NSND Lý Huỳnh: thách đấu Lý Tiểu Long vì tự tôn dân tộc

Công Thành| 22/10/2020 10:26

Việt BáoLý Huỳnh là một tượng đài, cây đa cây đề trong giới nghệ thuật và võ thuật miền Nam. Ông đã từng là diễn viên xuất sắc, đạo diễn, nhà sản xuất nổi tiếng. Nhưng cuộc đời, thân thế của ông không được giới trẻ biết đến.

Đa phần giới trẻ với độ tuổi dưới 30 hiện nay chỉ biết đến tên tuổi của minh tinh Lý Hùng với các phim điện ảnh như Sơn Tinh Thủy Tinh, Phạm Công Cúc Hoa, hay phim truyền hình như Đô - la trắng, hoặc các phim điện ảnh hợp tác với HongKong như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99, Cảnh sát đặc khu ... Tên tuổi của anh nổi đến mức đã trở thành thần tượng một thời của giới trẻ.
Thế nhưng, để có được một background cực dày đó, Lý Hùng đạt được không chỉ nhờ tài năng, may mắn, mà còn là một sự trui rèn đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt từ người cha Lý Huỳnh.
Xuất thân là võ sĩ, dám thách đấu Lý Tiểu Long
Lý Huỳnh sinh năm 1942 có tên thật là Lý Kim Tuyền, được sinh ra tại huyện Bình Minh, tình Vĩnh Long. Xuất thân từ một gia đình võ thuật, ông được học qua nhiều môn võ cổ truyền lẫn chiến đấu nên có một phong cách thi đấu tấn công rất trực tiếp. Qua đó, từ khi bắt đầu thượng đài, ông đã có nhiều thành tích cực kỳ đáng nể.
Nên nhớ rằng, ở thời của ông, việc đấu võ đài thường được ký giấy sinh tử. Có nghĩa là lên đài thì thắng thua không còn quan trọng, mà đôi khi giữ được mạng sống bước xuống đài là Tổ đã ưu ái lắm rồi.
Trong thời kỳ đó, Lý Huỳnh đã lần lượt chiến thắng các đối thủ sừng sỏ để đạt giải vô địch 6 tỉnh miền Trung, đánh bại võ sĩ vô địch quân đội Pháp. Mỗi trận thắng này đều đổi lại bằng máu và nước mắt, mà giới võ sĩ ngày nay dù chuyên nghiệp hơn, nhiều điều kiện hơn vẫn chưa thể sánh bằng.
Đỉnh điểm trong nghề võ của ông là dưới sự hăng hái của tuổi trẻ, ông đã dám lên tiếng trong một lần diễn võ với chiêu Liên hoàn bát cước. Khi được đạo diễn khen đá đẹp đá hay, nhưng có dám đấu với Lý Tiểu Long không. Ông đã nói rằng dám, ông sẵn sàng lên đài tỷ thí. Sau câu chuyện đó, nhiều nhà báo làng võ đã giật tít rất thẳng thắn theo lời ông, tạo nên một cơn địa chấn làng võ Việt.
Rất tiếc là ngay sau đó không lâu, trong một cơn đau đầu tưởng như nhẹ nhàng, Lý Tiểu Long đã qua đời. Và trận đấu vô tiền khoáng hậu đó đã không diễn ra như ý định. Sau này, ông chia sẻ: "Ngày đó báo chí tự do, trên trời dưới đất, thích viết gì thì viết, thế nên chuyện tôi thách đấu Lý Tiểu Long lúc đó báo chí làm to quá."
Câu chuyện chỉ gói gọn trong vài câu nói và trả lời với đạo diễn. Nhưng vì lòng tự tôn của võ sĩ và dân tộc, ông chia sẻ rằng: "Ông đạo diễn đó hỏi vậy là xúc phạm tôi. Tôi bảo, này, tôi thách Lý Tiểu Long. Anh cứ ghi đi, tôi thách Lý Tiểu Long đánh. Tại sao tôi thách? Vì tôi là võ sĩ đánh đài. Ông Lý Tiểu Long là võ sĩ màn ảnh, ông ấy không đánh đài." Và nói thêm: "Hỏi võ sĩ mà hỏi có dám không? Đó là xúc phạm mình. Nếu ông ấy không hỏi, khi không tôi thách đấu Lý Tiểu Long làm gì!"
Những vai diễn để đời và cuộc dạo chơi đầy nghiêm túc trong điện ảnh
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim Việt Nam và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công. Ông cho rằng đóng phim phải có tâm. Việc đem võ thuật vào phim ảnh không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật.
Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động. Các bộ phim có sự tham gia của Lý Huỳnh mở đầu với Long hổ sát đấu và sau đó là Quái nữ Việt Quyền ĐạoBáu kiếm rửa hận thùHải vụ 709 ...
Sau đó, được các đạo diễn tên tuổi chỉ mặt đặt tên, ông bắt đầu tham gia điện ảnh với những vai diễn mang đầy góc cạnh và tâm lý. Vai đại tá Hoàng - sĩ quan quân đội Sài Gòn trong phim Cô Nhíp, thực hiện năm 1976 - là cánh cửa mở ra cho ông bước chân dài hơn vào điện ảnh cách mạng trong những năm sau đó. Sinh thời, đạo diễn Khương Mễ nói ông chọn Lý Huỳnh cho vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp vì ông thấy được ở con người này tài năng diễn xuất tiềm ẩn, nhất là khả năng lột tả được phong thái, tính cách nhân vật phản diện..
Cũng nhờ cách tư duy có tâm và có tầm của mình, diễn viên Lý Huỳnh dần được những đạo diễn tên tuổi giao cho các vai diễn ngày càng nặng hơn và khó hơn. Các vai chuẩn tướng Bách (phim Đứa con bị từ chối), Long “râu” (phim Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (phim Ngọn lửa Krông Jung), đại úy Long (phim Mùa gió chướng), đặc biệt là vai trung úy Xăm gian ác (phim Hòn đất) đều được ông khắc họa bằng phương pháp acting - method.
Tuy nhiên, khác với những diễn viên nhập vai bằng phương pháp hòa lẫn tâm lý với nhân vật. Lý Huỳnh sau mỗi vai diễn đều thoát vai nhanh chóng, và không hề có sự trùng lặp về tâm lý, lối diễn, thói quen ... cho dù các vai diễn phản diện thời kỳ cách mạng đa phần được khắc họa chung một mô-tip.
Có lần ông tâm sự rằng, ổ mối vai diễn, ông đều được đạo diễn cho phép nghỉ vài tuần, hoặc chính ông xin phép nghỉ, để tìm một nơi ở gần vùng sẽ bấm máy. Để ông được thả hồn vào vùng đất, thả hồn vào nhân vật, thả hồn vào kịch bản ... để sau đó, khi bắt đầu bấm máy thì ông đã là nhân vật đó. Từ đó, vai diễn Hai Lúa trong Mùa gió xoáy đã chính thức đánh dấu ông trở thành một minh tinh điện ảnh.
Ở trong thời kỳ thành công của mình, Lý Huỳnh với vai diễn Hai Lúa đã tạo thành một cách gọi những con người miền quê dân dã, mộc mạc là "hai lúa". Ông cũng tâm sự rằng, nếu những vai diễn mà người ta chỉ gọi ông bằng Hai Lúa thì ông chỉ vui 1. Nhưng Hai Lúa của ông đã thành của của chung, thì niềm vui đó không chỉ là 10, mà là 100, 1000.
Từ những vai phản diện đạt các giải Bạc ở các kỳ liên hoan phim điện ảnh, bước chân qua lãnh địa của vai chính diện đã mang lại cho Lý Huỳnh các giải vàng danh giá. Cũng là mang lại cho ông sự tự tin và kiến thức, kinh nghiệm để trở thành nhà làm phim ở thời kỳ sau.
Sau này, khi Nhà nước mở rộng đề án xã hội hóa điện ảnh, thì phim thuộc dạng mì ăn liền lên ngôi (phù hợp thị hiếu thị trường, không quan tâm nhiều đến chất lượng, chỉ lựa chọn những tên tuổi nổi tiếng và kịch bản nhẹ nhàng mang tính giải trí và thời gian làm phim rất gấp). Trước tình thế đó, ông vẫn bình tĩnh và nhẹ nhàng cho ra đời bộ phim Tây Sơn hào kiệt như một lời tri ân với điện ảnh. Đó cũng là bộ phim ông làm đạo diễn, và vẫn còn giữ bản in cuối cùng của kịch bản với những dòng chú thích chi tiết cho diễn viên, cho cameraman, nên nhíu mày, căng mặt, trợn mắt hay đăm chiêu ra sao ...
Ông đã mất vào hôm nay, 22/10/2020, hưởng thọ 78 tuổi. Một ngôi sao trên bầu trời điện ảnh đã tắt, mang lại niềm tiếc thương vô hạn cho vô số khán giả.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
NSND Lý Huỳnh: thách đấu Lý Tiểu Long vì tự tôn dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO