Ca sốt xuất huyết tăng gấp đôi, Hà Nội thêm 8 ổ dịch mới
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đến hết ngày 5/8, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trong tuần 30 đều tăng so với tuần trước đó.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết trong tuần qua bao gồm: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16), Thường Tín (14), Thanh Oai (10), Thanh Xuân (10)…
Đáng chú ý, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 608 ca bệnh sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Thành phố có tổng cộng 55 ổ dịch phân bố tại 19 quận, huyện. Trong số này, hiện 13 ổ dịch vẫn đang còn hoạt động.
CDC Hà Nội dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là đang trong cao điểm mùa dịch. Kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.
Người dân tại "điểm nóng" vẫn chủ quan
Thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên là một trong những "điểm nóng" của Thủ đô về dịch sốt xuất huyết. Theo thống kê, chỉ trong thời gian từ 28/6 - 20/7, thôn đã ghi nhận 31 ca mắc sốt xuất huyết.
Thôn Phú Nhiêu có 400 hộ gia đình, 1.750 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và lao động tự do. Qua kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội nhận định, hầu hết các hộ gia đình tại thôn có thói quen tích trữ nước mưa ở các dụng cụ chứa nước như bể, thùng phi, đây là nơi trú ngụ lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Xử lý các dụng cụ chứa nước này là rất khó khăn bởi số lượng dụng cụ chứa nước nhiều và chỉ có thể thực hiện được từ sự tham gia tích cực của người dân. Thêm vào đó, các gia đình đều dành phần lớn sân vườn, tầng thượng để trồng hoa, cây cảnh…, nước còn đọng tại các chậu cảnh, hòn non bộ không được dọn dẹp thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung) có con bị sốt xuất huyết ngày 20/7 đến nay đã điều trị khỏi. Mặc dù được cán bộ trạm y tế xã hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên gia đình vẫn chủ quan.
Thực tế gia đình có nhiều chậu cây cảnh ngoài trời còn đọng nước, bể nước sinh hoạt còn hở nắp đậy. Vì vậy, khi có người mắc sốt xuất huyết, gia đình thông báo ngay đến trạm y tế xã, cán bộ trạm đã trực tiếp xuống hộ gia đình hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường, tháo nước chậu cảnh, đối với những bể lớn thả cá tiêu diệt bọ gậy và đậy kín nắp ở các bể chứa nước sinh hoạt.
Hiện nay, mặc dù công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết đã được triển khai rộng khắp từ tuyến thành phố tới các cơ sở và các hộ gia đình. Tuy nhiên, vai trò của các chủ hộ gia đình trong công tác phòng chống sốt xuất huyết là quan trọng hàng đầu, bởi lẽ lực lượng cán bộ y tế có hạn, dân số đông, số hộ gia đình lớn. Hiệu quả của công tác phòng chống sốt xuất huyết bắt đầu từ nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân, mỗi gia đình đến cộng đồng dân cư.