Nỗi lo con dậy thì sớm

Lam Chi| 02/02/2023 17:33

Xã hội phát triển, cha mẹ cũng đối diện cùng nhiều nỗi lo trong đó có nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ. Không ít trẻ mới ở độ tuổi 7, 8 tuổi đã xuất hiện những dấu hiệu dậy thì khiến cha mẹ đứng ngồi không yên.

Hốt hoảng vì con dậy thì sớm

Nếu như trước đây, độ tuổi dậy thì trung bình của trẻ em gái từ 10 -13 tuổi thì hiện nay, độ tuổi này đang được rút ngắn. Nhiều trẻ ở độ tuổi 7,8 – thậm chí có trẻ mới chỉ 5,6 tuổi đã có những dấu hiệu dậy thì sớm. C

hị Ngọc Nga, mẹ bé gái 5 tuổi đang học mẫu giáo lo lắng lên các diễn đàn về dậy thì sớm hỏi thăm kinh nghiệm các mẹ: “Bé nhà em mới 5 tuổi nhưng ngực đã thấy hơi nhú. Cả nhà cứ bảo bé mập nên vậy nhưng em quan sát sờ thấy hơi cứng chứ không phải mập mỡ. Em lo quá, có nên đưa con đi khám không ạ?”. Đáp lại lời chị, hàng loạt các bà mẹ đang có chung mối quan tâm liền vào hỏi han chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Những mẹ có con đang điều trị dậy thì sớm đều đưa ra lời khuyên nên đưa bé đi khám để kịp thời điều trị.

goi-kham-phat-hien-day-thi-som-1.jpg
Không ít bé mới 5, 6 tuổi đã có dấu hiệu dậy thì sớm khiến cha mẹ lo lắng.

Chị Vân An, mẹ bé gái 7 tuổi chia sẻ kinh nghiệm của chính mình: “Bé nhà mình ngực nhú từ năm lớp 1, chủ quan không để ý, đến năm nay bé vào lớp 4, con đã dậy thì, rụng dâu (có kinh nguyệt) rồi! Nhìn con lúng túng, chưa biết gì mà thương con trách mình lắm!”. Đồng cảm với chị Vân An, các bà mẹ đều bày tỏ nỗi lo khi nuôi dạy con gái, thấp thỏm lo con dậy thì sớm vì nói như nhiều người thì: “Con còn nhỏ quá chưa ý thức được, nhìn con hồn nhiên phải đối diện với hàng loạt rắc rối do dậy thì mang lại thấy thương con quá!”.

Tiêm hormone kìm hãm để ngăn dậy thì sớm

Chất lượng sống được nâng cao, cha mẹ cũng tiếp cận nhiều nguồn thông tin nuôi con hơn, quan tâm đến con hơn. Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ được nhiều cha mẹ theo sát, lo lắng và tìm biện pháp giúp “kéo dài hơn tuổi thơ con”. Không ít gia đình chia sẻ nỗi lo dậy thì sớm ở trẻ là “sợ con không cao được, sợ trẻ phát triển sớm rồi chững chiều cao, thấp hơn các bạn, sợ con mất tuổi thơ, sợ nguy cơ kinh nguyệt sớm…” Tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu ở các bậc cha mẹ khi có con rơi vào tình trạng dậy thì sớm.

day_thi_som.format-jpeg.jpegquality-75.jpg
Trẻ đột nhiên cao vổng, nhú ngực và có mùi hôi cơ thể là những dấu hiệu cảnh báo dậy thì sớm.

Vợ chồng chị Hà Linh (Hải Phòng), người bền bĩ trong suốt 3 năm kìm hãm dậy thì sớm cho con chia sẻ về hành trình của mình: “Thấy con đột nhiên cao vổng hơn các bạn dù mới chỉ học lớp 2, ngực nhú một bên và có nhầy âm đạo nên vợ chồng lo lắng đưa con đi khám, chụp kiểm tra. Bác sĩ chụp xương ống tay và siêu âm buồng trứng, xét nghiệm máu, kiểm tra lượng hormone rồi đưa ra kết luận bé dậy thì sớm, xương phát triển tương đương trẻ lên 11 khiến cả nhà sốc nặng”. Tiếp theo sau đó là hành trình anh chị phải chạy đua với việc tiêm hormone điều trị cho con. Theo tư vấn của bác sĩ, trẻ dưới 8 tuổi còn kịp để tiêm hormone kìm hãm phát triển, tránh nguy cơ các khớp xương đóng sớm, trẻ không phát triển chiều cao sau này thêm được nữa.

istockphoto-1129332893-612x612.jpg
Cha mẹ nào cũng mong con được sống đúng với lứa tuổi mình, kéo dài tuổi thơ con.

Thương con, anh chị miệt mài với hành trình mỗi tháng đưa con đi tiêm, cứ 2-3 tháng lại khám và xét nghiệm lại. Chị Linh chia sẻ: “Mỗi mũi tiêm là 2tr8, nếu khám và xét nghiệm nữa thì hơn 3tr5. Phần của con ngốn mất 1/3 lương mẹ những thương con nên vẫn bấm bụng để điều trị, vì tương lai con”. Quá trình điều trị, anh chị cho biết còn vấp phải sự phản đối của gia đình hai bên vì ai cũng bảo “cứ để con phát triển bình thường. Nó đang cao lại đi tiêm kìm hãm nó bớt cao?”. Nhìn con mỗi lần đi tiêm, xét nghiệm đều mệt mỏi uể oải, anh chị quặn lòng thương con – nỗi lòng chỉ ông bố bà mẹ nào có con dậy thì sớm mới hiểu.

Phòng tránh dậy thì sớm ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân được nhận định có thể gây nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ. Những cha mẹ hiện đại được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nuôi con khoa học không khó để tìm thấy các tài liệu đề cập vấn đề này. Nhìn chung, những lời khuyên đưa ra hầu hết đều liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ:

istock-901992056.jpg
Kiểm soát chế độ ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi là điều cha mẹ có thể làm để giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
  • Giảm bớt lượng đường, chất béo: Đường từ sữa công thức, sữa có đường và bánh kẹo cùng những chất béo từ thức ăn nhanh, đồ chiên rán,… được coi như một trong những nguy cơ gây béo phì, dậy thì sớm ở trẻ. Những trẻ thừa cân thường dậy thì sớm hơn trẻ khác. Ý thức được điều này, các bậc cha mẹ đã áp dụng cách cho con uống sữa hạt, ăn nhiều rau xanh, củ, quả…
  • Vận động: Cho trẻ tham gia các môn thể thao, vận động nhiều là cách giúp trẻ tăng cường sức khỏe và hạn chế dậy thì sớm. Những môn thể thao như đạp xe, nhảy dây, bơi lội, bóng rổ… giúp ích cho phát triển chiều cao của trẻ rất nhiều. Cha mẹ cũng có thể cho con tham gia các bộ môn như nhảy hiện đại, leo trèo, đi bộ, trượt patin, các chuyến dã ngoại… thay vì chỉ để trẻ ngồi xem các chương trình tivi, lướt youtube hay mạng tiktok…
  • Tránh xa nguồn estrogen và testosterone bên ngoài: hạn chế các thuốc, hoặc đồ ăn uống có chứa estrogen hoặc testosterone, hóa mỹ phẩm người lớn…
  • Kiểm soát các chương trình tivi, tiktok, phim ảnh, sách truyện… theo đúng nội dung phù hợp lứa tuổi.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo con dậy thì sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO