Không nhiều fan 9x, 10x hiểu vì sao Nottingham Forest lại được quan tâm đến vậy.
Forest từng vĩ đại hơn cả Man City, Arsenal
Bài hát truyền thống mà các CĐV Forest luôn hát trên sân City Ground nằm sát sông Trent là cải biên ca khúc “Mull of Kyntyre” nổi tiếng của Paul McCartney, ra đời vào năm 1977 đúng vào lúc thành công nhất của CLB. Trước trận chung kết play-off với Huddersfield, danh ca này tuyên bố: “tôi cũng mong sẽ được hát trực tiếp ở City Ground. Chúc may mắn, Nottingham!”.
Có lẽ ông cũng chẳng kỳ vọng đội bóng này leo lên được Premier League. Sau trận đấu, các báo Anh đồng loạt “nhắc”: “đã đến lúc hát nó rồi đấy, Paul”.
Nottingham Forest xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử bóng đá Anh với 157 năm tuổi, là một trong 5 CLB của Anh (cùng Liverpool, Man United, Chelsea, Aston Villa) từng vô địch C1/Champions League, đáng nói hơn họ cùng Liverpool là hai CLB bảo vệ thành công chức vô địch này, mùa 1979, 1980. Cho đến giờ, cả Man City lẫn Arsenal đều chưa từng có danh hiệu này.
Forest còn là một trong số những CLB sáng lập nên giải Premier League vào năm 1992. Lịch sử của CLB gắn liền với hàng loạt tên tuổi lừng lẫy của bóng đá Anh: Brian Clough, Peter Shilton, Stuart Pearce, Roy Keane, Stan Collymore, Martin O’Neill… Từ thập niên 1970s đến những năm đầu thập niên 1990s, Forest có vị thế chẳng khác gì Man City, Arsenal, Liverpool tại Premier League ngày nay. Nhưng cú rớt hạng năm 1999 đã chôn vùi tất cả, đến mức người ta tưởng cái tên này sẽ bị xóa xổ.
Trong lịch sử Premier League, chưa đội bóng nào mất thời gian lâu đến vậy để trở lại, ngay cả Leeds United trở lại mùa vừa qua cũng là 17 mùa. Trang BBC Sport đã làm một thống kê chi tiết về quãng thời gian này kéo dài 8414 ngày kể từ trận đấu cuối cùng của mùa Premier League 1999 dưới thời HLV nổi tiếng Ron Atkinson. Họ đã chơi 1069 trận đấu và play-off của các giải. Có tổng cộng 24 HLV khác nhau đã đến và đi.
Thậm chí năm 2005, Forest còn tụt xuống hẳn League One trong suốt 3 mùa giải, trở thành CLB vô địch châu Âu đầu tiên tụt xuống giải hạng Ba quốc nội. Kể từ mùa giải 2011/12 tới mùa này, Forest thậm chí chưa một lần vào đến Top 6. Mùa giải 2016/2017 họ xếp tận thứ 21/24 và chỉ đứng trên đội xuống hạng nhờ hơn hiệu số bàn thắng/bại với…2 bàn.
Mội đội bóng có lịch sử hào hùng như thế lại ngụp lặn đến 23 năm ở các hạng dưới là điều khó tin. Vì sao vậy?
Những ông Chủ tịch ‘trời đánh’
Bình luận viên Fray của BBC cho rằng sự khủng hoảng ở thượng tầng là nguyên nhân khiến Forest ngụp lặn trong bi đát. Vai trò của các đời Chủ tịch chỉ quanh quẩn với việc làm sao kiếm tiền nhanh nhất, quản lý kém và hở tí là sa thải HLV.
Đầu tiên là Nigel Doughty, người đã mua lại CLB sau khi rớt hạng năm 1999 với giá 11 triệu bảng. Dù tâm huyết nhưng ông thiếu chắc tay trong quản lý khiến đội rớt tiếp xuống League One trong 3 mùa. Rất nhiều HLV đã được mời về nhưng không ai trụ quá 1 mùa giải. Một trong những chữ ký “sai lầm trầm trọng” là đưa về cựu HLV tuyển Anh Steve McClaren năm 2011. 10 trận đấu chỉ kiếm vỏn vẹn…1 điểm, cựu trợ lý MU phải ra đi chỉ sau 112 ngày.
Nigel Doughty cũng từ chức ngay lập tức và 4 tháng sau thì…qua đời, ở tuổi 54, khi CLB vẫn chưa có chủ sở hữu mới.
Làn sóng các ông chủ ngoại tìm đến bóng đá Anh thập niên 2010s đã mang đến nhiều thay đổi tích cực, như tại Man City, Arsenal, Man United v..v. Nhưng khốn thay với Forest thì không. Mùa Hè 2012, CLB thông báo doanh nhân Fawaz Al Hasawi đến từ Kuwait giàu có đã mua lại cổ phần kiểm soát của Doughty. Công việc đầu tiên của Fawaz sau hai ngày tiếp quản là…đuổi cổ HLV Steve Cotterill để giao cho Sean O'Driscoll. Vài giờ sau khi dẫn dắt Forest giành chiến thắng 4-2 trước Leeds tại City Ground, giúp đội nhà vươn lên nửa trên bảng xếp hạng, O'Driscoll được thưởng…trát sa thải đầy khó hiểu.
HLV nổi tiếng Alex McLeish được mời đến và sau 40 ngày lại bị sa thải. Trong 5 năm quản lý Forest, nhà Al Hasawi đã đuổi việc đến 8 HLV, trong đó có cả huyền thoại của Forest là Stuart Pearce.
"Ở đoạn điên cuồng đó, các cầu thủ được 8 HLV khác nhau mang về và họ bị sa thải. Làm sao mà tập hợp được đội hình như vậy? Fawaz muốn Forest lên hạng, ông ta đổ tiền vào quá nhiều khiến đội bị cấm chuyển nhượng vì vi phạm nguyên tắc tài chính của FFP”, Fray bình luận.
Dấu ấn của nhà doanh nhân Kuwait chẳng có gì ngoài việc Forest ngụp lặn ở cuối bảng và hàng loạt những cuộc sa thải HLV lẫn GĐTT cho đến cả Đại sứ CLB. Alex McLeish thậm chí tức tối nhận xét rằng đội bóng dưới thời gia đình tỷ phú này không khác gì gã vô gia cư lôi thôi vật vờ trên vỉa hè.
Qúa chán ngán vì toàn thấy lỗ, Fawaz Al Hasawi rao bán đội bóng và người bỏ tiền ra mua là Evangelos Marinakis, một tỷ phú ngành hàng hải của Hy Lạp, nhà sáng lập của Capital Maritime & Trading Corp với đội tàu biển trọng tải lớn lên đến 70 chiếc gồm tàu chở dầu, tàu container và tàu hàng rời. Tài sản ước tính gần 2 tỷ euro.
Marinakis cũng mê chính trị từng là ủy viên Hội đồng thành phố Piraeus năm 2014. Nhưng ông được biết đến nhiều nhất ở lĩnh vực thể thao khi bỏ tiền ra để mua CLB giàu truyền thống bậc nhất Hy Lạp là Olympiakos năm 2010. Ông cũng từng là chủ tịch của giải Super League Hy Lạp và Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này (HFF). Trong nhiệm kỳ chủ tịch của ông, Olympiakos 7 lần VĐQG và 3 Cúp Quốc gia.
Nhưng đây cũng là ông chủ luôn gây nhiều tranh cãi và mang dáng dấp của một…mafia. Vào năm 2015, ông bị cáo buộc liên quan đến dàn xếp tỷ số tại giải VĐQG Hy Lạp diễn ra từ năm 2011. UEFA nghi ngờ có nhiều trận đấu “ma” do một mạng lưới đánh bạc thao túng, lan rộng ra 7 nước và Marinakis nằm trong số này.
Năm 2014, Marinakis được Tòa án sơ thẩm tuyên trắng án vỉ đe dọa trọng tài khi lao vào phòng nghỉ của trọng tài trong giờ giải lao trận chung kết cúp QG giữa Olympiakos và Asteras Tripolis.Marinakis nói rằng anh ta chỉ đến để “chúc may mắn” và không hiểu vì sao Olympiacos đã thắng chung cuộc 3-1. Cũng năm này, ông còn bị buộc tội dàn xếp tỉ số, đe dọa đánh bom tiệm bánh của một trọng tài, tống tiền và điều hành một tổ chức tội phạm. Chưa hết, năm 2018 ông còn bị cáo buộc buôn bán ma túy khi con tàu Noor 1 trong đội tàu của ông bị cảnh sát chặn lại ở đảo Crete và lôi ra đến 1 tấn heroin trị giá 70 triệu USD.
Người hùng Steve Cooper
Con người của Marinakis đến giờ vẫn đầy hoài nghi nhưng mọi thứ với CĐV Forest điều đó không quan trọng nữa khi ông đưa đội nhà lên hạng như đã hứa. Nhưng công lớn nhất phải là HLV Steve Cooper.
Đúng một năm trước, HLV người xứ Wales cũng dẫn dắt Swansea đá chung kết play-off Championship nhưng bị Brentford vượt qua. Ông nhận lời về Forest mùa này khi đội đáng đứng chót bảng với chỉ chỉ 4 điểm sau 8 trận, khởi đầu tệ nhất trong 108 năm. Không hiểu bằng một cách thần kỳ nào đó, Nottingham Forest đã trỗi dậy khi thắng liền 4/5 trận đấu đầu tiên. Vào tháng 12, lần đầu tiên họ xuất hiện ở nửa trên bảng xếp hạng.
Theo định giá của Transfermark, tổng giá trị đội hình của Nottingham Forest chỉ rơi vào khoảng 68 triệu bảng, tức chưa bằng giá của “diễn viên hài” Harry Maguire ở Man United. Bí quyết của Steve Cooper là tin tưởng vào các cầu thủ trẻ xuất thân từ chính CLB. “Họ hiểu rõ truyền thống của Forest và niềm tự hào màu áo đỏ. Chúng tôi xứng đáng thuộc về Premier League”, nhà cầm quân 45 tuổi nói.
Sự kiện Forest trở lại Premier League được báo chí Anh quan tâm nhất tuần qua. John McGovern, đội trưởng từng hai lần nâng Cúp C1 ở Munich năm 1979 và Madrid năm 1980, hào hứng: “trở lại đỉnh cao sẽ làm sống lại những kỷ niệm về thời kỳ lịch sử của CLB mà chúng tôi đã tạo ra. Nottingham Forest chỉ là CLB của một thành phố nhỏ, nhưng chúng tôi đã làm rung chuyển cả châu Âu và bây giờ Steve Cooper đã sát cánh cùng nhau để làm rung chuyển Premier League".
Trong cơn hào hứng, người ta có thể trở nên bốc đồng và nói những điều thiếu thực tế nhất. Nhưng chẳng sao, 23 năm mới có một lần, chẳng ai cấm được. Sân City Ground mùa tới sẽ lại vang hơn những giai điệu của bài “Mull of Kyntyre”. Rừng đã từng cháy trụi và giờ lại đâm chồi nảy lộc và chờ lên xanh, gọi muông thú quay về