Thời gian gần đây, nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Amazon, Tiki, Lazada... đã lên tiếng vì bị kẻ xấu mạo danh nhằm lừa đảo tuyển dụng. Với phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, số nạn nhân cũng như số tiền bị chiếm đoạt tăng mạnh.
Cảnh báo nhiều vẫn "sập bẫy"
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, nhu cầu xin việc của người lao động ngày một tăng với mục đích cải thiện thu nhập. Nắm bắt được điều này, nhiều cá nhân, đơn vị đã giả mạo nhân viên các doanh nghiệp lớn, các sàn TMĐT để đưa ra lời mời tuyển dụng hấp dẫn để lừa đảo thông qua tin nhắn:
Theo ghi nhận trên hệ thống, người dân nhận được nhiều tin nhắn qua điện thoại di động với nội dung: "Amazon cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà ! ! ! Số lượng: 100 người. Mô tả công việc: Xử lý đơn đặt hàng từ nền tảng thương mại điện tử của Amazon. Yêu cầu độ tuổi lao động: 23 ~ 60 tuổi. Lương hàng tháng từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Ít nhất 500k ~ 3000K mỗi ngày thao tác đơn giản và hướng dẫn đi kèm, bạn có thể nhận tiền sau 15 ~ 20 phút. Các bạn có nhu cầu tham gia xin việc liên hệ zalo..."
Tuy nhiên, dù đã được cảnh báo nhưng do đang có nhu cầu tìm việc cùng với mức độ spam của những tin nhắn như vậy xuất hiện thường xuyên, liên tục khiến họ dễ bị dụ dỗ tham gia. Với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà, lương cao, không ít người đã bị vướng vào những công việc đa cấp này và bị lừa đảo hàng chục triệu.
Như chị K.C. ở khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, gần đây chị liên tục nhận được tin nhắn mời chào làm việc cho sàn TMĐT của Tiki. Để được nhận làm, chị C. được một cá nhân có tên Lịch - tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của một sàn TMĐT yêu cầu chuyển tiền 3 lần.
“Hai lần đầu, số tiền tôi chuyển đều được hoàn trả. Đến lần thứ ba, tôi được giao 3 nhiệm vụ, trước mỗi lần thực hiện nhiệm vụ phải chuyển 3,76 triệu đồng, tổng cộng hơn 11 triệu đồng, nhưng sau đó không được hoàn lại. Tôi liên hệ với nhân viên tên Lịch đó thì số điện thoại, Zalo, Facebook đều khóa. Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn TMĐT Tiki thì được biết, Tiki không có nội dung công việc này, cũng không có nhân viên có tên, số điện thoại như vậy” - chị C. cho hay.
Với thủ đoạn mời chào tương tự, chị P.C., ở Xa La (Hà Đông) đã cầm cố tài sản để có 55 triệu đồng tham gia một công việc trên sàn TMĐT. Sau khi chuyển tiền cho các đối tượng vài lần mà vẫn không nhận được tiền hoàn lại và “hoa hồng”, chị liên lạc lại theo số điện thoại đã có thì được biết phải chuyển thêm tiền vào thì mới được nhận lại, nếu không sẽ mất toàn bộ số tiền đã gửi.
“Đến lúc đó thì tôi nghĩ mình đã bị lừa. Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn và được biết họ không có chương trình làm việc nào như vậy” - chị C. kể.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những người dùng của các sàn thuộc độ tuổi trung niên, khả năng tiếp cận thông tin cảnh báo không nhanh bằng người dùng trẻ tuổi, cùng với đó là nội dung công việc kiếm tiền nhanh thì thông tin như trên rất thu hút.
Làm thế nào để tránh “sập bẫy”?
Trên thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới. Cơ quan công an, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nhiều lần cảnh báo người tiêu dùng để tránh “tiền mất tật mang” nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Gần đây, các sàn TMĐT liên tục phát đi thông tin cảnh báo về hiện tượng mạo danh, lừa đảo tuyển dụng. Amazon, Tiki, Lazada... đã lên tiếng vì bị mạo danh nhằm lừa đảo tuyển dụng, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo cảnh báo từ các sàn thương mại điện tử, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với các đơn vị này. Đại diện các sàn thương mại điện tử này cho biết, các nhà tuyển dụng của đơn vị liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên.
Trước thông tin trên, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC) cho biết, với những ai vốn đề cao cảnh giác thì tin nhắn trên chỉ khiến họ cảm thấy phiền phức. Nhưng với những người dễ tin, các dòng tin nhắn spam này lại khiến họ dễ bị dụ dỗ tham gia vào đường dây đa cấp có quy mô lớn. Với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà, lương cao, không ít người đã bị vướng vào những công việc đa cấp này.
Do đó, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân:
Nên thận trọng với tất cả các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng,… mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của các sàn thương mại điện tử.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo, Trung tâm VNCERT/CC lưu ý người dân:
Thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về các hình thức lừa đảo, mạo danh trên cổng Thông tin điện tử: chongthurac.vn.
Khi nhận được các thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp.
Không cung cấp hình ảnh thông tin cá nhân như: CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng… Không truy cập đường link, tải ứng dụng lạ khi chưa rõ thông tin.
Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo người dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) qua đầu số tin nhắn 5656 để Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
Theo Trí thức Trẻ