Trong cơn lũ lớn những ngày vừa qua, người nuôi ong ở Huế phải chuyển các thùng nuôi ong từ các điểm nuôi dễ bị ngập nước lên khu vực có nền đất cao hơn nhưng vẫn không kịp. Số ong chưa kịp chuyển bị ngập úng hoặc bị nước cuốn trôi đi, có hộ đã mất cả trăm thùng ong mật. Người nuôi ong sau đó sẽ phải gây lại đàn ong mới, tốn nhiều công sức và ít nhất sau 4 - 5 tháng mới khôi phục được số lượng ong như ban đầu.
“Hiện tại ở địa phương mình có khoảng 12 hộ gia đình nuôi ong. Có nhà thì bị trôi hết ong theo dòng nước lũ, có nhà thì bị mất một nửa nhưng cũng có nhà không bị thiệt hại vì họ kịp di chuyển ong lên trên cao. Mình có nuôi khoảng 270 thùng ong nhưng do mưa lũ nên đã mất hơn một trăm thùng ong. Tính ra cũng phải thiệt hại đến năm mưới, sáu mươi triệu đồng”, anh Nguyễn Viết Minh, một người nuôi ong ở Phong Điền chia sẻ.
“Sắp tới khi gây dựng lại đàn ong mới, mình sẽ di chuyển lên vùng đất cao để nuôi. Hiện tại thì kinh tế đang khó khăn, thu nhập từ nuôi ong thấp nên ít người có thể duy trì nghề được lâu dài.” , anh Minh chia sẻ thêm.
Ở huyện Phong Điền, người dân chủ yếu nuôi giống ong Ý, có năng suất mật cao nhưng khó nuôi hơn so với giống ong truyền thống. Loại ong này thường sống ở nơi khô thoáng, có nhiều cây xanh và bóng mát. Trung bình giá mật ong dao động trong khoảng từ 13.000 - 15.000 đồng/ kg.
Đợt mưa lũ kéo ở Thừa Thiên - Huế những ngày qua đã làm hàng trăm hecta hoa màu bị tàn phá; nhiều trại cá, hải sản bị cuốn trôi, gây thiệt hại lớn cả người và của cho người dân ở địa phương. Trong khi người dân chưa thể khắc phục dứt điểm hậu quả của đợt lũ chồng lũ thì cơn bão số 8 chuẩn bị tiến vào miền Trung khiến tình hình càng phức tạp.