Còng lưng nhặt tiền
Nhiều ngày nay, khi đi qua các đồng lúa ở huyện Phú Ninh, huyện Thăng Bình, TP Tam Kỳ (Quảng Nam)... rất dễ bắt gặp cảnh người dân cặm cụi đi nhặt ốc bươu vàng để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ốc bươu có thể bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập.
Ốc bươu vàng từ lâu được xem là loài ngoại lai gây hại bậc nhất đối với nông nghiệp. Chúng lại không có giá trị kinh tế nên người dân chủ yếu bắt về cho gà, vịt ăn.
Mùa mưa chính là thời điểm ốc bươu vàng bùng phát, sinh sôi rất nhiều. Ở những nơi nước chảy yếu, ốc sẽ không bị cuốn trôi và bám vào những nhánh cây, hoặc ngọn cỏ, tha hồ sinh sản.
Do vậy, để tiêu diệt loại sinh vật gây hại này, hàng năm, mỗi khi xuống giống, bà con nông dân phải tốn chi phí cả triệu đồng để loại bỏ chúng.
Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, loài vật gây hại này được một số thương lái thu mua nên bắt ốc bươu vàng trở thành nghề phụ mới, giúp bà con có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Tận dụng thời gian rảnh, vợ chồng ông Trần Văn Sang (45 tuổi, trú tại xã Bình Phúc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lại đi bắt ốc bươu vàng để kiếm thêm thu nhập.
Ông Sang cho biết, mùa nước lên, ốc bươu sinh sôi rất mạnh. Năm nay, số lượng ốc rất nhiều. Ốc được thương lái mua với giá 4.000 - 4.500 đồng/kg đối với ốc còn vỏ và 40.000 - 50.000 đồng/kg với ốc thịt.
Phần lớn bà con chỉ bán ốc còn vỏ, bởi tính tiện lợi nhanh gọn, không phải bỏ công ngồi lễ ốc mà so ra tiền thu được không nhiều hơn bao nhiêu.
"Chúng tôi đi rất nhiều nơi để bắt ốc, có hôm vào Tam Kỳ, lúc lại vào Phú Ninh... Mỗi ngày gia đình tôi bắt được khoảng 40 kg ốc, kiếm được từ 150-200 nghìn đồng", ông Sang nói.
Còn bà Võ Thị Nhung (40 tuổi, trú xã Bình Phúc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, mấy ngày qua cả làng rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng. Bà và mọi người thường bắt đầu đi từ 8 giờ sáng đến 4h chiều. Nếu chịu khó, một ngày có thể bắt được 30 đến 40kg ốc và may mắn gặp được ốc lớn thì có thể bắt lên đến 60 kg.
"Chỉ nửa buổi sáng mà tôi bắt được hơn 10 kg. Trung bình một ngày tôi bắt được 40 kg, bán ra được hơn 150 nghìn đồng. So với những năm trước thì giá ốc chưa cao bằng nhưng tranh thủ những lúc nhàn rỗi này tôi đi bắt để vừa làm sạch ruộng, vừa có thu nhập", bà Nhung chia sẻ.
Phải kiên trì mới làm được
Không chỉ riêng vợ chồng của ông Sang, bà Nhung bắt ốc mưu sinh mà nhiều người dân khác cũng tích cực với nghề phụ này vì bắt ốc bươu vàng không đầu tư gì nhiều nhưng kiếm được thu nhập cũng kha khá.
Bà Hồ Thị Liên (42 tuổi, trú tại xã Bình Phúc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ, sau mùa lúa, bà con nông dân làm đủ các nghề từ bắt cua, thả lồng cá… Đến thời điểm này thì nhặt ốc kiếm sống.
Bà con có thể đi bắt ốc vào buổi sáng sớm, chiều mát hoặc tranh thủ những khi nhàn rỗi. Mỗi ngày cũng có thể kiếm được vài chục đến vài trăm ngàn để đi chợ.
Đồ nghề "săn ốc" cũng rất đơn giản, chỉ cần một đôi găng tay, ủng lội bùn và một cái bao để đựng thành quả. Tuy thế nhưng không phải ai cũng có thể kiên trì làm được vì công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và chịu lội nước suốt nhiều giờ đồng hồ.
"Dù là nghề làm chơi ăn thiệt, nhưng công việc này suốt ngày phải cúi khom người để nhặt ốc nên rất dễ bị đau lưng. Lội nhiều trong bùn nên tối về chân, tay thường bị tê và nhức mỏi", bà Liên nói.
Bà Phạm Thị Lan (54 tuổi), một thương lái mua ốc bươu vàng tại huyện Thăng Bình cho biết, bà thu gom ốc rồi bán ra để làm thức ăn chăn nuôi thủy sản, tôm, cua… Giá ốc được bà thu mua từ 4.000- 4.500 đồng/kg tùy theo thị trường.
"Tôi thu mua ốc mới vài tháng nay thôi. Giá ốc khá ổn và cũng sắp vào vụ xuống giống lúa mới nên rất nhiều người đi bắt để có thêm thu nhập vừa là dọn ruộng luôn. Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã thu mua được vài tạ ốc để bán cho các đầu mối nuôi trồng thủy sản", bà Lan chia sẻ.
(Theo Dân Trí)