Nông dân đầu tiên tự sản xuất chocolate từ trái ca cao Tây Nguyên

06/02/2022 07:48

Ông Vũ Văn Nghĩa liên kết với người dân trồng hơn 120 ha ca cao và tự mày mò sản xuất chocolate.

Gần 20 năm sau khi uống ly ca cao do người thân từ nước ngoài gửi về, ông Nghĩa hiện thực hóa ước mơ bằng cách tự mình sản xuất chocolate ở vùng đất khó khăn nhất tại Đăk Nông.

Tăng thu nhập nhờ trồng ca cao

Đến thôn Tân Hợp, xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đăk Nông) hỏi nhà ông Vũ Văn Nghĩa người dân đều nhiệt tình chỉ dẫn. Ông Nghĩa là người đầu tiên của tỉnh Đăk Nông liên kết với nông dân trồng hơn 120 ha ca cao và tự sản xuất chocolate.

Gặp chúng tôi, ông Nghĩa khoe, những hạt ca cao được lấy từ quả loại một, thu hái và lên men cẩn thận, sẵn sàng tham gia vào quy trình tạo nên loại chocolate của một nông dân “chính hiệu”.

HTX Nông nghiệp Krông Nô chọn lựa quả ca cao chín mọng để thu hoạch. Ảnh: Quang Yên.

HTX Nông nghiệp Krông Nô chọn lựa quả ca cao chín mọng để thu hoạch. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nghĩa quê gốc Nam Định. Năm 1995, ông vào xã Tân Thành để trồng cà phê. Trong thời gian này, ông được mời tham gia một lớp tập huấn về cây ca cao.

Ước mơ về sản xuất ca cao vốn đã nung nấu trong ông hàng chục năm trước khi được thưởng thức ly ca cao của người thân gửi từ nước ngoài về. Nay được tiếp cận với các kiến thức về ca cao nên ước mơ tự sản xuất ca cao cũng như chocolate lại trỗi dậy mạnh mẽ. Từ đó, ông Nghĩa quyết định trồng xen cây ca cao trong vườn cà phê, vừa tiết kiệm diện tích, vừa tránh rủi ro khi thử nghiệm với giống cây trồng mới.

Theo ông Nghĩa, ý định ban đầu của ông là trồng xen ca cao để tận dụng quỹ đất trống, tăng thu nhập. Nhưng sau 3 năm chăm sóc, ông nhận thấy ca cao khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Cây cho trái quanh năm, thu hoạch rải rác trong thời gian 8 - 9 tháng.

Từ hiệu quả bước đầu, ông vận động người dân trên địa bàn cùng mở rộng diện tích trồng. Thay vì trồng xen, ông Nghĩa chuyển đổi 2 ha cà phê để trồng thuần toàn bộ ca cao.

Ông Nghĩa cho biết muốn có chocolate ngon thì phải lựa những quả ca cao loại một. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nghĩa cho biết muốn có chocolate ngon thì phải lựa những quả ca cao loại một. Ảnh: Quang Yên.

Mỗi hecta đất, ông Nghĩa trồng hơn 1.000 cây ca cao. Sau mấy năm chăm sóc, cây bắt đầu vào thời kỳ cho thu hoạch, với năng suất bình quân từ 2 - 2,5 tấn hạt/ha.

“Trung bình mỗi năm tôi thu mua khoảng 90 tấn ca cao hạt, có năm lên tới gần 150 tấn hạt. Phần lớn được xử lý thô sau đó bán cho các đơn vị sản xuất bột ca cao, dầu thực vật hoặc chocolate, chỉ một ít trong đó là được giữ lại cho gia đình dùng”, chủ nhân xưởng chế biến chocolate nhớ lại thời điểm trước khi thực hiện chế biến sâu.

Nông dân làm giám đốc

Năm 2016, ông Nghĩa thành lập HTX Nông nghiệp Krông Nô nhằm hỗ trợ người trồng ca cao kỹ thuật chăm sóc vườn cây và đầu ra sản phẩm. HTX dần định hình được thương hiệu khi liên tục được huyện Krông Nô cử đi triển lãm hoặc trưng bày, giúp sản phẩm ca cao trên địa bàn có đầu ra ổn định.

Sau một thời gian đứng ra làm đầu mối, ông Nghĩa thấy việc liên kết tiêu thụ ca cao phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp, tập đoàn. Giá ca cao thô so với ca cao thành phẩm cũng chênh lệch “một trời một vực”. Từ đó, vị giám đốc xuất hiện ý tưởng chế biến ca cao thành những sản phẩm thương mại.

Từ một nông dân, ông Nghĩa thành lập HTX và liên kết với người dân trồng hơn 120 ha ca cao. Ảnh: Quang Yên.

Từ một nông dân, ông Nghĩa thành lập HTX và liên kết với người dân trồng hơn 120 ha ca cao. Ảnh: Quang Yên.

“HTX ban đầu chỉ sản xuất bột ca cao đơn thuần. Nhưng từ đầu năm 2021, chúng tôi nhập thêm máy móc để chế biến thêm 3 sản phẩm từ ca cao gồm chocolate nguyên chất 100%, chocolate 65% và chocolate sữa 40%. Đây là những thanh chocolate nguyên vị, mang hơi thở của vùng đất Krông Nô”, ông Nghĩa tự hào giới thiệu.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô chia sẻ có trực tiếp làm mới thấy công việc này không hề đơn giản. Bởi một mẻ chocolate thành công phải cộng hưởng rất nhiều yếu tố, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các công đoạn chế biến sâu.

“Tôi vốn là nông dân, xuất thân từ gia đình nông dân chính hiệu nên cách tôi làm cũng rất… nông dân. Có lần tôi tự đóng thùng sản phẩm mang ra Hà Nội giới thiệu. Ban đầu cũng không ai tin tôi sản xuất chocolate được, nhưng khi thưởng thức rồi nghe tôi kể, tận mắt chứng kiến quy trình của HTX, họ tin ngay. Bây giờ tôi cũng đã tìm được cho mình những khách hàng tin cậy”, ông Nghĩa kể.

Các sản phẩm chocolate của HTX Nông nghiệp Krông Nô chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Quang Yên.

Các sản phẩm chocolate của HTX Nông nghiệp Krông Nô chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Quang Yên.

Năm 2021, 2 sản phẩm bột ca cao và chocolate của HTX Nông nghiệp Krông Nô được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao. Từ đó, HTX được UBND huyện Krông Nô hỗ trợ máy móc, kinh phí để thiết kế, in bao bì, làm tem nhãn nên sản phẩm từ ca cao từng bước tạo dựng được thương hiệu.

“Với giá bán bột ca cao vào khoảng 370.000 đồng/kg và 600.000 đồng/kg chocolate, giấc mơ nâng tầm giá trị vùng nguyên liệu ca cao của ông Nghĩa và HTX Nông nghiệp Krông Nô đang dần trở thành hiện thực. Cánh đồng ca cao gần 120 ha do tôi liên kết sản xuất cũng đi theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn, có lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu để đưa sản phẩm lên các sản thương mại điện tử để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn”, vị giám đốc chia sẻ thêm về kế hoạch của mình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nông dân đầu tiên tự sản xuất chocolate từ trái ca cao Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO