Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh gia tăng và tuổi thọ giảm khi vấn đề nợ công không được giải quyết nhanh chóng.
Đây là kết luận của nghiên cứu được công bố ngày 21/6, trong bối cảnh các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ của các nước Zambia, Sri Lanka và Ghana vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Nghiên cứu trên do các nhà nghiên cứu Clemens Graf von Luckner và Juan Farah-Yacoub thực hiện.
Theo các tác giả nghiên cứu, kể từ năm 1900, ở các nước thoát khỏi tình trạng vỡ nợ trong vòng 3 năm, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn 2,2 điểm phần trăm so với khi họ không bị vỡ nợ.
Nếu tình trạng vỡ nợ kéo dài hơn 3 năm và duy trì trung bình trong 1 thập niên, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn 11,4 điểm phần trăm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình tại các nước trên thấp hơn 1,5 điểm phần trăm trong 1 thập niên sau khi vỡ nợ và có thể tệ hơn nữa nếu tình trạng này kéo dài hơn.
Đại dịch COVID-19 đã khiến một số quốc gia, trong đó có Zambia, rơi vào tình cảnh vỡ nợ. Trong khi đó, lãi suất toàn cầu và lạm phát gia tăng đã trở thành nguyên nhân đẩy nhiều quốc gia khác đến bên bờ vỡ nợ.
Nhằm đối phó với dịch COVID-19, năm 2020, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khởi động quá trình tái cơ cấu nợ mang tên “Khuôn khổ chung.”
Zambia, Ethiopia, Chad và Ghana cũng đã tham gia quá trình này, song cho đến nay quá trình đàm phán để tái cơ cấu nợ vẫn chưa đạt kết quả khả quan.
Ông Mark Malloch Brown, người đứng đầu Open Society Foundations, tổ chức công bố nghiên cứu trên, cho biết những vướng mắc trong vấn đề chính trị đã cản trở quá trình đàm phán tại Zambia.
Theo một quan chức giấu tên của Câu lạc bộ Paris, các chủ nợ song phương của Zambia dự kiến sẽ đưa ra đề xuất tái cơ cấu nợ trong tuần này đối với các khoản nợ công của quốc gia vùng Nam Phi này.
Năm 2020, Zambia đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên không thể trả được các khoản nợ nước ngoài, ước vào khoảng 17,3 tỷ USD, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát./.