Nỗi "đau đầu" của Hà Nội khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới

Nguyễn Trường| 02/02/2022 08:11

Y tế cơ sở- tuyến đầu của tuyến đầu trong phòng, chống dịch ở Hà Nội đang lộ ra nhiều bất cập. Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần ưu tiên nguồn nhân lực, vật tư cho y tế cơ sở trong thời gian tới.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 128 thay thế cho Quyết định 4800 trước đó về "Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Nỗi đau đầu của Hà Nội khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới - 1

Với tiêu chí đánh giá cấp độ dịch mới, Hà Nội chỉ còn ghi nhận 13 phường, xã có dịch cấp độ 3 (Ảnh: Hữu Nghị).

Dịch bệnh phải được đánh giá đúng cấp độ!

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sự thay đổi cụ thể hơn về chỉ số, thêm tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ giường hồi sức tích cực… trong quyết định mới được Bộ Y tế ban hành trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine cao là rất thích hợp, cần thiết.

Bởi lẽ, dù nhiều địa phương ghi nhận ca mắc cộng đồng tăng cao nhưng tỷ lệ F0 ở thể nhẹ cũng cao lên, không nhiều ca mắc nặng như giai đoạn trước.

Đặc biệt, ông Phu đánh giá cao việc bổ sung số F0 phải thở oxy và tỷ lệ tử vong do Covid-19 trở thành một trong số các yếu tố phân cấp độ dịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện đã được Bộ Y tế đưa vào bộ tiêu chí.

"Việc thêm tiêu chí tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy sẽ giúp giảm các bệnh nhân F0 trở nặng và tử vong. Riêng tiêu chí tỷ lệ giường bệnh sẽ giúp các địa phương đáp ứng được cấp độ dịch bệnh tương xứng, tránh tình huống không có giường bệnh điều trị dẫn đến quá tải cho hệ thống y tế" - ông Phu phân tích.

Trên cơ sở các tiêu chí mới mà Bộ Y tế đưa ra, vị cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, bày tỏ các địa phương cần lưu ý hơn về việc đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn tương xứng với thực tế, trên quy mô càng nhỏ càng tốt.

Nếu đánh giá cấp độ dịch một cách "thái quá", cao hơn một cấp độ so với tình hình thực tế sẽ ảnh hưởng đến đời sống, an sinh, xã hội của địa phương mình và cả các địa phương khác; đồng thời sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.

Đối với hệ thống y tế cơ sở của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trước mắt thành phố chưa thể tăng cường nhanh chóng nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục huy động thêm các y, bác sĩ về hưu; lực lượng thanh niên tình nguyện… tham gia vào hệ thống y tế cơ sở. Đồng thời, việc điều tiết, chuyển tiếp các cuộc gọi đến Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" luôn cần được duy trì hoạt động trơn tru để giải đáp, tư vấn các thắc mắc của người bệnh.

"Hiện nhiều Trạm y tế ở xã, phường, thị trấn ở Hà Nội vẫn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị nên để nâng cao năng lực y tế dự phòng, thành phố cần bổ sung, đầu tư thêm cho hệ thống y tế cơ sở" - ông Phu nêu quan điểm.

Nỗi đau đầu của Hà Nội khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới - 2

Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng đã có yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí các trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở, tại nhà (Ảnh: Mạnh Quân).

Y tế cơ sở Hà Nội đang điều trị 95% ca F0?

Kiến nghị giải pháp phòng, chống dịch đối với Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết ngành y tế thành phố cần hướng đến 3 tiêu chí cơ bản nhất, đó là: không lây nhiễm; nếu nhiễm virus thì không chuyển nặng; nếu chuyển nặng thì không tử vong (3 không).

Theo đó, việc đầu tiên, Hà Nội cần tập trung tiêm vaccine 100% cho nhóm người nguy cơ cao nhất đang dễ chuyển nặng nếu mắc Covid-19, đó là người trên 50 tuổi và người có bệnh nền. Nhóm nguy cơ này phải được tiêm vaccine mũi 3 là tốt nhất và đây là tiêu chí quan trọng nhất.

Tiếp theo, thành phố kiềm chế số ca mắc mới mỗi ngày, dựa trên việc giám sát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần tự đánh giá nguy cơ và chủ động khai báo nếu thấy biểu hiện của bệnh. Khi người dân chủ động khai báo sớm, áp dụng cách ly kịp thời sẽ giảm số ca lây nhiễm.

Tiếp tục chia sẻ quan điểm, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh về khả năng đáp ứng của hệ thống y tế của thành phố. Ông cho rằng, ở tuyến bệnh viện, tỷ lệ điều trị F0 sẽ chiếm khoảng 5% còn ở tuyến y tế cơ sở chiếm 95%.

Trong bối cảnh Hà Nội liên tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mỗi ngày thì năng lực quản lý, điều trị F0 tại các tuyến xã, phường là điều quan trọng. Cần tiếp tục chăm sóc kịp thời người nhiễm virus tại cơ sở; tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã để giảm tải cho tuyến trên.

Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng giám sát được các ca mắc, quản lý được các trường hợp nhiễm virus trên địa bàn; kết hợp với việc tăng cường giải pháp điều trị ở tuyến cơ sở. Trong đó, giải pháp điều trị ở tuyến cơ sở là để F0 tiếp cận được thuốc điều trị. Đối với các ca chuyển nặng, thành phố cần kịp thời chuyển đến bệnh viện để hạn chế tử vong.

Trước đó, liên quan đến hệ thống y tế cơ sở, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, hệ thống này có vai trò trụ cột, nòng cốt và điều này đã được chứng minh trong thời gian suốt 2 năm diễn ra dịch bệnh.

"Phải nói y tế cơ sở là tuyến đầu của tuyến đầu. Một trạm y tế chỉ có từ 5-10 cán bộ y tế, kể cả các xã, phường có tỉ lệ dân số rất cao. Đã có lúc dân số cao gây quá tải cho hệ thống y tế. Có thể thừa nhận chất lượng cơ sở y tế cơ sở chưa cao, các trạm y tế cũng xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu…" - bà Hà nói.

Mới đây, bên cạnh những thành tích đã đạt được trong "làn sóng" dịch lần thứ 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn chia sẻ về sự bất cập của lĩnh vực y tế và cho rằng, nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng này là do chính sách, quyết định của thành phố.

"Một phường có 9 vạn dân mà theo quy định chỉ có một trạm y tế. 9 vạn dân mà tối đa có 10 cán bộ thì y tế quá tải, lấy đâu ra nhân lực mà làm" - ông Dũng nhấn mạnh.

Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng đã có yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí các trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở, tại nhà. "Đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế số ca F0 phải chuyển tầng, giảm tải cho y tế tuyến trên" - ông Dũng nói.

Hà Nội không còn quận, huyện "vùng cam"

Tối 28/1, UBND TP Hà Nội phát đi thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, theo tiêu chí mới về đánh giá cấp độ dựa trên Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế, Hà Nội chỉ ghi nhận 13 địa bàn có dịch cấp độ 3 (tức vùng cam); 49 địa phương có dịch cấp độ 2 (tức vùng vàng) và 517 địa phương có dịch cấp độ 1 (tức vùng xanh) ở quy mô xã, phường, thị trấn.

Như vậy, theo tiêu chí đánh giá mới, Hà Nội chỉ còn tính cấp độ dịch bệnh ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn; không còn tính cấp độ dịch ở quy mô cấp quận, huyện, thị xã hay cấp thành phố.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/noi-dau-dau-cua-ha-noi-khi-danh-gia-cap-do-dich-theo-tieu-chi-moi-20220130100102175.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/noi-dau-dau-cua-ha-noi-khi-danh-gia-cap-do-dich-theo-tieu-chi-moi-20220130100102175.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗi "đau đầu" của Hà Nội khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO