Sáng 14/2, cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp. Đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này.
Tới 10h15 phút sáng 14/2, cổ phiếu Novaland tiếp tục giảm 850 đồng xuống 11.950 đồng/cp với dư bán giá sàn gần 11 triệu đơn vị. Như vậy, cổ phiếu NVL đã giảm khoảng 86% từ mức gần 87.000 đồng/cp hồi tháng 9/2022.
Khối ngoại bán hơn 1 triệu cổ phiếu NVL, trong khi mua vào khoảng 280 nghìn đơn vị.
Theo Novaland, bà Hoàng Thu Châu - thành viên Hội đồng quản trị NVL đồng thời là Tổng giám đốc của Novagroup hôm 10/2 đã bán thỏa thuận hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân. Hiện, bà Châu còn sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 0,208% vốn của Novaland.
CTCP Diamond Properties mới đây vừa đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu NVL với mục đích nhằm cân đối danh mục đầu tư, dự kiến từ ngày 15/2 đến 12/3. Diamond Properties hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Novaland, nắm giữ 10,415% vốn, chỉ sau NovaGroup. Nếu giao dịch thành công giao dịch trên, Diamond Properties sẽ giảm sở hữu xuống còn 202,1 triệu cổ phiếu.
Ông Bùi Xuân Huy - thành viên HĐQT Novaland cũng đã đăng ký bán ra gần 14,8 triệu cổ phiếu NVL bằng phương pháp thỏa thuận trong khoảng từ ngày 10/2 đến 10/3. Trong khi đó, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh đã đăng ký mua vào 44,5 triệu cổ phiếu NVL bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Novaland ghi nhận nhiều biến động về nhân sự trong thời gian gần đây trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy giảm đột ngột dòng tiền…
Ông Bùi Thành Nhơn vừa trở lại ghế Chủ tịch HĐQT Novaland và là người đại diện pháp luật.
Trong phiên giao dịch sáng 14/2, nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm mạnh.
Bất động sản Phát Đạt (PDR) có lúc giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp giống NVL.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1.200 đồng xuống 52.200 đồng/cp.
Vinhomes (VHM) cũng giảm khá mạnh, mất 900 đồng xuống 43.500 đồng/cp.
Vincom Retail (VRE) giảm 700 đồng xuống 27.800 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản khác tăng giá nhẹ như: Nhà Khang Điền (KDH), DIC Corp. (DIG), Hà Đô (HDG), Đạt Phương (DPG), DRH…
Nhiều nhà đầu tư lo ngại một số doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt nhóm còn nợ trái phiếu nhiều và tổng nợ lớn so với quy mô doanh nghiệp.
Trong cuộc họp về tín dụng bất động sản ngày 8/2, nhiều doanh nghiệp đề nghị được cho vay, đề xuất giữ nguyên nhóm nợ. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hội nghị này nằm trong chuỗi hội nghị tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau và ngành ngân hàng phải cân đối nhiều mục tiêu và vì mục tiêu chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thống đốc cảnh báo nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Trong năm 2023 NHNN tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.