Cuộc đời người phụ nữ bất hạnh
Đã 4 tháng trôi qua, kể từ ngày con trai Rơ Mah Tinh gặp nạn qua đời, chị Rơ Mah Pil (SN 1986, trú xã la Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) dường như suy sụp hoàn toàn. Mọi mối dây liên hệ về con chỉ là ký ức buồn đau, nỗi niềm ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Bởi vì trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chiều 25/10/2023 khiến Rơ Mah Tinh và 3 thanh niên cùng xã tử vong có phần do lỗi của chị.
Chiều hôm đó, sau khi uống rượu mừng tân gia về, Rơ Mah Tinh (17 tuổi, chưa có GPLX, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cm3, không đội mũ bảo hiểm), điều khiển xe mô tô BKS: 81B2-636.82, dung tích xi lanh 109cm3 chở Niang Kéo và Siu Ngư (cùng 18 tuổi) lưu thông theo hướng từ xã la Lâu đến xã la Ga.
Do không chú ý quan sát, làm chủ tốc độ nên xe của Tinh đã tông vào xe mô tô BKS:81B2-199.06 do Rơ Mah Tuyên (22 tuổi) điều khiển đi ngược chiều. Hậu quả, cả 4 thanh niên đều tử vong, 2 xe mô tô bị biến dạng, hư hỏng nặng.
Sau khi mất con, nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì gần đây chị Rơ Mah Pil bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chư Prông truy tố ra tòa, xét xử về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Trong căn nhà khung gỗ lợp tôn không có gì đáng giá ngoài chiếc giường ngủ, chị Rơ Mah Pil gạt những giọt nước mắt, nhớ lại: “Khi Rơ Mah Tinh tròn 1 tuổi, chồng tôi không may bị điện giật tử vong trong lúc dùng kích điện đánh bắt cá. Vừa tròn 21 tuổi, tôi đã phải quấn khăn tang trên đầu, ôm con khóc cạn nước mắt”.
Năm 2010, để có người đỡ đần, chị Rơ Mah Pil đón Rơ Lan Gcunh, kém 3 tuổi người cùng làng về ở chung, rồi sinh được 2 đứa con gái vào năm 2011 và 2015.
“Thời gian đầu Rơ Lan Gcunh ít uống rượu nên vẫn đi làm, cùng vợ quán xuyến nương rẫy, chăm sóc con cái. Sau đó đâm ra đổi tính, bỏ bê công việc, thường xuyên rượu chè, chửi bới, đánh đập vợ con nên tôi không thể tiếp tục chung sống”, chị Rơ Mah Pil buồn rầu nói.
“Hết năm lớp 7, Rơ Mah Tinh nghỉ học cùng mẹ làm cỏ, phun thuốc, chăn bò. Mỗi khi đi làm, Rơ Mah Tinh giành việc chở đi, chở về, lâu dần thành quen. Kể từ năm 2021, cháu sử dụng chiếc xe máy vừa mua để đi lại hàng ngày, nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong làng”, chị Pil tâm sự.
'Không dám nhìn di ảnh con'
Lý giải về việc biết con trai uống rượu, nhưng vẫn cho Rơ Mah Tinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chị Rơ Mah Pil nói: “Trước đây, mỗi khi cháu uống rượu tôi thường ngăn cản, không biết vì sao hôm đó tôi lại bỏ qua. Thấy cháu bảo đi chơi nhà Niang Kéo nên tôi cứ để cho đi mà không nói gì. Nếu tôi can ngăn chắc cháu không đi và sẽ không gặp nạn như thế”.
Cũng như nhiều người mẹ Gia Rai, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, chị Rơ Mah Pil không biết việc giao xe cho con khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật: “Ở làng này nhiều trẻ em chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy ra đường. Bọn trẻ đi ầm ầm có sao đâu, chỉ tại con tôi cái số nó thế”.
Bình thường hai mẹ con luôn đi làm cùng nhau, sau cái chết của con trai, chị phải lầm lũi một mình. Công việc vất vả, không có người hỗ trợ, sẻ chia, chị Pil lại nhớ con đến quay quắt, ân hận vì đã giao xe cho con để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
“Tôi ân hận lắm, tôi không mong như thế đâu. Giờ làm gì cũng không kịp nữa, người đã mất rồi. Mỗi lần về nhà, đi qua ban thờ, tôi không dám nhìn di ảnh con mình”, giọng chị Pil nghẹn lại, nức nở.
“Tuyệt đối không giao xe cho người chưa đủ tuổi, hoặc đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đừng để như tôi, giờ nói ra điều này thì đã quá muộn”, chị Pil nhắn gửi trong nước mắt.
Ông Hoàng Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết, hoàn cảnh của chị Rơ Mah Pil rất đáng thương, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Hiện 3 mẹ con chị Pil sống cùng nhau, còn người chồng do hay rượu chè nên đã về nhà sống cùng mẹ đẻ.
Theo ông Long, sau khi tai nạn thương tâm xảy ra, UBND xã đã vận động các tổ chức đoàn thể, các mạnh thường quân đến hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Đồng thời chỉ đạo tổ chức tuyên truyền việc chấp hành an toàn giao thông, phổ biến giáo dục pháp luật tại các thôn bản và tăng cường tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm.