Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tọa lạc tại phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Bảo tàng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000m2 và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 5/5/2014.
Đây là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại bậc nhất tỉnh Điện Biên hiện nay. Công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Trong những ngày lịch sử này, mỗi ngày bảo tàng tiếp đón hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chia sẻ, bảo tàng là một công trình văn hóa, du lịch của tỉnh Điện Biên và lựa chọn không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến thăm thành phố lịch sử. Trong những ngày cuối tháng 4, bảo tàng tiếp đón 3.000-5.000 lượt khách mỗi ngày.
Hướng dẫn viên Lò Thị Thương trình bày với du khách về các chiến hào, công sự của Pháp khi đổ bộ xuống chiếm lĩnh cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên Phủ.
Trong ảnh là hoạt cảnh kéo pháo vào trận địa. Đây là khẩu pháo cao xạ 37mm do Liên Xô sản xuất viện trợ cho Quân đội Nhân dân Việt Nam - một trong bốn khẩu pháo cao xạ 37mm của Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn Công pháo 351 đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát Moran đầu tiên của thực dân Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ, ngày 14/3/1954.
Nhân dân các dân tộc Tây Bắc mang theo lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến và lực lượng dân công hỏa tuyến bảo đảm công tác hậu cần cho chiến dịch với nhiều hình thức như gùi trên lưng, mang ngựa thồ, hoặc dùng xe đạp thồ cải tiến.
Với những hiện vật gắn với những kỳ tích của cá nhân được đặt trang trọng tại những vị trí dễ nhìn, dễ quan sát và dễ giới thiệu, tuyên truyền cho khách tham quan như chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp đã được dân công sử dụng để chở lương thực, tuy nhiên lúc đầu mỗi xe chỉ chở được từ 80-100kg, đi lại rất vất vả. Trong quá trình vận chuyển ông Thắng đã có sáng kiến cải tiến chiếc xe đạp thồ để nâng mức chở lên 200kg, thậm chí hơn 300kg. Như chiếc xe ông Thắng sử dụng đã lập kỷ lục khi chở đến 325kg.
Quá trình chiến đấu gian khổ, khi phải đào hầm hào vây lấn cứ điểm địch, bộ đội ta đã có sáng kiến sử dụng "Con Cúi" trong chiến thuật đánh lấn, giúp che chắn hỏa lực bắn thẳng của địch, tạo điều kiện cho bộ đội ta xây dựng công sự, áp sát địch.
Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra 3 đợt. Trong đó, đợt 3 từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ "quyết chiến, quyết thắng" của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, chính thức ghi danh chiến thắng Điện Biên Phủ vào lịch sử.
Trong ảnh, du khách bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tại khu vực trưng bày ảnh, tên, tuổi của những anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu vực tái hiện cảnh bộ đội phất cờ Chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát chiều 7/5/1954.
Điểm nhấn vô cùng ấn tượng đối với du khách là toàn bộ phía trong tầng 2 của nhà bảo tàng được thiết kế bức tranh panorama, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những bức tranh được vẽ liên hoàn trên tường trong cùng một không gian...
Bức tranh tái hiện 4.500 nhân vật trong trận chiến Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Nội dung bức tranh gồm 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề rõ ràng như "toàn dân ra trận", "khúc dạo đầu hùng tráng", "cuộc đối đầu lịch sử" và "Chiến thắng Điện Biên".
Trong ảnh là một cảnh thuộc trường đoạn "toàn dân ra trận", mô tả toàn dân gánh gạo, thồ hàng, tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh giặc.
Tác phẩm có chiều dài 132m, cao hơn 20,5m, với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.225m².
Hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp tài hoa của gần 200 họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, trong không gian 360 độ.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang tổ chức xem tranh theo từng đợt khách.
Để đảm bảo du khách được khám phá bức tranh chân thực nhất, mỗi lượt chiếu, bảo tàng đón khoảng 30-50 khách. Hình ảnh, âm thanh kết hợp với lời thuyết minh mang đến cho du khách cái nhìn toàn cảnh về trận chiến Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Theo Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong đợt cao điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị sẽ tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan thêm một số buổi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ 19h30 đến 21h.