Tuần qua, câu chuyện kiểm soát giá cả hàng hóa cận Tết cũng là một chủ đề được nhiều báo quan tâm.

Trang nhất của Báo Tiền phong đã đăng hàng tít này cho bài bình luận: đó là "Nỗi lo đi chợ Tết". Nỗi lo này thường trực hơn kể từ Tết Dương lịch đến nay bởi giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống đã tăng. Lý giải về nguyên nhân của việc tăng giá này, các doanh nghiệp cho rằng, từ nhiều tháng qua, chi phí đầu vào tăng cao, nhất là sự biến động của thị trường xăng dầu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản xuất.

Cùng lúc đó, chính sách hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) của Chính phủ kết thúc vào ngày 31/12/2022 đã tác động dẫn đến việc hình thành mặt bằng giá mới. Các nhà quản lý luôn khẳng định không thiếu hàng, kể cả những ngày cao điểm Tết và cam kết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá để trục lợi. Song trong thực tế, từ trước đến nay, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ vẫn luôn tăng cao vào mỗi dịp lễ, Tết.

Theo một số chuyên gia kinh tế, nhu cầu mua sắm dịp Tết năm nay sẽ tăng nhưng ở một mức khiêm tốn. Lý do là sau đại dịch, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nên vẫn phải tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra, thời gian qua, có một bộ phận công nhân bị nghỉ việc, giãn việc và thu nhập của người lao động ở một số nơi bị giảm.

Trên tờ Đại đoàn kết, Trưởng phòng Quản lý thương mại, sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giáp Tết các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá. Không điều chỉnh tăng giá trong và sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm...

Trước thực tế không ít mặt hàng tăng giá trong khi đời sống của nhiều người lao động đang gặp khó khăn, theo các chuyên gia, để kiềm chế thì nên tính toán để tiếp tục gia hạn các chính sách hỗ trợ.

Báo Thanh niên đưa phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng: để bình ổn mặt bằng giá cả, có thể nên cân nhắc tiếp tục gia hạn thời gian giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Nếu vừa dự toán, còn dư địa thì vẫn nên tiếp tục giảm thuế. Tương tự, mức giảm 2% thuế VAT cũng cần cân nhắc nguồn thu từ ngân sách để gia hạn. Còn chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, nên tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ để tạo điều kiện cho nền kinh tế có sức vực dậy sau những khó khăn từ quý 4/2022 cũng như tạo đà phát triển trong 2023.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo đi chợ Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO