Ngày 29/9, TAND TP. HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Minh Hiệp (37 tuổi, ngụ Bình Dương), Đỗ Phú Phong (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Võ Văn Cậm Em (58 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo truy tố, sau khi thành lập 3 công ty là Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu TFF (Công ty TFF), Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Rolex (Công ty Rolex) và Công ty TNHH đầu tư tài chính HCT, Hiệp phối hợp cùng Phong, Cậm Em và Nguyễn Văn Mực, thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Theo đó, tháng 5/2019, qua người quen giới thiệu, anh Phan Hữu Nghị (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Hữu Nghị Toàn Cầu) đến Công ty Rolex đặt vấn đề vay vốn để đầu tư nhà máy sản xuất bao bì giấy carton.
Sau đó, Hiệp gặp Đỗ Phú Phong, lúc này là thành viên Công ty TNHH Tư vấn thương mại và đầu tư Hoàng Phúc (Công ty Hoàng Phú do ông Vũ Văn Sơn làm giám đốc) kể lại việc anh Nghị muốn vay vốn. Nghe xong, Phong cho biết, Công ty Hoàng Phúc có bộ hồ sơ "Chứng nhận sở hữu di sản" để tại công ty, có nội dung ghi nhận ông Sơn là người sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỷ USD tại ngân hàng Citibank of New York.
Hiệp đề nghị Phong cho mượn bộ hồ sơ trên để đưa cho anh Nghị xem và hứa sẽ chi cho Phong 1 triệu USD. Lợi dụng lúc ông Sơn đi vắng, Phong đã lấy trộm bộ hồ sơ "Chứng nhận sở hữu di sản" đưa cho Hiệp. Để tạo lòng tin, Hiệp đưa anh Nghị xem hồ sơ cùng với hình ảnh chụp lượng lớn vàng, USD và cho biết công ty đang làm các thủ tục trình Chính phủ để đưa số vàng, USD trên về nước đầu tư.
Sau đó, Hiệp yêu cầu anh Nghị đưa trước 130 ngàn USD để làm chi phí mở cổng thanh toán quốc tế. Tưởng thật, anh Nghị nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền như Hiệp yêu cầu. Tiếp đó, Hiệp nại ra lý do gặp trục trặc, cần thêm 200 triệu đồng nữa để giải quết. Anh Nghị tiếp tục chuyển 90 triệu đồng cho Hiệp.
Chưa hết, kẻ lừa đảo còn nói với anh Nghị cùng hợp tác đầu tư dự án nhà máy sản xuất bao bì giấy carton với vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD và lập hợp đồng ký kết với anh Nghị rồi yêu cầu anh này đưa thêm 5.000 USD nữa. Để tạo lòng tin, Hiệp nói với Phong giả chữ ký của ông Vũ Văn Sơn, làm giấy ủy quyền cho Công ty HCT được quyền thay mặt ông Sơn tiếp nhận tham gia và đăng ký đầu tư các dự án, được quyền ký kết các hợp đồng.
Hiệp đưa giấy tờ ủy quyền này cho anh Nghị xem. Nghi ngờ số giấy tờ Hiệp đưa ra là giả nên anh Nghị yêu cầu Hiệp trả lại tiền. Sợ anh Nghị tố cáo, Hiệp chuyển khoản trả 50 triệu đồng và cam kết trả hết số tiền còn lại trước ngày 16/12/2019. Tuy nhiên, do Hiệp không thực hiện cam kết nên anh Nghị làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.
Cũng bằng thủ đoạn đang sở hữu một khoản tiền lớn, có khả năng đầu tư tài chính, nhóm của Hiệp đã lừa ông Trịnh Sơn Hà (Giám đốc bán hàng khu vực Châu Á của Công ty Glocal), chiếm đoạt gần 7,5 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, do không đủ khả năng tài chính để mua xăng dầu nhập về Việt Nam nên ông Trịnh Sơn Hà đã gặp Nguyễn Văn Mực nhờ hỗ trợ. Mực liền liên hệ với Hiệp bàn cách làm ăn. Hiệp đồng ý và hứa sẽ trả cho Mực 5% tiền công môi giới.
Khi kết nối để ông Hà gặp Hiệp, Mực tự giới thiệu mình là cán bộ Ban Kế hoạch Tài chính Trung ương và là Phó Giám đốc Công ty TFF (mạo nhận là công ty "sân sau" của Ban Kế hoạch Tài chính Trung ương) do Hiệp làm Chủ tịch HĐQT. Mực còn “nổ”, Công ty TFF có khả năng tài chính rất lớn, có khả năng cho Công ty Glocal Green thuê số dư để mở thư tín dụng dự phòng thanh toán. Võ Văn Cậm Em cũng được Hiệp rủ đi hộ tống mình và Mực đi gặp ông Hà.
Trong cuộc gặp gỡ này, Mực đồng ý cho ông Hà thuê số tiền 30 triệu USD để làm đối ứng và bằng nhiều thủ đoạn khác đã chiếm đoạt của ông Hà gần 7,5 tỷ đồng.
Trong quá trình bị bắt tạm giam để điều tra, ngày 5/7/2021, Nguyễn Văn Mực chết do Covid-19 nên cơ quan chức năng đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ vụ án đối với Mực.
Xét thấy, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm tới tài sản của người khác, cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Vì vậy, sau khi xem xét, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Hiệp 18 năm tù, Phong 16 năm tù và bị cáo Cậm Em 13 năm tù.