩn bị cho mình nếu rơi vào trường hợp đó sẽ gào như thế nào. Ở nơi đông người thì là "Bớ làng nước ơi, có tên biến thái, giúp chúng cháu với!", "Có tên biến thái các cô chú ơi!". Còn ở nhà phải gào thật to lên: "Bố mẹ ơi, cứu con với, có tên biến thái".
Theo chị Minh bài học của người giáo viên tuyệt vời đó chính là vũ khí để chị bảo vệ bản thân cũng như tránh được những tổn thương về tâm lý khi là nạn nhân bị quấy rối tình dục.
Chị nhận thấy, việc phản ứng ngay lập tức đã khiến kẻ xấu hoảng sợ và bỏ chạy. Đó đã là "chiến thắng" đối với mình nên chị có thêm sự tự tin ở bản thân, tránh được những tổn thương tâm lý.
"Mình có tức giận vài ngày nhưng không bị tổn thương như các bạn đã không thể nói ra, không dám phản ứng. Hy vọng bài học của cô giáo mình sẽ là kinh nghiệm cho các mẹ, các chị, các cô giáo để bảo vệ con em mình", chị Minh trải lòng.
Im lặng chính là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ yêu râu xanh. Tâm lý sợ hãi, xấu hổ làm nhiều đứa trẻ không dám lên tiếng, phản ứng khi bị quấy rối.
Đáng sợ hơn, sau khi bị quấy rối tình dục, nhiều đứa trẻ có thể "bị hại lần thứ hai" khi bị chính người lớn "bịt miệng", không muốn chúng đề cập, nhắc đến sự việc.
Chia sẻ tại chuyên đề về chống xâm hại tình dục trẻ em ở TPHCM cách đây không lâu, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân hiệu TPHCM kể bà đã gặp nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục vô cùng đau lòng chìm trong im lặng.
Có em bị xâm hại bởi anh họ bên nội ngoại và bị cả người thuê nhà xâm hại tình dục. Em giữ kín ký ức đau lòng ấy cho đến một ngày lấy hết dũng khí để kể với mẹ, chỉ đích danh những người kia. Nhưng lời người mẹ em dặn lúc đó là: "Con im lặng, không được kể với ai".
Việc phải im lặng trước kẻ xâm hại có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý suốt đời với nạn nhân. Có trường hợp bà Thúy kể đã làm bà nội, bà ngoại nhưng "hàng chục năm như treo hòn đá trước ngực không thể gỡ xuống được".
Chuyên gia này cho rằng, người Á Đông mang nhiều mặc cảm khi đề cập đến vấn đề này. Họ cho rằng để lộ thông tin đã bị xâm hại thì bản thân bị mất giá trị, xấu xa, không xứng đáng...
Nhiều người còn không nghĩ mình là nạn nhân, mà cho là mình có lỗi, mình đáng bị như vậy.
Các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh, khi trẻ còn nhỏ chưa đủ sức bảo vệ bản thân thì hơn hết chính bố mẹ, thầy cô cần là người đồng hành với trẻ, trao cho trẻ sức mạnh, sự khích lệ để không im lặng, để dám lên tiếng trước kẻ xấu.
Thái độ rõ ràng trước cái xấu, sự khích lệ "có cô ở đây" như cô giáo năm nào của chị Minh có thể cứu cuộc đời nhiều học trò.