Nhiều phụ nữ trẻ “mãn kinh”
Mới đây, một cô gái 25 tại Hà Nội đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) thăm khám trong tình trạng không có kinh nguyệt từ nhiều năm.
Theo lời kể của bệnh nhân, chị bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt từ năm lớp 7. Thời gian đầu, cứ 3-4 tháng, chị mới có kinh một lần. Từ 22 tuổi trở đi, khoảng cách giữa các kỳ kinh của cô dài hơn (6 tháng). Ba năm gần đây, cô gái hoàn toàn không có kinh nguyệt.
Bác sĩ Phan Chí Thành - khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) - cho biết khi khám cho cô gái này cách đây ít ngày, ông rất bất ngờ vì cô "không còn bất kỳ một quả trứng nào" vì bị suy buồng trứng.
Siêu âm, xét nghiệm, buồng trứng cô gái 27 tuổi chưa chồng như một phụ nữ mãn kinh 50 tuổi. Cơ hội mang thai của cô gái gần như chỉ có thể còn cách xin trứng của người khác.
Trường hợp khác, chị H. 25 tuổi, nữ điều dưỡng tại một bệnh viện ở tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ khi đang ở độ tuổi sinh đẻ nhưng lại mắc căn bệnh suy buồng trứng sớm.
Chị H. cho biết trước đây ba năm chị lập gia đình. Tuy nhiên, do mới ra trường và còn đang trong thời gian thử việc nên hai vợ chồng quyết định hoãn việc sinh con.
Sau thời gian thử việc, chị H. được nhận vào làm nhân viên chính thức của bệnh viện và bắt đầu có ý định sinh em bé. Chị H. cũng "thả" thoải mái để mang bầu nhưng không đậu thai. Chu kỳ kinh nguyệt của chị H. không đều, thậm chí có lần mất kinh 6 tháng. Lúc này chị H. mới lo lắng quyết định đi khám.
Hình ảnh siêu âm buồng trứng của chị H. gần như không còn các nang trứng. Kết quả xét nghiệm hormone dự trữ buồng trứng AMH còn rất thấp và được chẩn đoán mắc căn bệnh suy buồng trứng sớm.
Chú ý đến các dấu hiệu lạ
Bác sĩ Phạm Thúy Nga - trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết dấu hiệu đầu tiên của suy buồng trứng thường là rối loạn kinh nguyệt, trễ kinh, có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc phát triển sau khi mang thai hay sau khi ngừng thuốc tránh thai. Bên cạnh đó, có thể khó mang thai, nóng ran hay còn gọi là bốc hỏa, khô âm đạo, khó chịu hoặc mất tập trung, giảm ham muốn tình dục.
"Có nhiều nguyên nhân gây suy buồng trứng, có thể có liên quan đến các bệnh về nhiễm sắc thể, di truyền hoặc là các bệnh lý tự miễn... hoặc do cắt bỏ một bên buồng trứng hay vòi trứng trong điều trị bệnh", bác sĩ Nga cho hay.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh - cho biết suy buồng trứng sớm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người phụ nữ. Tình trạng này dẫn đến sự phát triển sớm của một số bệnh lý như tim mạch, loãng xương, rối loạn lipid.
Suy buồng trứng gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của phụ nữ, đặc biệt trong cuộc sống vợ chồng, khiến bệnh nhân mất tự tin vào bản thân. Chức năng sinh sản ở nữ giới cũng bị suy giảm đáng kể do trứng không thể sản sinh và phóng noãn để thụ tinh dẫn đến vô sinh.
Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm vẫn có thể có con tự nhiên tuy nhiên trong một số trường hợp họ cần tìm đến sự trợ giúp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như làm thụ tinh ống nghiệm hoặc xin noãn.
Trường hợp phụ nữ bị suy buồng trứng sớm muốn có con hoặc muốn trữ noãn để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai cần thăm khám sớm với bác sĩ hỗ trợ sinh sản để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.
“Hiện nay không có cách nào để làm dừng quá trình suy buồng trứng hay cải thiện tình trạng này, càng lớn tuổi chất lượng và số lượng trứng càng giảm vì vậy cần được thăm khám sớm để không bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị”, bác sĩ Vỹ nhấn mạnh.
Bác sĩ Vỹ khuyến cáo, để phòng suy buồng trứng, nữ giới cần hạn chế căng thẳng, mệt mỏi liên tục và nên giữ tinh thần lạc quan vui vẻ. Có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ và tăng cường hệ miễn dịch, đảm bảo sức khỏe để chống lại các loại virus gây bệnh.
Phụ nữ nên bổ sung đủ canxi, vitamin D có trong thực phẩm hoặc các chất bổ sung để giúp ngừa loãng xương.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp có thể hồi phục chức năng của buồng trứng, vì vậy việc thăm khám kịp thời sẽ giúp phụ nữ suy buồng trứng chủ động trong phương án điều trị trong tương lai.