“Thấy người ta ăn mặc đẹp, cả gia đình cười đùa vui vẻ đi chúc Tết, trong khi mình thì mặc đồ bảo hộ lao động đi dọn rác đường phố vào ngày mồng 1 Tết, tôi cảm thấy đôi chút tủi thân.
Nhưng vì công việc, vì đường phố sạch sẽ nên tôi chấp nhận và cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình" – chị Nguyễn Thị Xoan – công nhân vệ sinh môi trường tại thành phố Bắc Giang chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động vào sáng mồng 1 Tết.
Nữ lao công này cho biết, từ khi vào làm nghề công nhân vệ sinh môi trường (từ tháng 8.2009) đến nay, chưa có năm nào chị được ở nhà đón giao thừa cùng gia đình.
Năm nào, chị cũng phải dọn rác trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, đồng nghĩa với việc phải đón giao thừa ở ngoài đường. Đây cũng là thời gian lượng rác do người dân xả ra nhiều hơn ngày thường, khiến chị cùng với đồng nghiệp càng thêm vất vả.
“Trước khi đi làm ca tối hôm qua, chị em chúng tôi tự tổ chức nấu ăn. Nếu trời rét, mọi người ít ra đường, lượng rác xả ra ít hơn thì chúng tôi được nghỉ sớm hơn – chỉ sau thời điểm giao thừa. Nhưng năm nay, trời ấm, mọi người ra đường nhiều hơn, lượng rác xả ra nhiều hơn, lá cây lại rụng nhiều hơn nên phải đến 2 giờ sáng mồng 1 Tết, tôi mới làm xong việc” – chị Xoan kể.
Về đến nhà, không kịp ăn uống, chị chỉ kịp tắm, vệ sinh rồi đi ngủ ngay để sáng hôm sau bắt đầu ca làm việc mới.
9 giờ sáng mồng 1 Tết, chị cùng “ekip” làm việc (gồm lái xe và một chị lao công khác) tiếp tục đi làm. Ca làm việc của chị kết thúc vào 16 giờ chiều. Như vậy, gần như cả ngày mồng 1 Tết, chị Xoan phải ở ngoài đường, không có thời gian đi chúc Tết bố mẹ, anh em, họ hàng.
“Chồng con đã quen với việc tôi phải đi làm giao thừa, mồng 1 Tết rồi, nên không ai phàn nàn gì nữa” – nữ lao công năm nay đã 44 tuổi cho biết.
Bên cạnh những trường hợp như chị Xoan phải làm do đặc thù công việc, thì cũng có nhiều người lao động đã bắt đầu đi làm ngay từ mồng 1 Tết.
Tại một góc đường trên đường Dương Định Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), sáng mồng 1 Tết, bà Linh lụi hụi dùng xe máy chở tấm bạt về để lợp cho nhà trọ của mình. Tấm bạt được bà xin tại một công trường xây dựng.
Bà Linh cho biết, bà làm nghề thu gom đồng nát. “Quê tôi ở Thái Bình, các con cũng đang ở quê, nhưng do hoàn cảnh, nên nhiều năm nay, tôi không về quê đón Tết” – bà Linh nói.
“Tôi mong một năm mới không bị ốm đau, có sức khoẻ, kiếm được nhiều tiền hơn năm trước để lo cho cuộc sống tốt hơn” – bà Linh chia sẻ.
Trên đường phố Hà Nội ngày mồng 1 Tết, dù không nhộn nhịp như ngày thường, nhưng vẫn bắt gặp những tài xế taxi, nhân viên giao hàng... làm việc, phục vụ khách hàng. Đối với họ, năm làm việc mới đã bắt đầu ngay từ ngày mồng 1 Tết.