Nỗ lực đưa đặc sản chè Thái Nguyên lên sàn thương mại điện tử

14/06/2022 16:28

Cùng với hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tỉnh Thái Nguyên luôn tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất chè phát triển thị trường, thương hiệu. Ngoài kênh thương mại truyền thống, kênh thương mại điện tử cũng đang được hướng tới.

Nâng tầm thương hiệu, tăng thu nhập cho các đơn vị sản xuất chè

Ở Thái Nguyên, nhiều đặc sản như chè đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt kể từ khi có dịch Covid-19. Theo đó, mức doanh thu hàng tháng, hàng năm của nhiều đơn vị đã cao hơn. Đại diện HTX chè Hảo Đạt tại Tân Cương, Thái Nguyên cho hay, khi đưa các sản phẩm lên giới thiệu tại gian hàng số, thu nhập của các hộ gia đình trong HTX đều tăng gấp đôi so với trước.

Bên cạnh đó, khách hàng trong và ngoài nước đã biết đến sản phẩm chè của các đơn vị. Khách hàng cũng dành nhiều lời khen cho sản phẩm vì thông tin rõ ràng, minh bạch về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.

HTX chè Tuyết Hương từ 8 người sáng lập nhiều năm trước, nay có thêm có 29 hộ liên kết sản xuất. Hai năm nay, HTX thay đổi ngoạn mục nhờ sản phẩm chè được Bưu điện, Viettel Post đưa lên sàn thương mại điện tử.

“Được hỗ trợ nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi về, chốt đơn, được hỗ trợ vận chuyển, giao hàng, chúng tôi chỉ phải tập trung sản xuất, đóng gói chè theo đơn. Bên cạnh đó, HTX cũng được hỗ trợ quay video giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên fanpage. Qua chương trình kết nối giao thương đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như sàn Postmart, Vỏ sò và livestream, HTX đã được kết nối với khách hàng trong và ngoài nước, đảm bảo các sản phẩm đều là các tiêu chí an toàn thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, việc phân phối bán hàng được giảm đi đáng kể. Ví dụ, HTX muốn giới thiệu một sản phẩm ở Hà Nội thì sản phẩm phải cộng thêm 28% - 35% chi phí nhưng trên sàn thương mại điện tử, chi phí giảm ít nhất 30%”, đại diện HTX chè Tuyết Hương chia sẻ.

Hỗ trợ nông dân đưa chè lên sàn thương mại điện tử 

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổ Công tác 1034 (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai Chương trình hướng dẫn trực tiếp cho các hợp tác xã, hộ sản xuất của vùng chè trọng điểm tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên về những kiến thức khi tham gia sàn thương mại điện tử.  Tại Chương trình, các hợp tác xã và hộ sản xuất chè đã được hướng dẫn cách thức tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn với các nội dung như: Thực hành tạo tài khoản tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; khởi tạo gian hàng; đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm; tổ chức mẫu một phiên livestream ngắn bán hàng trên sàn thương mại điện tử…

Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cũng đã đồng hành, giúp đỡ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chè phát triển mạng lưới kinh doanh, mở rộng thị trường thông qua lồng ghép, phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống và xúc tiến thương mại qua ứng dụng các nền tảng số.

Các cơ quan, đơn vị khác như Liên minh Hợp tác xã đã hỗ trợ người nông dân, HTX đưa chè lên sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho bà con bằng nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng kỹ thuật số, kể cả mạng xã hội. Liên minh HTX đã xây dựng trang fanpage riêng trên mạng xã hội zalo, facebook để quảng bá cho nông sản Thái Nguyên, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Ông Nguyễn Công Dũng, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Để giúp khai thác tối đa các giá trị của sản phẩm chè, bên cạnh việc quảng bá thương mại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử gắn với phát triển du lịch vùng nông thôn, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ người làm chè tập trung vào khâu chế biến, chế biến sâu để có sản phẩm phong phú hơn như matcha, tinh bột trà, mở rộng đối tượng phục vụ và xuất khẩu. Tính dược liệu, mỹ phẩm của cây chè trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, kết hợp với ngành khác để có sản phẩm chăn nuôi, làm thức ăn tăng giá trị chăn nuôi cũng sẽ được khai thác nhiều hơn”.

Ngoài ra, tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc cấp mã QR cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thiện tiêu chí để sản phẩm có mặt tại các kênh phân phối hiện đại. Đến nay đã có 55 doanh nghiệp được hỗ trợ mã QR, trong đó có 52 doanh nghiệp chè. Các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số được triển khai rộng khắp. Việc liên kết sàn thương mại điện tử của tỉnh tích hợp trong ứng dụng C-ThaiNguyen nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đặc sản vùng miền và đặc biệt là sản phẩm trà được nhiều người quan tâm.

Thu Hoài

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/no-luc-dua-dac-san-che-thai-nguyen-len-san-thuong-mai-dien-tu-2030066.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/no-luc-dua-dac-san-che-thai-nguyen-len-san-thuong-mai-dien-tu-2030066.html
Bài liên quan
  • Chè Thái Nguyên Tân Cương Xanh - Thương hiệu chè Bắc lâu đời
    Từ bao đời nay, đặc sản “chè Thái” luôn nức danh trong xứ trà Việt, mỗi khi nhắc đến chè Bắc là mọi người nghĩ ngay đến chè Thái Nguyên. Chè Thái Nguyên đã trở thành thứ chè Bắc được mọi người ở khắp mọi miền đất nước ưa chuộng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đưa đặc sản chè Thái Nguyên lên sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO