Ngày 27/7, Nga đã cắt lưu lượng khí đốt qua đường ống lớn nhất chảy sang Đức - Dòng chảy phương Bắc 1 - xuống 20% công suất tối đa. Nga giải thích đây là vấn đề liên quan tới kỹ thuật, trong khi Mỹ cáo buộc rằng đây là hành động đáp trả của Moscow với lệnh trừng phạt của phương Tây.
Động thái của Nga khiến cả hai bên bờ Đại Tây Dương lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng khi mùa đông sắp tới. Nhiều nước lo lắng vì khó có thể đạt được mục tiêu lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông trước mắt.
Các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực hết sức đằng sau hậu trường để giữ các đồng minh châu Âu đoàn kết trong nỗ lực đối phó Nga, khi Moscow tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu.
Để đối phó với tâm lý lo ngại gia tăng tại châu Âu, Nhà Trắng đã cử Đặc phái viên về năng lượng toàn cầu Amos Hochstein đến châu Âu nhằm thảo luận về kế hoạch dự phòng với nhóm công tác năng lượng của Mỹ - EU, vốn được thành lập vào tháng 3, một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Đó là nỗi lo lớn nhất của chúng tôi", quan chức Mỹ thừa nhận về ảnh hưởng của việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Ông cho rằng, Mỹ cũng có thể chịu tác động từ động thái này, với việc giá khí đốt và điện sẽ tăng vọt và gây thêm thách thức cho vấn đề lạm phát đang diễn ra ở nước này và các đồng minh.
Đây cũng là phép thử rất quan trọng cho sự đoàn kết của châu Âu trước "lá bài" uy lực từ Nga. Từ vài tháng qua, "sóng ngầm" đã âm ỉ trong lòng EU về biện pháp đối phó Nga trong bối cảnh nhiều nước thành viên của liên minh phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Mỹ và EU đã nỗ lực thuyết phục các thành viên của khối đồng ý thực thi chiến lược "thắt lưng buộc bụng" khí đốt khi đề xuất ban đầu bị nhiều nước thành viên thẳng thừng phản đối. Cũng có những cuộc thảo luận trong những ngày gần đây về việc tăng cường sản xuất năng lượng hạt nhân ở châu Âu để thay thế khí đốt Nga.
Mỹ cũng rất quan ngại trước kịch bản châu Âu sẽ thiếu khí đốt cho mùa đông này. Sự phụ thuộc quá lớn vào Nga trong hàng chục năm đã khiến nhiều nước EU khó có thể nhanh chóng tìm được nguồn cung năng lượng thay thế Nga. Kể cả Mỹ có tăng xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang EU và châu Âu bắt đầu tiết kiệm khí đốt, thì việc lấp đầy kho dự trữ là cũng rất khó khăn.
Giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức 2.300 USD mỗi 1.000m3 vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ tháng 3 sau khi Nga chính thức giảm lưu lượng khí chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia gọi những động thái mới nhất của Nga là "sử dụng khí đốt tự nhiên như một vũ khí chính trị và kinh tế" và tuyên bố sẽ cùng châu Âu chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga.