Hiện nay, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tăng nhanh tại Ninh Bình, tình trạng chất thải do dịch phát sinh mạnh. Ngoài gây tổn thất về sức khỏe và tính mạng của con người, dịch Covid-19 cũng làm phát sinh những hệ lụy về môi trường nếu không được xử lý kịp thời.
Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường.
Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng vệ sinh môi trường cũng được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên cũng làm tăng thêm lượng rác thải.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã có hướng dẫn về tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ cách ly, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà trên địa bàn.
Theo đó, tất cả chất thải phát sinh của người nhiễm Covid-19 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 tại nhà phải được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020.
Việc vận chuyển chất thải từ phòng/nhà có người nhiễm Covid-19 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với tổ covid cộng đồng được thành lập tại các xã, phường, thị trấn thực hiện; đảm bảo không bị rơi, rò rì chất thải ra ngoài. Chất thải được vận chuyển về điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm y tế lưu động, các điểm tiếp nhận phù hợp do địa phương bố trí trên địa bàn.
Các thùng, phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính ngay sau khi sử dụng. Người trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển phải đeo khẩu trang y tế và mặc đồ bảo hộ y tế trong quá trình thu gom, vận chuyển; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
Về xử lý chất thải, ưu tiên thực hiện xử lý chất thải lây nhiễm tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung theo mô hình cụm. Trường hợp các cơ sở xử lý theo mô hình cụm không đảm bảo đủ năng lực xử lý thì liên hệ với các đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được Bộ TN&MT cấp phép.
Sở TN&MT Ninh Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, lập phương án cụ thể và chỉ đạo thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh. Trong đó, chủ động phối hợp với ngành Y tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 trên địa bàn và khoanh vùng để quản lý chặt chẽ chất thải phát sinh.
Đồng thời, chủ trì hướng dẫn, tập huấn đội thu gom chất thải lây nhiễm thực hiện phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Yêu cầu chất thải lây nhiễm phải được phân loại triệt để với các loại chất thải khác nhằm hạn chế lượng chất thải có nguy cơ lây nhiễm phải thu gom, xử lý, đảm bảo năng lực tiếp nhận của các cơ sở xử lý…
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải.