Nỗi buồn nông dân: Giá nông sản sụt giảm, nguyên liệu đầu vào tăng và neo cao

15/05/2023 13:30

Áp lực từ thị trường, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, còn giá phân bón neo ở mức cao. Trong khi giá nhiều loại nông sản lại giảm sâu khiến nông dân thua lỗ nặng.

Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV), mới đây của Bộ NN-PTNT nêu rõ, trong quý I/2023, thời tiết ổn định, tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung dồi dào.

Bên cạnh một số mặt hàng giá tương đối ổn định, hầu hết đều có xu hướng giảm. Cụ thể, giá lúa tại các tỉnh giảm do đang vào vụ thu hoạch rộ, từ 300-400 đồng/kg; giá cà phê thế giới và trong nước giảm khoảng 100 đồng/kg do báo cáo tồn kho cà phê tăng, các nhà sản xuất chính chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới.

Giá chè cũng duy trì xu hướng giảm do sức mua của thị trường thấp, sản lượng thu hoạch tăng; giá hạt tiêu giảm do nguồn cung dồi dào (từ 10.000-80.000 đồng/kg, tùy loại); giá lợn hơi trên cả nước giảm do nguồn cung dồi dào trong khi mức tiêu thụ chậm (giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy khu vực); giá gà giảm do sức mua giảm, tiêu thụ ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể ít đi (giảm từ 1.000-4.000 đồng/kg).

Giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán gia cầm giảm mạnh khiến người nông dân thua lỗ. (Ảnh: Nhật Sinh)

Ở chiều ngược lại, hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trong nước có xu hướng tăng giá. Chỉ một số ít mặt hàng là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón giá biến động theo xu hướng giảm (từ 1.600-2.600 đồng/kg), song vẫn neo ở mức cao.

Quý I/2023, nước ta chi 1,89 tỷ USD nhập khẩu hơn 4,56 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tăng 23,4% về lượng và tăng 26,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Một số nguyên liệu nhập khẩu chính: ngô hạt 2,1 triệu tấn, tương đương 700 triệu USD; khô dầu các loại 1,35 triệu tấn, giá trị khoảng 674 triệu USD; lúa mì 266 nghìn tấn, khoảng 94 triệu USD...

Tính trung bình trong quý I/2023, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, khô đậu tương tăng 1,3%, cám gạo tăng 13,9%, DDGS (các sản phẩm phụ như bã rượu khô từ ngũ cốc và các chất hoà tan) tăng 3,4%; chỉ giá ngô là giảm 2,2%.

Giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt giai đoạn xuất chuồng tiếp tục tăng 10,5%, giá thức ăn cho gà thịt lông màu tăng 5,5%, cho gà thịt lông trắng tăng 7%.

Đầu vào tăng trong khi giá bán sản nông sản lại giảm khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, Giám đốc một công ty chăn nuôi quy mô 1,2 triệu gà đẻ trứng cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tính từ cuối năm 2020 đến nay đã tăng khoảng 50%. Vậy nhưng, giá trứng gà ngày một giảm.

Như ngày 13/5, giá trứng xuất cho các công ty và bếp ăn tập thể chỉ 1.600 đồng/quả. Một ngày, doanh nghiệp bán hơn 800.000 quả trứng với giá này nên lỗ khá nặng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), người nuôi gà công nghiệp lông trắng đang lỗ khoảng 6.000-8.000 đồng/kg khi xuất chuồng. Riêng với gà ta, tháng 1/2023, nông dân lỗ 7.000 đồng/kg, tháng 2 lỗ 13.000 đồng/kg, tháng 3 lỗ tới 16.300 đồng/kg.

Tương tự, quý I/2023 giá lợn hơi giảm sâu xuống dưới 50.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Có những trang trại lỗ 2-3 tỷ đồng/tháng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải treo chuồng vì không còn khả năng tái sản xuất.

Tháng 4, nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục xu hướng giảm giá. Đơn cử, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL size 800 gram/con giảm 1.500 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3, về còn 28.500-29.000 đồng/kg.

Giá tôm nguyên liệu trong tháng 4 cũng chung xu hướng giảm với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do lượng tiêu thụ chậm ở thị trường xuất khẩu, trong khi nguồn cung tăng lên. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ lớn 20, 30, 40 con/kg giảm 2.000-4.000 đồng/kg so với tháng trước, lần lượt ở mức 260.000 đồng/kg, 210.000 đồng/kg và 150.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 30 con/kg giảm 26.300 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 136.700 đồng/kg; cỡ 60 và 70 con/kg giảm 6.300 đồng, còn lần lượt 101.700 đồng/kg và 91.700 đồng/kg...

Giá các loại rau củ cũng đồng loạt giảm mạnh vì thị trường tiêu thụ chậm. Giá trái cây tại một số tỉnh phía Nam sụt giảm do vào vụ thu hoạch rộ. Đáng chú ý, xoài cát Hòa Lộc tại Tiền Giang giảm 22.700 đồng/kg so với tháng trước; xoài cát chu giảm 8.100 đồng/kg; giá sầu riêng giảm về mốc 50.000-55.000 đồng/kg, tuỳ loại.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn nông dân: Giá nông sản sụt giảm, nguyên liệu đầu vào tăng và neo cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO