- Từ ngày chuyển từ Đoàn kịch nói Hải Phòng lên Nhà hát Kịch Việt Nam, Quang Thắng nhiều show hơn?
Công việc của tôi vẫn thế. Tôi mới hoàn thành hai vai chính của vở kịch Làng song sinh, Mảnh đất lắm người nhiều ma trong các dự án của nhà hát.
Ở Hà Nội, tôi có thời gian và được nhà hát giao cho làm công đoàn, đưa anh em đi nghỉ mát hay ăn uống mỗi dịp liên hoan. Tôi hợp làm mấy việc đó chứ không hợp làm sếp.
Tôi thích làm công đoàn nhưng luôn phải xin phép trước không đi thăm ai đẻ. Chỉ nhiệm vụ đó tôi từ chối, còn lại tôi hoàn thành xuất sắc.
Ngoài việc nhà hát, tôi vẫn được tạo điều kiện để chạy show. Năm vừa qua, tôi cũng làm nhiều chương trình cho ngành Thuế, ngành Công an..., được nhận bằng khen từ Bộ Công an.
Chia sẻ thật, nếu nhiều người mời mà mình lấy lý do nhà xa, kể lể, sau họ không mời nữa nên tôi phải cố gắng hơn. Giờ còn sức để diễn, sau già rồi muốn diễn cũng không được.
- Anh quay cuồng cũng áp lực nhỉ?
Tôi cũng phải dành thời gian để đóng phim, nếu mình không xuất hiện khán giả sẽ quên ngay. Năm ngoái, tôi đóng phim 15 tháng 5 ngày, năm nay tôi đóng Chồng cũ người yêu cũ cũng là để khán giả thấy mình xuất hiện làm phim dí dỏm, giải trí, vẫn đang lao động nghệ thuật.
Thật lòng, đóng phim truyền hình mệt, tốn rất nhiều thời gian mà thù lao thì... Thôi, tôi không nói khó khăn nữa vì xác định đi làm để trả nghĩa VFC đã đưa tôi tới gần hơn với khán giả.
- Xuất thân từ diễn viên kịch, đi đóng phim truyền hình, nhiều người 'bê' cách diễn của kịch lên màn ảnh, anh có bị thế?
Nhiều người bị vậy, tôi thì không. Khi đóng phim, ống kính quay sát mặt, nếu diễn kiểu cơ mặt sẽ không được, chỉ diễn bằng nội tâm, bằng ánh mắt.
Còn diễn kịch, khán giả ngồi xa sân khấu, các động tác phải dứt khoát, diễn cơ mặt phải mạnh mẽ hơn. Tôi dung hoà được điều đó.
- Đóng phim truyền hình hút khách, anh nhận được nhiều lời mời quảng cáo?
Tôi cũng rất băn khoăn về điều này. Khán giả gần đây kêu nhiều việc nghệ sĩ quảng cáo. Mong khán giả hiểu việc quảng cáo cũng là để thêm thắt thu nhập, chi tiêu chứ tôi cũng không quảng cáo bừa.
Diễn viên chúng tôi đôi khi không biết nhiều về mặt pháp lý. Họ đưa ra dấu đỏ, được cấp phép thì mình biết là hợp pháp. Tôi cũng nhiều lần là nạn nhân của việc cắt ghép quảng cáo.
Ví dụ, khi tôi đi quay phim, trong phim có cầm sản phẩm gì đó để diễn. Thế là người ta sẽ cắt cúp đoạn đó ra, lồng tiếng vào, hệt như tôi đang quảng cáo thuốc này thuốc kia. Việc đó diễn ra cả năm mà tôi không hay biết, khi một khán giả phản ánh quảng cáo thuốc linh tinh, tôi mới "ngã ngồi".
Rồi khi ký hợp đồng quảng cáo với đơn vị nào đó tầm 3 tháng, nhưng sau đó họ dùng hình ảnh của mình cả năm trời, mình cũng không biết được. Nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống như chúng tôi ít khi có quản lý nên khó khăn trong việc này. Nói chung, chúng tôi bị gài bẫy nhiều lắm.
- Anh từng bị gài như thế nào?
Ở sự kiện, tôi từng gặp trường hợp một phụ nữ rất xinh đẹp, cầm túi sản phẩm rồi tự nhiên bảo hâm mộ tôi nên tặng. Tất nhiên khi chưa biết là gì thì tôi không nhận. Nhưng khi mình giơ tay ra từ chối, họ đã có một đội ảnh chụp lia lịa, như hai người đang trao quà cho nhau.
Nghệ sĩ tới sự kiện mà không chụp thì mang tiếng kiêu, chảnh nhưng chụp thì họ lồng sản phẩm rồi mang hình ảnh đi quảng cáo lung tung, mệt mỏi thực sự.
Rồi bạn bè khai trương nhà hàng, quán ăn, nhờ tới chụp ảnh động viên, không chụp thì bảo không có tâm, chụp thì khán giả bảo nghệ sĩ gì quảng cáo khắp nơi.
- Nghệ sĩ giữ hình ảnh trong thời đại công nghệ 4.0 thật sự đau đầu?
Tôi đang rất đau đầu về khoản này, đúng là phải có quản lý mới giải quyết được. Tôi thì già rồi, vài năm về hưu thuê quản lý làm gì.
Vân Dung, Xuân Bắc có quản lý nên giữ hình ảnh rất tốt, đố ai lấy hình ảnh của họ quảng cáo bừa. Hai người đấy thông minh, nhanh nhẹn hiếm có trong giới nghệ sĩ, chắc họ không đứng cùng bầu trời được với nhau (cười).
- Trong nhóm Táo Quân, anh nghèo và khù khờ nhất?
Tôi sống dễ tính tới mức khù khờ, thế nào cũng xong. Còn về kinh tế nữa, tôi sống cho tôi nhưng luôn nhận thiệt thòi.
- Anh thiệt như thế nào?
Ví dụ đơn giản, nhóm Táo Quân chúng tôi luôn phải tập luyện trong thời gian ngắn nên cường độ rất cao, tập từ 6h sáng tới 3-4h đêm mới được về nhà.
Nhưng có hôm, Công Lý thích ăn món gân bò nấu dưa chẳng hạn, tôi phải dậy sớm hơn, đi ra chợ mua đồ về ướp, rồi nấu mang tới cả nhóm cùng ăn.
Trong nhóm, tôi là người nấu ăn nhiều nhất rồi tới Tự Long. Toàn nấu ăn cho đồng nghiệp dù có thiệt thòi chút, thiệt thòi về thời gian được nghỉ ngơi, cả về tiền bạc vì tôi bỏ tiền túi ra. Nhưng mà tôi vui, vì các bạn lại thấy mình nấu ăn cũng tàm tạm nên hay yêu cầu.
Tôi chẳng tính toán gì, thích gì chiều đó, làm một cách vui vẻ. Tôi nghĩ, anh em tập luyện vất vả, phải được ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mới có sức sáng tạo được.
Hay như đàn em Trung Ruồi, Duy Nam… đến tập muộn một tý, đạo diễn mắng, tôi cũng hay đứng ra bênh, nhận lỗi dạy các em chưa tốt. Tôi chịu thiệt chút che cho đàn em, chứ chỗ đông người, bị mắng thì diễn hài làm sao được. Tính tôi thế, rất nghệ sĩ, giúp được ai cái gì là tôi vui.
- Trong gia đình thì sao, anh có nhận thiệt thòi và nhẫn nhịn?
Vợ ở nhà toàn việc không tên, lại chăm lo cho 3 đứa con, tôi nhận thiệt bao nhiêu cũng không bù đắp được. Bởi vậy, dù đi diễn cả ngày căng thẳng, mệt nhoài nhưng vợ kêu mệt, tôi sẵn sàng vào bếp nấu cơm, rửa bát, không nề hà gì.
- Anh sống một mình ở Hà Nội, vợ con ở Hải Phòng, làm thế nào để không sa ngã?
Nhiều lúc cũng buồn chứ nhưng tôi là người nghiêm túc. Thêm nữa, vợ kiểm tra thường xuyên bằng camera nên việc sa ngã không bao giờ xảy ra.
Tôi thương vợ, năm nào cũng thế, sát Tết bao việc đối nội đối ngoại vợ lo hết. Tôi mải tập Táo, 27-28 Tết mới xong nhưng vợ chồng thống nhất cùng cố gắng. Tôi còn 8 năm nữa về hưu, muốn đi có khi chẳng ai mời (cười).