Nỗi nhọc nhằn của cô giáo cắm bản ở điểm trường "4 không"

19/11/2022 12:00

Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Tiền Phong 4,  huyện Quế Phong (Nghệ An) chỉ mong ước có một căn nhà bán trú để cô trò đỡ vất vả, khó khăn.

Nỗi nhọc nhằn của cô giáo cắm bản ở điểm trường
Cô Lương Thị Thắm - Trường Tiểu học Tiền Phong 4 - Quế Phong - Nghệ An luyện viết cho học sinh tại điểm trường Huồi Muồng. Ảnh: Quang Đại

Điểm trường chỉ có... 3 học sinh

Lớp 2E  - Trường Tiểu học Tiền Phong 4 tại điểm trường Huồi Muồng chỉ có 11 học sinh, trong đó có 10 em con hộ nghèo, 5 em mồ côi bố. Ảnh: Quang Đại
Lớp 2E - Trường Tiểu học Tiền Phong 4 tại điểm trường Huồi Muồng chỉ có 11 học sinh, trong đó có 10 em con hộ nghèo, 5 em mồ côi bố. Ảnh: Quang Đại

Vào dịp 20.11 năm nay, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường Tiểu học Tiền Phong 4 – một trong những trường khó khăn nhất của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Đến điểm trường chính vào giờ học, sân trường vắng, chỉ nghe tiếng đọc bài của học sinh vang lên trong các lớp học.

Thầy Nguyễn Phương Nam – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tiền Phong là một xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện 18km, toàn xã có 4 bản, 742 hộ, 2.925 nhân khẩu, 100% dân tộc Thái, đời sống của bà con còn hết sức khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo rất cao.

Em Vy Thị Hồng Linh và Vy Ngọc My -học sinh lớp 1E- trường Tiểu học Tiền Phong 4 - con hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Đại
Em Vy Thị Hồng Linh và Vy Ngọc My -học sinh lớp 1E- trường Tiểu học Tiền Phong 4 - con hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Đại

“Khó khăn nhất của trường là hiện vẫn còn 4 điểm trường lẻ (và 1 điểm trường chính) tại các bản Na Bón, Huồi Muồng, Xốp Sành, Na Sành. Trong đó, điểm trường Xốp Sành chỉ vỏn vẹn 3 học sinh, nhưng do nhà các em quá xa điểm trường chính, nên vẫn phải duy trì điểm trường tại đây.

Việc có quá nhiều điểm trường làm cho giáo viên hết sức khó khăn, học sinh thiệt thòi vì không được học tập trung tại điểm chính có đầy đủ trang thiết bị hiện đại” – thầy Nam nói.

Vượt qua quãng đường dài với nhiều con dốc, thầy Hiệu trưởng đưa phóng viên đến điểm trường tại bản Huồi Muồng. Tại đây có 3 lớp, 31 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Thấy khách đến, các em học sinh ngoan ngoãn đứng dậy chào. Một đặc điểm chung của học sinh ở đây là em nào cũng thấp bé, nhẹ cân, gầy gò do dinh dưỡng kém, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Cô Trần Thị Thanh, giáo viên dạy lớp 2E cho biết trong lớp có 11 em thì 10 em hộ nghèo, 1 em khá nhất cũng là hộ cận nghèo, 5 em bố đã mất, mẹ đi làm ăn ở với ông bà, cậu, gì. Có trường hợp em Hà Bảo Khang, bản Na Câng bố mất, mẹ sức khỏe yếu, không ai chăm, hàng ngày các cô phải chở đi học.

Em Lô Tuấn Tú, bản Huồi Muồng bố mất, mẹ đi làm ăn xa nên ở với bà ngoại, hàng ngày ăn cơm với bác, bữa đói bữa no.

Căn phòng đơn sơ dành cho các cô giáo nghỉ tạm vào buổi trưa để dạy buổi chiều. Ảnh: Quang Đại
Căn phòng đơn sơ dành cho các cô giáo nghỉ tạm vào buổi trưa để dạy buổi chiều. Ảnh: Quang Đại

Tại điểm trường này có một căn phòng nhỏ đơn sơ để các cô giáo nghỉ tạm vào buổi trưa. Cô Đặng Thị Chung (sinh năm 1990) cho biết: “Bữa trưa chị em ở tạm ở đây, có gì ăn nấy cho qua bữa, buổi chiều dạy xong về nhà”.

Nỗi niềm cô giáo cắm bản ở điểm trường " 4 không"

Con đường gian nan các cô giáo Trường Tiểu học Tiền Phong 4 phải vượt qua để đến điểm trường Na Sành. Ảnh: Quang Đại
Con đường gian nan các cô giáo Trường Tiểu học Tiền Phong 4 phải vượt qua để đến điểm trường Na Sành. Ảnh: Quang Đại
Con đường gian nan các cô giáo Trường Tiểu học Tiền Phong 4 phải vượt qua để đến điểm trường Na Sành. Ảnh: Quang Đại

Điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của Trường Tiểu học Tiền Phong 4 đặt tại bản Na Sành, cách điểm trường chính 12km, đường đi hết sức khó khăn. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1976, giáo viên cắm bản Na Sành đã 2 năm, cho biết: Đường vào bản ôtô không thể đi được, đi xe máy cũng cực kì vất vả, phải 1 tiếng mới đến nơi. Đường đi qua 6 con suối, nhiều con dốc, khi trời mưa phải nhờ phụ huynh dìu xe qua suối, rất vất vả và nguy hiểm.

Điểm trường ở bản Na Sành cách điểm trường chính 12 km đường núi. Ảnh: Quang Đại
Điểm trường ở bản Na Sành cách điểm trường chính 12 km đường núi. Ảnh: Quang Đại

“Mỗi lần đi từ nhà đến trường là tôi mệt mỏi, rụng rời chân tay” – cô Thu Hà nói.

Điểm trường Na Sành cũng được mệnh danh là điểm trường 4 không: Không đường, không điện lưới, không sóng điện thoại, không có sóng 3G. Cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng do xây dựng đã quá lâu.

Do đường xa và quá khó đi, 3 giáo viên cắm bản ở đây chỉ có thể về nhà vào dịp cuối tuần. Đầu tuần, các cô đến trường đưa theo gạo và thực phẩm, cố gắng chia ra sao cho đủ ăn trong tuần.

Sau giờ dạy, các cô giáo ở điểm trường Na Sành kiếm củi, lúi húi nấu ăn. Ảnh: Quang Đại
Sau giờ dạy, các cô giáo ở điểm trường Na Sành kiếm củi, lúi húi nấu ăn. Ảnh: Quang Đại

Cùng cắm bản tại đây với cô Hà có cô Quang Thị Lục (SN 1977) và cô Vi Thị Huệ (SN 1992), cùng lấy chồng về xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), cách bản Na Sành 30km. Cả 3 giáo viên đều có hoàn cảnh khó khăn: Cô Hà chồng mất, cô Lục và cô Huệ chồng làm nông, thu nhập bấp bênh.

“Sau mỗi giờ dạy, chị em lại ra bờ suối kiếm ít củi, rau xanh, rồi về lúi húi nấu ăn. Buồn nhất là buổi tối, khi học sinh đã về hết, 3 chị em ngồi nhìn nhau, rất buồn và nhớ nhà. Ở đây mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng, nhà nội trú thì dột nát” – cô Thu Hà chia sẻ.

Ba cô dù dạy ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng không được hưởng phụ cấp vùng. Nhà trường thấy khó khăn quá nên vận động giáo viên chung tay hỗ trợ cho một ít tiền xăng xe. “Mỗi người đi cắm bản 1 năm, riêng tôi đã 2 năm. Biết là vất vả nhưng vì nhiệm vụ nên ai cũng chấp nhận. Chỉ thương các em học sinh quá vất vả, thiệt thòi” – cô Vi Thị Huệ cho hay.

Học sinh ở đây đều là con hộ nghèo, nhiều em mồ côi, gia đình không có điều kiện chăm sóc đầy đủ, do đó thiếu thốn đủ thứ. “Thương trò, các cô thường mua cho quần áo, sách vở, bút. Nhưng các cô cũng nghèo nên chỉ giúp đỡ được một phần. Thương nhất là do điểm trường quá xa, không có điện nên các em không được tiếp xúc với các phương pháp, phương tiện dạy học hiện đại” – cô Thu Hà nói.

Học sinh trường Tiểu học Tiền Phong 4 tập thể dục giữa giờ. Ảnh: Quang Đại
Học sinh trường Tiểu học Tiền Phong 4 tập thể dục giữa giờ. Ảnh: Quang Đại

Thầy Nguyễn Phương Nam – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mong muốn của nhà trường là xây dựng thành công Trường Tiểu học bán trú, có một khu nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt là có khu nội trú cho khoảng 80 học sinh, để các em học sinh ở tất cả các điểm trường lẻ được về học tại điểm chính, hưởng chế độ bán trú của nhà nước, được sử dụng phương tiện học tập hiện đại và ở trong môi trường giáo dục tốt hơn so với các điểm trường lẻ.

Trường Tiểu học Tiền Phong 4 có điểm chính đặt tại bản Piêng Cu – xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An. Trường có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 16 lớp, 232 học sinh. Năm học 2021 - 2022, trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh, có 15 giáo viên giỏi trường, 3 học sinh giỏi tỉnh, 12 học sinh giỏi huyện. Trường đã đạt kiểm định chất lượng mức 2, chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2022.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/giao-duc/noi-nhoc-nhan-cua-co-giao-cam-ban-o-diem-truong-4-khong-1118247.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/giao-duc/noi-nhoc-nhan-cua-co-giao-cam-ban-o-diem-truong-4-khong-1118247.ldo
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Nỗi nhọc nhằn của cô giáo cắm bản ở điểm trường "4 không"
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO