Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản tính đến quý III năm nay. Các con số đưa ra cho thấy, vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp hay FDI chảy vào lĩnh vực này đều tăng.
Trong đó, về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 30/9, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng. Con số này tăng lên so với mức 672.224 tỷ đồng tính đến hồi cuối tháng 6 năm nay.
Trong số này, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 38.991 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 28.326 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản;
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.919 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản;
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.348 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản;
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 105.558 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản;
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 73.833 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,8%.
Còn lại dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 186.932 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,4%.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước, đồng thời giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước.
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (6.885 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (6.800 tỷ đồng)... Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi trong khoảng 7,4 - 13%/năm.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 9 năm nay từ 0,6 tỷ USD đến 1,78 tỷ USD.
"Vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo quý. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản", Bộ Xây dựng cho biết.
Nguyễn Mạnh