"Khổ lắm..."
Cách đây gần 6 tháng, ông D.Q.T (65 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) bị viêm tai, mọi người ai cũng nghĩ bình thường nên không đi khám, đến một ngày đau quá nhập viện thì phát hiện bị ung thư.
Ngồi đợi nhận thuốc bảo hiểm y tế của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bà L - vợ ông T - không kìm được nước mắt khi nhìn thấy chồng mình trong cơn đau bệnh tật hành hạ mỗi ngày, kèm với đó là nỗi lo tiền điều trị bệnh.
Cũng theo vợ ông T chia sẻ, sau một lần mổ, tế bào ung thư di căn lên não, buộc phải xạ trị. Hôm nay là ngày thứ 4 liên tục bà đưa chồng từ Bình Tân qua bệnh viện Ung bướu xạ trị. “Tôi chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế xong ra ngoài mua thuốc theo toa bác sĩ yêu cầu. Bác sĩ cho hai toa thuốc, một toa thuốc nhận ở quầy thuốc BHYT, còn một toa bác sĩ yêu cầu ra ngoài mua” -bà L chia sẻ.
Bà L tâm sự, hai vợ chồng bà chỉ có 1 người con đang làm nghề bán trái cây, bà làm người giúp việc ở gần nhà. Gia đình vốn khó khăn, từ khi chồng đổ bệnh bà cũng nghĩ việc để đưa chồng đi điều trị. Số tiền chữa bệnh cho chồng phải vay mượn khắp nơi.
“Bữa giờ nghĩ mà tôi cứ khóc, chỉ cầu mong chồng khỏe để tôi đi làm kiếm tiền trả nợ. Chút nữa tôi phải đi ra ngoài mua thuốc, vì bệnh viện chia sẻ là hết thuốc rồi, chưa biết bao nhiêu nhưng giờ cũng phải ráng vay mượn chứ biết sao…”- bà L vừa nói vừa lau nước mắt.
Hoàn cảnh cũng không khấm khá hơn vợ chồng ông D.Q.T, bà N.T.M (ngụ tỉnh Cần Thơ) mang trong mình khối ung thư cổ tử cung quái ác. Đây là lần thứ 4 bà xạ trị, sau đó được bác sĩ cho toa thuốc về nhà uống. Thế nhưng, nhiều loại thuốc bệnh viện đã hết nên dặn ra ngoài mua.
“Nhiều người giống tôi lắm, đến khám bệnh và muốn mua thuốc của bệnh viện để uống cho đỡ tiền nhưng hết thuốc. Đóng bảo hiểm mà cứ phải đi ngoài mua như vậy quả thật khổ lắm…” - bà M chia sẻ.
Các bệnh viện đang hỗ trợ, phối hợp với nhau
Nguồn tin của phóng viên cho biết, tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện tuyến cơ sở đã dần cạn kiệt cách đây khoảng vài tháng. Vì vậy, nhiều người đã lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Đơn cử tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng đã hết một số danh mục thuốc, không ít bệnh nhân phải đi ra ngoài mua thuốc dù được bác sĩ kê đơn, khám bệnh theo đúng quy trình của bệnh viện.
“Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh đổ về Bệnh viện Chợ Rẫy để khám bệnh vì bệnh viện tuyến dưới hết thuốc. Điều này dẫn tới Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cạn kiệt nguồn thuốc và chưa đấu thầu bổ sung được vì nhiều vướng mắc và cơ chế hiện nay” - một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Để xử lý tình trạng thiếu thuốc trên, các bệnh viện đang áp dụng việc phối hợp, hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Cụ thể, nếu bệnh viện này còn thuốc thì điều chuyển, cho bệnh viện đang cần nhưng hết thuốc mượn xài đỡ và ngược lại. Nếu thuốc nào được sử dụng 2-3 chủng loại thì hết loại này sẽ dùng loại kia. Với những thuốc hiếm, cần gấp cho bệnh nhân thì phải xin cơ chế mua ưu tiên. Nếu có trường hợp cấp cứu mà thiếu thuốc và vật tư, bệnh viện chấp nhận mua đột xuất.
"Chúng tôi sẽ cố gắng, không để thiếu thuốc, thiết bị điều trị cho bệnh nhân được, vấn đề cấp cứu phải được đảm bảo" - bác sĩ này nói.
Thực tế khác với báo cáo của Sở Y tế TPHCM không thiếu thuốc
Trong khi tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở một số cơ sở y tế thì tại một cuộc họp báo mới đây, đại diện Sở Y tế TPHCM bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, Sở Y tế TP đã họp với 77 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế để xác định vấn đề có thiếu thuốc hay không.
"Kết quả, Sở Y tế ghi nhận rằng, hiện tại, không thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, trung tâm y tế. Hầu hết, các bệnh viện trong TPHCM hiện tại đã có kết quả đấu thầu thuốc, chỉ còn một vài bệnh viện nữa trong hai tháng tới sẽ có kết quả. Sở Y tế TPHCM đã duyệt các kế hoạch mua thuốc bổ sung cho các bệnh viện trong thời gian chờ kết quả đấu thầu" - bà Như nói.